Chung tay bình ổn quan hệ lao động

Bất cập từ chính sách tiền lương
Chung tay bình ổn quan hệ lao động

Bài 1: Bất cập từ chính sách tiền lương

Trong tháng 6 và 7-2011, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ tranh chấp lao động. Điều đáng nói là mỗi lần Nhà nước tăng lương tối thiểu hay cho ra đời các chính sách tăng trợ cấp cho công nhân (CN) là y như rằng nguy cơ tranh chấp lao động lại tăng cao trong khi lẽ ra khi có chính sách hỗ trợ đời sống, tăng thu nhập, người lao động (NLĐ) phải vui mừng mới phải. Nguyên do nào dẫn đến điều đó?

  • Chính sách đúng nhưng chậm

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện trợ cấp khó khăn đối với NLĐ trong doanh nghiệp (DN) theo Quyết định số 471/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, NLĐ có tên trong danh sách của DN tại thời điểm ngày 30-3 có thu nhập từ 2,2 triệu đồng/tháng trở xuống, trừ các khoản tiền thưởng từ lợi nhuận sau thuế của DN, tiền ăn ca, tiền chế độ bồi dưỡng nghề độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt độc hại nguy hiểm, là đối tượng được hưởng trợ cấp.

Từ tháng 8-2011, các DN căn cứ vào nguồn quỹ tài chính hợp pháp và khả năng tài chính của DN để quyết định mức trợ cấp khó khăn cụ thể cho NLĐ, tối thiểu là 250.000 đồng/người.

Tin vui này vừa đến, chủ DN, cán bộ công đoàn đã lo. “Phải chi chính sách này ban hành và đi vào thực hiện sớm hơn, vừa khi đời sống của NLĐ bắt đầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát, tăng giá thì hay biết chừng nào. Chính sách của mình đúng, nhưng ra quá chậm. Bây giờ, hầu như các DN đều đã tăng tiền lương, tiền trợ cấp trung bình 200.000 - 500.000 đồng/CN. Đến tháng 8, nếu buộc DN tiếp tục tăng trợ cấp, dù khoản tiền này không dùng làm căn cứ để nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn thì cũng sẽ ít nhiều gây khó khăn cho DN” - ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP nói. Nếu không có sự giải thích cặn kẽ, NLĐ rất dễ có tâm lý ngừng việc tập thể đòi DN tiếp tục tăng tiền trợ cấp khi quy định mới của Nhà nước có hiệu lực.

Công nhân may quần kaki, jean xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: CAO THĂNG

Công nhân may quần kaki, jean xuất khẩu sang Hoa Kỳ tại Công ty cổ phần may Sài Gòn 3. Ảnh: CAO THĂNG

  • Tiền lương: Vẫn mãi là người đến sau
     

Trước tình hình đời sống càng lúc càng khó khăn, lương tối thiểu cho NLĐ trong khối DN đã được Bộ LĐTB-XH đề xuất tăng sớm hơn 1 quý so với mọi năm, áp dụng từ 1-10-2011 thay vì ngày 1-1-2012. Theo đề xuất của Bộ LĐTB-XH, các mức lương áp dụng cho 4 vùng sẽ có mức tăng từ 500.000 - 570.000 đồng so với mức lương tối thiểu hiện tại.

Cụ thể, mức lương tối thiểu tại vùng 1 dự kiến 1,9 triệu đồng/người/tháng, tăng 550.000 đồng/người/tháng. Tại vùng 2, mức lương tối thiểu dự kiến 1,73 triệu đồng/tháng, tăng 530.000 đồng/người/tháng. Ở vùng 3, mức lương tối thiểu sẽ tăng thêm 500.000 đồng/người/tháng, lên mức 1,55 triệu đồng/tháng. Vùng 4, lương tối thiểu có mức tăng 570.000 đồng, lên mức 1,4 triệu đồng/người/tháng. TPHCM, trừ huyện Cần Giờ, sẽ nằm trong quy hoạch vùng 1, mức tăng lương dự kiến là 1,9 triệu đồng/ người/ tháng.

“Quy định mức lương tối thiểu hiện nay quá thấp nên trong các KCX-KCN không có DN nào vi phạm. Thế nhưng nếu tới đây lương tối thiểu tăng theo mức đề xuất của Bộ LĐTB-XH thì NLĐ cũng không sống nổi. Chúng tôi mới khảo sát 250 DN trong các KCX-KCN có đến 200 DN đã tăng trợ cấp cho CN khi xảy ra lạm phát, trượt giá. Có DN từ đầu năm đến nay phải tăng đến 3 lần” - ông Nguyễn Tấn Định, Phó trưởng Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM chia sẻ.

“Theo khảo sát của tổ chức công đoàn TP, với tình hình giá cả như hiện nay, để một CN có đủ 2.300 calo/ngày, đúng theo yêu cầu về dinh dưỡng, họ phải tốn 10.000 đồng bữa sáng, 20.000 đồng bữa trưa và 20.000 đồng bữa chiều” - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Trương Lâm Danh cho biết.

Như vậy, mức tiền lương tối thiểu sắp tăng chỉ đủ CN chi ăn uống, số dư còn lại không đủ trả tiền nhà trọ. Tất cả các khoản chi phí khác đều trông chờ vào tiền phụ cấp, tăng ca. Đó là chưa kể họ còn phải nuôi con nhỏ và gửi tiền về quê phụ giúp gia đình.
 

Công nhân KCN Pouyuen đi chợ chiều. Ảnh: KIM NGÂN

Công nhân KCN Pouyuen đi chợ chiều. Ảnh: KIM NGÂN

Thực tế, rất nhiều DN đã trả lương cơ bản bằng hoặc cao hơn so với mức tiền lương tối thiểu do Bộ LĐTB-XH đề xuất. Tại Công ty Freetrend, KCX Linh Trung, mức lương cơ bản 2,3 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Sanofi - Aventis Việt Nam trả mức lương cơ bản 3 triệu đồng/người/tháng. Với những DN tiền lương thực trả đã cao hơn mức quy định, đến thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu mới, khi thấy DN không có động tĩnh gì, NLĐ nếu không được giải thích, rất dễ nảy sinh tâm lý so sánh giữa DN này và DN khác, dẫn đến tranh chấp lao động.

Lần này, mức tăng lương theo đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam là 2,2 triệu đồng/người/tháng, áp dụng đối với vùng 1. Tuy nhiên, dù kết quả cuối cùng, đề xuất của Bộ LĐTB-XH hay Tổng LĐLĐ Việt Nam được lựa chọn thì nỗi lo về tranh chấp lao động vẫn còn đó.

Trong tình hình hiện nay, nếu điều chỉnh lương tối thiểu lên thật cao, DN gặp khó khăn trong sản xuất, có thể phải sa thải lượng lớn lao động hoặc đóng cửa giải thể. Hiện ở huyện Hóc Môn, TPHCM, nhiều DN vừa và nhỏ không cầm cự được trước lạm phát đã đóng cửa, tuyên bố giải thể.
 
Cơ chế tiền lương hiện tại đang được đánh giá là bất hợp lý khi phân theo vùng nhưng lại không phân theo ngành nghề, loại hình doanh nghiệp và mặt hàng sản xuất. Trong khi một vùng có nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều ngành sản xuất. Mỗi ngành sản xuất, mỗi doanh nghiệp trong từng thời điểm sẽ có phí sản xuất, hao phí lao động, hiệu quả lao động khác nhau nhưng lại áp một loại lương.

Chừng nào còn chưa gỡ được bất cập này thì cho dù tiền lương có liên tục chạy theo tốc độ trượt giá cũng chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề.

Thang bảng lương “kiểng”

Theo quy định hiện hành, DN sẽ bị xử phạt nếu không xây dựng thang bảng lương. Thế nhưng, nếu DN xây dựng thang bảng lương rồi để làm “kiểng” mà không thực hiện lại không thể xử lý. Thực tế, nhiều DN không áp dụng thang bảng lương hoặc chia nhỏ mỗi bậc lương chỉ cách nhau mười mấy ngàn đồng.

Điều này dẫn đến tình trạng có người cặm cụi làm cả chục năm nhưng chỉ hơn người mới vào làm khoảng trên 100.000 đồng/tháng. Có trường hợp công ty không có thang bảng lương, đến khi Nhà nước tăng lương tối thiểu thì người mới vô làm cũng được hưởng lương bằng với người làm lâu năm. Đây là một nguyên nhân quan trọng khiến tranh chấp lao động không có điểm dừng.

MAI HƯƠNG


Bài 2: Cầu nối

Muốn người lao động (NLĐ) và chủ sử dụng lao động thấu hiểu lẫn nhau, cán bộ công đoàn phải là cầu nối. Cầu có vững thì quan hệ mới chắc, mới bền. Hiện tại, năng lực đại diện, kỹ năng thương lượng, hòa giải của cán bộ công đoàn được xem là yếu tố hết sức quan trọng quyết định tình trạng quan hệ lao động tại doanh nghiệp (DN).

Công nhân KCN Tân Tạo chọn mua cá sau giờ tan ca. Ảnh: KIM NGÂN

Công nhân KCN Tân Tạo chọn mua cá sau giờ tan ca. Ảnh: KIM NGÂN

  • Cách làm sáng tạo

Thông tin giá nhà trọ lại lên cao khiến anh Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Minh Diệu thấy lo. Cách đây ít tháng, giá lên, công đoàn đã đề xuất và được ban giám đốc công ty chấp nhận tăng phụ cấp cho mỗi công nhân (CN) 150.000 đồng/tháng. Chưa đầy 6 tháng mà giờ công đoàn lại đề xuất tăng tiền nữa thì đúng là khó quá. Suy nghĩ mãi, cuối cùng anh quyết định tổ chức một chương trình văn nghệ. Một mình Phúc viết kịch bản chương trình, nghĩ ra các tiết mục và mời diễn viên. Điểm nhấn của chương trình là vở kịch cây nhà lá vườn do chính CN công ty thủ diễn. Vở kịch do Phúc viết kịch bản xoáy vào nội dung đời sống CN, nhấn vào những khó khăn thường ngày mà CN phải đối mặt. Sau giờ làm việc, mấy anh em CN ở lại tập làm diễn viên, chờ ngày công diễn.

Ngày công diễn, diễn viên vừa diễn kịch vừa… khóc. Phúc nhớ lại: “Nói là diễn chứ thật ra đâu phải diễn. Chuyện kịch toàn là chuyện thật của mình nên anh em nhập vai ngọt lắm. Mà cũng ngộ, lúc tập, diễn viên đâu có khóc. Ai dè khi diễn nhập tâm, nghĩ tới cảnh sống xa quê của mình, tủi thân quá, ai cũng khóc”. Ngồi dưới hội trường, nhiều khán giả mắt đỏ hoe. Mấy dì chủ nhà trọ ngồi sụt sịt chấm nước mắt. Thành viên ban giám đốc thì nhìn CN của mình với ánh mắt nhiều chia sẻ.

Buổi diễn thành công ngoài mong đợi. Sau đó, nhiều chủ nhà trọ cam kết sẽ không tăng giá tiền phòng. Ban giám đốc thì quyết định tăng thêm cho mỗi CN 150.000 đồng tiền phụ cấp chi phí ở hàng tháng. Không chỉ có tiền nhà trọ, CN còn được tăng tiền xăng từ 50.000 đồng lên 100.000 đồng; tiền thâm niên từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng, tiền chuyên cần từ 150.000 đồng lên 200.000 đồng. Thu nhập bình quân của CN đã tăng lên mức từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, giá bữa ăn giữa ca tại công ty không bị ấn định một giá cố định mà thay đổi linh hoạt tùy theo thời giá. Hiện tại, giá bữa ăn cho CN là 15.000 đồng/người.

Nói về bí quyết của mình, anh Phúc chia sẻ: “Làm cán bộ công đoàn là phải nhanh nhạy, muốn thương lượng thành công thì cần biết chọn đúng thời cơ và tạo được niềm tin cho chủ DN và CN”.

  • Nói được làm được

Với các DN ở KCX Tân Thuận, giai đoạn từ đầu tháng 6 đến 20-6 thật sự là giai đoạn “nóng bỏng”. CN đình công nhiều, chủ DN nào cũng mang tâm trạng: Sáng mở mắt chạy xe vô công ty thấy CN công ty kế bên ngừng việc mà nóng ran trong bụng, không biết khi nào tới công ty mình.

Là một Chủ tịch Công đoàn có nhiều kinh nghiệm, anh Huỳnh Hữu Phước, Công ty TNHH Đạt Việt, KCX Tân Thuận, quyết định chủ động gặp gỡ những người được xác định là có nhiều khả năng trở thành thủ lĩnh tự phát của những vụ đình công để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của anh chị em CN. Nhưng tình hình vẫn chưa yên. Vài ngày tiếp sau, trong công ty xuất hiện tờ rơi kêu gọi CN đình công đòi tăng lương. Anh Phước cho gỡ các tờ kêu gọi xuống, mời ban giám đốc và toàn thể trưởng các bộ phận về họp, giải thích cặn kẽ tình hình và vận động CN bình tĩnh, an tâm làm việc. Sau cuộc họp, điện thoại di động của anh Phước đột nhiên nhận được những tin nhắn lạ, hăm dọa “xử lý” anh vì dám rời bỏ CN, về phe ông chủ.

Nhớ lại thời điểm đó, anh Phước cười: “Nhiều người hỏi tôi có sợ không, tôi trả lời không. Mình làm gì mình biết, anh chị em CN biết. Nếu mình vì lợi ích chung của cả tập thể thì cứ ngẩng cao đầu mà làm. Làm cán bộ công đoàn, muốn ông chủ nghe ý kiến mình và NLĐ tin thì mình phải chứng minh rằng mình nói được làm được”. Mà anh Phước nói được làm được thiệt. Mấy đợt lạm phát vừa rồi, từ kết quả thương lượng giữa BCH Công đoàn và BGĐ công ty, CN đã được tăng tiền hỗ trợ sinh hoạt từ 150.000 đồng lên 300.000 đồng rồi 450.000 đồng/người/tháng, tiền chuyên  cần tăng từ 80.000 đồng lên 130.000 đồng, tiền ăn giữa ca từ 10.000 đồng lên 13.000 đồng. Thu nhập bình quân của CN công ty hiện khoảng 3,8 - 4 triệu đồng/người/tháng.

  • Kiên quyết đại diện cho người lao động

Có một thực tế là những cán bộ công đoàn cơ sở có nhiệt huyết và kinh nghiệm như anh Phúc, anh Phước còn chưa nhiều. Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể bùng phát thời gian qua, ngoài lý do về đời sống, thu nhập, LĐLĐ TPHCM cũng nhận định còn có nguyên nhân từ sự hạn chế của tổ chức công đoàn và năng lực của cán bộ công đoàn. Căn bản là phải xây dựng được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định với hệ thống công đoàn có tiếng nói thực sự, cũng như khả năng đàm phán lương của NLĐ. Nếu như công đoàn và giới chủ có mối quan hệ tốt, hai bên có thể bàn bạc để quyết định tiền lương cụ thể, hợp lý trong từng thời điểm, phù hợp với điều kiện của mỗi doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi của cả hai bên.

“Ở một số nơi có thể cán bộ công đoàn cơ sở còn thiếu kinh nghiệm nhưng cả hệ thống công đoàn TP thì không phải là yếu. Nếu nơi nào cán bộ công đoàn chưa đủ sức để thương lượng với chủ DN thì LĐLĐ TP sẵn sàng hỗ trợ luật sư, cán bộ có kinh nghiệm. Quan trọng là cán bộ công đoàn cần thể hiện một thái độ kiên quyết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại diện cho tập thể lao động của mình. Có như vậy, NLĐ mới tin” - ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPCHM chia sẻ.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục