Theo Bộ Y tế, hiện nay, Nghị định 15 đang quy định doanh nghiệp có quyền tự công bố và hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về sản phẩm thực phẩm; cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm rất hạn chế. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp doanh nghiệp tùy tiện xếp loại sản phẩm, phóng đại công dụng nhưng vẫn được lưu thông.
Do đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 15, Bộ Y tế đề xuất cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố phải cho ý kiến, đăng tải công khai, xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tiến hành lấy mẫu giám sát nếu phát hiện vi phạm. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm ngay từ đầu.
Cùng với đó, dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung cũng quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố, triển khai kế hoạch hậu kiểm hồ sơ. Bởi thực tế, Nghị định 15 đang xếp thực phẩm bổ sung vào nhóm thực phẩm đã qua chế biến đóng gói sẵn và cho phép doanh nghiệp tự công bố, không yêu cầu đăng ký công bố sản phẩm.
Đây là kẽ hở để nhiều doanh nghiệp lợi dụng, tự khai sai nhóm sản phẩm hoặc biến thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thực phẩm bổ sung để né kiểm tra quảng cáo. Do đó, trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đề xuất quy định rõ thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đồng thời phải được kiểm soát nội dung quảng cáo, công dụng nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
* UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về đảm bảo ATTP đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19-8-1945 - 19-8-2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2025), chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025-2030.
Thời gian thực hiện cao điểm kiểm tra từ tháng 7-2025 tới tháng 9-2025 trên toàn địa bàn thành phố, trọng tâm tại các điểm tổ chức lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành. Các nội dung triển khai, gồm: rà soát cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kiểm tra và xử lý vi phạm, xử phạt cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP; kiểm tra thực phẩm tài trợ, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn; chuẩn bị phương án xử lý ngộ độc thực phẩm; lập đội phản ứng nhanh, sẵn sàng điều tra, cấp cứu...