Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM

 Bài 1: Đào tạo nguồn cán bộ “chất lượng cao”
Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM

 Bài 1: Đào tạo nguồn cán bộ “chất lượng cao”

Sau 12 năm triển khai chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn và thực hiện các chương trình đào tạo 300 và 500 tiến sĩ, thạc sĩ, TPHCM đã và “đang” hái những “quả ngọt” đầu mùa: những cán bộ trẻ trong diện quy hoạch, đào tạo được bố trí về sở-ngành, quận-huyện bước đầu đã phát huy hiệu quả và sức trẻ của mình trong hệ thống chính trị…

  • Đào tạo theo nhu cầu ở cơ sở

Tính đến tháng 3-2009, gần 1/2 tổng số cán bộ chủ chốt phường-xã ở TPHCM như bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch UBND đang ở độ tuổi dưới 40, trong số này, 1/3 chủ tịch UBND phường-xã có độ tuổi dưới 30 tuổi và 1/4 bí thư phường - xã cùng ở độ tuổi này. Sự trẻ hóa cán bộ cơ sở là kết quả 9 năm kiên trì thực hiện công tác quy hoạch cán bộ dài hạn của Thành ủy TPHCM từ năm 1999 (không tính 3 năm thực hiện thí điểm).

Qua sàng lọc, luân chuyển và đào tạo, hiện nay, đội ngũ cán bộ diện quy hoạch dài hạn của TPHCM có 1.056 người, trong đó có 294 là sinh viên, 402 cán bộ trẻ công tác ở phường-xã, 342 người được đề bạt bổ nhiệm trưởng phó phòng quận-huyện và tương đương. Ngoài ra, hơn một nửa quận-huyện đã bầu bổ sung 3 - 4 cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi, đại học chính quy, cao cấp chính trị) vào BCH Đảng bộ quận-huyện.

Lâm Ngô Hoàng Anh (đứng), Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin quận 1 (học viên Chương trình 300) đang hướng dẫn nhân viên làm việc. Ảnh: HỒNG HIỆP

Lâm Ngô Hoàng Anh (đứng), Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin quận 1 (học viên Chương trình 300) đang hướng dẫn nhân viên làm việc. Ảnh: HỒNG HIỆP

Nhưng để trẻ hóa được cán bộ, vấn đề là làm sao để người già ủng hộ người trẻ, đó là một nghệ thuật của người đứng đầu và người làm công tác tổ chức. Kinh nghiệm của các quận 1, 3, 6, Phú Nhuận là khi bố trí một cán bộ trẻ phải làm công tác tư tưởng, thống nhất chủ trương trước hết từ trong thường trực, ban thường vụ và ban chấp hành quận ủy.

Để thuyết phục cán bộ lớn tuổi, cán bộ hưu trí, quận 3 đã tranh thủ cho cán bộ trẻ xuất hiện trong những buổi họp lớn có nhiều người tham dự. Họ được chuẩn bị từ cách nói năng đến thái độ… Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trần Thế Lưu cho rằng: muốn bố trí một cán bộ trẻ và tạo ra “ghế trống”, phải mất “rất nhiều công sức”, phải có một lộ trình chuẩn bị hết sức cụ thể và làm quyết liệt qua công tác nhân sự đối với cán bộ trẻ và nhất là cán bộ lớn tuổi, năng lực hạn chế.

Tuy nhiên, không phải “bố trí cho đủ số lượng, đủ cơ cấu trẻ” là xong, cái khó ở các quận-huyện là làm thế nào để nâng chất đội ngũ cán bộ trẻ, từ đó nuôi dưỡng những “hạt giống đỏ”. Ngoài đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, nhiều quận ủy có sáng kiến tổ chức các câu lạc bộ cán bộ trẻ để họ có môi trường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, quản lý, giải quyết những bức xúc ở cơ sở, đồng thời tổ chức các chuyến đi “Về nguồn” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 3 Nguyễn Thị Lệ nhận định: “Quận 3 tập hợp gần 40 cán bộ trẻ tham gia câu lạc bộ “Tiến bước”. Sinh hoạt trong câu lạc bộ, họ học hỏi lẫn nhau, tự tin trong công tác nên dám nghĩ dám làm. Nhiệm kỳ Đại hội tới, chúng tôi sẽ xem xét, đưa một số em có triển vọng tham gia vào cấp ủy mới”.

Qua thực tiễn công tác, đội ngũ cán trẻ trong diện quy hoạch dài hạn của TPHCM đã có 533 đồng chí kết nạp Đảng, 24 đồng chí là cấp ủy viên quận-huyện và 61 đồng chí được quy hoạch dự bị các chức danh diện Thành ủy quản lý.

  • Nơi nào cử đi, nơi đó tiếp nhận

Để chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong 10-15 năm tới, Thành ủy TPHCM xây dựng Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ (giai đoạn 2001-2005). Trong thời gian này, TPHCM đã chi hơn 115 tỷ đồng đào tạo được 256 học viên các nhóm ngành kinh tế, quản lý nhà nước, khoa học công nghệ, quản lý đô thị, văn hóa - xã hội và luật tại 74 trường ở 14 quốc gia khác nhau. Theo đánh giá chung, hầu hết các cán bộ, công chức sau khi tốt nghiệp, được bố trí công tác đều tỏ ra khá nhanh nhạy, có chuyên môn, xử lý công việc nhanh.

Tuy nhiên, cũng có người do thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa kịp thích nghi, gắn bó với đơn vị, với cơ chế hoạt động của hệ thống tổ chức của đơn vị nơi mình công tác, nên đã hoàn trả số tiền đào tạo để ra ngoài làm với mức thu nhập cao hơn.

Rút kinh nghiệm từ những bất cập của Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ, Thành ủy TPHCM tiếp tục triển khai Chương trình đào tạo 500 tiến sĩ - thạc sĩ (giai đoạn 2006-2010) với nhiều đổi mới hơn, tuân theo nguyên tắc “nơi nào cử đi, nơi đó tiếp nhận”.

Ông Dương Quan Hà, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TP khẳng định: Chương trình 500 đã khắc phục nhiều nhược điểm của Chương trình 300 như quy trình tuyển chọn (nhân tố trẻ, có tâm huyết, CBCC-VC dạng quy hoạch dài hạn của cơ sở; bám sát chỉ tiêu đào tạo của cơ sở để dễ bố trí sau này; công khai trong việc tuyển chọn ứng viên… Nhiều ngành nghề tuyển chọn đã được đa dạng hơn, tập trung vào những lĩnh vực mà TPHCM đang “khát” nhân lực, như: quản lý đô thị (dự án, cấp thoát nước, bất động sản…), kinh tế (quản lý thị trường tài chính- chứng khoán, thương mại quốc tế, kế toán – kiểm toán)…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Bí thư Quận ủy quận 6 nhìn nhận chương trình đã có sự phối hợp với cơ sở rất tốt, hiện những cán bộ mà quận đã cử đi (sẽ nhận về lại) đều là những cán bộ trẻ ưu tú, được chọn lọc kỹ và thuộc những lĩnh vực quận đang rất cần, có nhận thức chính trị vững vàng. Ông hy vọng sau thời gian các em học trở về, quận sẽ có được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo trẻ được đào tạo bài bản hơn…

Có thể nói, chương trình đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao hoàn toàn mới, phục vụ tiến trình hội nhập, phát triển của TPHCM. Chương trình mở ra hướng đi mới trong việc trọng dụng và bố trí nhân tài - cũng chính là tạo ra động lực mới cho sự phát triển.

“Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ không khác mấy so với cách nông dân chọn giống tốt, tạo thế, tỉa cành cho cây. Khi đã chọn được giống tốt mà không cắt lá tỉa cành, uốn nắn thì làm sao có dáng cây như ý được. Khi cây mọc không đúng, bị sâu ăn thì phải tỉa cành, bắt sâu chứ không thể chặt bỏ. Cán bộ trẻ cũng vậy, người lãnh đạo phải liên tục theo sát giúp đỡ uốn nắn, không thể buông lỏng cho họ “bơi” rồi sau đó bảo không đủ trình độ, năng lực, tư cách” - nhận định của Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải khi giám sát công tác xây dựng Đảng ở quận-huyện TPHCM

Bài 2: Tiếng nói người trong cuộc

Mỗi người một công việc khác nhau nhưng đều là người trong cuộc: những cán bộ trẻ diện quy hoạch dài hạn, học viên chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ, lãnh đạo đơn vị làm công tác tổ chức cán bộ. Ngoài những điểm ưu việt và mới mẻ do chương trình quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ của TP mang lại, họ cũng có nhiều tâm tư, tình cảm muốn đóng góp cùng chương trình.

  • DƯƠNG DIỄM CHÂU, chuyên viên Sở Nội vụ TPHCM: Nắm bắt nguyện vọng của học viên
    Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM ảnh 2

Tôi tham gia chương trình khi còn là sinh viên, nên khi học xong và được bố trí công việc mới, tôi hơi ngỡ ngàng. Vì sao? Tôi nghĩ, Ban quản lý chương trình cần quan tâm hơn đến tâm tư, nguyện vọng của học viên khi ra trường. Còn nhiều vấn đề mà một số anh chị của Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ- thạc sĩ như tôi rất quan tâm, như: trợ cấp thêm cho học viên bên cạnh mức lương cơ bản, phát triển Đảng, “rà” lại cách bố trí, sử dụng của đơn vị tiếp nhận học viên vì cách lấy phiếu đánh giá là chưa được khách quan (học viên đánh giá nhưng lãnh đạo trực tiếp quản lý học viên ký)…

  • ĐỖ MINH LONG, Chủ tịch UBND P.10, Q.3: Cần chuẩn đầu vào
Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM ảnh 3

Chương trình học 2 năm về quy hoạch đô thị đã giúp tôi rất nhiều trong công tác chuyên môn (chuyên viên tại Ban Quản lý Dự án Thủ Thiêm). Sau này khi về quận 3 làm ở phòng quản lý đô thị và hiện giờ là Chủ tịch UBND phường 10, những kiến thức học được ở nước ngoài đã giúp tôi có nhiều đề xuất về cung cách quản lý với quận như làm vỉa hè, cây xanh; ban hành chính sách, triển khai các chính sách đến người dân; bố trí công việc cho từng cán bộ để guồng máy hoạt động hiệu quả...

TP cũng như các sở ngành, quận huyện hiện đang thiếu những cán bộ, chuyên viên các lĩnh vực như quản lý đô thị và công trình, công nghệ sinh học, quản lý y tế, bất động sản, giao thông công chính… nên “đầu vào” cho chương trình đào tạo tiến sĩ- thạc sĩ cần chuẩn hơn vì thời gian học không nhiều mà khối lượng kiến thức thì đồ sộ.

  • LÊ MẠNH HÀ, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TPHCM: Quan điểm phải thoáng hơn
Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM ảnh 4

Nhìn chung 7 cán bộ trẻ tốt nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài về đang công tác tại sở đều có phẩm chất đạo đức tốt, nhưng chuyên môn thì chưa vượt hẳn so với những em học trong nước đang công tác tại sở. Về chương trình đào tạo 500 tiến sĩ - thạc sĩ, sở gửi 3 em tham dự. Những em này khi học về chắc chắn sẽ được nhận lại và bố trí công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo.

Làm việc ở sở, dù học viên là cán bộ diện quy hoạch, sinh viên mới ra trường hay những học viên từ chương trình đào tạo khác đều có cơ hội phát triển và tiến thân ngang nhau. Nếu có “nhỉnh” hơn là do những em từ chương trình đào tạo 300, 500 tiến sĩ- thạc sĩ có cơ hội bố trí thuận lợi hơn vì các em được đào tạo về quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có quan điểm thoáng hơn về sự lựa chọn nghề nghiệp, tiến thân của các em.

  • NGUYỄN TIẾN HƯỞNG, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dịch vụ xây dựng (Sở Xây dựng TPHCM): Định hướng lý tưởng cho thanh niên từ sớm
Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM ảnh 5

Tôi may mắn được chọn vào chương trình quy hoạch dài hạn của Thành ủy từ thời còn sinh viên cách đây 9 năm. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự chọn lựa của tôi về sau, bởi nhiều bạn sinh viên như tôi lúc đó, chưa có được nhiều định hướng cho công việc tương lai.

Những buổi tham gia sinh hoạt cùng các bạn trong diện quy hoạch với những cán bộ của TP, chúng tôi đã được trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến ngành học và hướng đi của mình. Điều quan trọng là tôi có một môi trường làm việc phù hợp với chuyên môn (học ngành xây dựng của Trường Đại học Bách khoa và được đào tạo thạc sĩ về quản lý đô thị) nên rất thoải mái dù phía trước có thể còn nhiều khó khăn.

  • LÂM QUỲNH THƠ, Phó phòng bổ trợ Tư pháp (Sở Tư pháp TPHCM): Đơn vị sử dụng học viên linh hoạt giữ người
Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM ảnh 6

Ngay từ đầu, Sở Tư pháp TP đã có “mối dây” rất mật thiết với những cán bộ của mình được Thành ủy cử đi học Chương trình 300 tiến sĩ - thạc sĩ (như giữ nguyên lương khi chúng tôi đi học...). Tháng 5-2006, tôi học xong quản lý công ước quốc tế và về sở làm việc tại phòng văn bản. Tháng 4-2007 tôi được bổ nhiệm làm Phó phòng bổ trợ Tư pháp.

Những kiến thức học được ở nước ngoài đã giúp tôi vận dụng rất nhiều vào chuyên môn và định hướng sau này. Đương nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay chưa thể đổi mới tức thì, tinh giản ngay được nhưng trong lĩnh vực chuyên môn của mình, tôi vẫn có điều kiện vận dụng nhiều kiến thức đã học.

  • PHẠM GIA HOÀNG, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Q.6: Cách làm và ý tưởng đã mới hơn
Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM ảnh 7

Quận 6 có 2 học viên từ chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ do Thành ủy đưa về, nâng tổng số cán bộ diện quy hoạch dài hạn của quận lên 65 đồng chí. Những đồng chí này làm việc nhiệt tình, có chuyên môn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm người đi trước.

Đây là nguồn cán bộ chủ chốt của quận về sau. Các cơ quan nhà nước ở TPHCM hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh rất quyết liệt từ các doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài về nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó môi trường làm việc, cũng như thu nhập trong khu vực cơ quan nhà nước chưa thu hút người tài.

Rút kinh nghiệm “Chương trình 300”, “Chương trình 500” đã hoàn thiện hơn từ khâu tuyển dụng đến bố trí công việc sau này. Đáng chú ý là Thành ủy đã để cho đơn vị chủ động đề xuất người phù hợp. Những đồng chí này còn trẻ, có tâm huyết, mong muốn phục vụ cho cơ quan nhà nước lâu dài. Nếu được bồi dưỡng chính trị ngay từ đầu, sẽ thuận lợi hơn khi bố trí công việc.

TRẦN KIÊN NHÂN (TPHCM) trả lời Đài BBC (Anh) về bài viết “Bỏ Nhà nước ra ngoài làm vì nhiều lý do”: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình

Xin các bạn “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình, mà phải hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Tổ quốc mình chỉ mới thống nhất hơn 30 năm, đổi mới hơn 20 năm, còn cần nhiều thời gian để định hướng phát triển. Sau bao nhiêu năm gian khổ phấn đấu giành chính quyền, Nhà nước ta hôm nay tuy chưa đủ các cán bộ có trình độ để phân phối quản lý cho từng bộ phận, nhưng họ đều là những người một lòng vì Tổ quốc. Từ lâu nay Nhà nước ta đã gửi rất nhiều con em mình ra nước ngoài du học theo chủ trương “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” để Tổ quốc ta vững vàng xây dựng một xã hội giàu đẹp, đến khi ấy các bất cập hôm nay sẽ được giải quyết thỏa đáng. Nếu ta ỷ vào chút khả năng của mình mà bỏ cơ quan để làm những việc bên ngoài, có khác gì ta ganh ghét, coi thường lãnh đạo, không đãi ngộ những người có công với Tổ quốc mình, tự thể hiện mình là ích kỷ, thiếu tinh thần hợp tác.

Bài 3: Một chủ trương mang tính đột phá

“Công tác quy hoạch cán bộ dài hạn của TPHCM (từ năm 1999) - một “đặc sản” của TPHCM và Chương trình đào tạo tiến sĩ - thạc sĩ (từ năm 2001) được coi là những bước đột phá trong công tác cán bộ ở TPHCM. Nhờ đó, TPHCM hiện đưa vào diện quy hoạch hơn 1.000 cán bộ trẻ, trong đó hơn 340 người được bổ nhiệm. Đây là lực lượng trẻ, được đào tạo bài bản (cả ở nước ngoài), được rèn luyện thực tiễn công tác và nhiều người dự kiến tham gia cấp ủy nhiệm kỳ tới” - đồng chí Nguyễn Thị Lan (ảnh), Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM đã cho biết như trên khi trả lời phỏng vấn Báo SGGP xung quanh công tác cán bộ trẻ ở TPHCM.

- PV: Đã có những cán bộ trẻ đưa về cơ sở, nhưng chỉ thời gian sau lại phải thay người khác. Vậy bài học kinh nghiệm ở đây là gì?

Chương trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở TPHCM ảnh 8

- Đồng chí NGUYỄN THỊ LAN: Những trường hợp này không phải phổ biến và có nhiều nguyên nhân. Song có thể rút ra bài học là do một số cán bộ trẻ mới ra trường, chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở làm việc nên nhiều em không hình dung hết mức độ phức tạp của công việc, từ đó sinh ra chán nản, hiệu quả công việc thấp. Những trường hợp thành công, hầu hết là do trước khi đưa về cơ sở, cấp ủy bố trí các em về phòng, ban chuyên môn ở quận ủy, UBND để “thử việc”, vì ở những nơi này, các em có điều kiện tiếp cận những chủ trương, chính sách bao quát, học hỏi kinh nghiệm lớp đàn anh. Ngoài ra, cán bộ trẻ được trang bị về kiến thức quản lý nhà nước, các kỹ năng nghiệp vụ cơ bản khác ở trường lớp. Đây là quy trình tương đối hiệu quả. Tất nhiên không thể cứng nhắc phải qua các bước như thế, vì mỗi nơi, mỗi loại công việc lại có yêu cầu riêng khác nhau.

- Xu hướng hiện nay là tạo sự cạnh tranh trong công tác tuyển chọn, bố trí nhân sự. Theo đồng chí, điều này có cần thiết không, hay chỉ cần bổ nhiệm, đề bạt là đủ?

- Tạo sự cạnh tranh trong tuyển chọn là cách làm tiến bộ, giúp cho cán bộ bộc lộ khả năng, trình độ, sự nhiệt tình, thái độ trách nhiệm với công việc sắp được giao. Tuy nhiên, tùy từng lĩnh vực, chức danh cán bộ mà áp dụng phù hợp. Trước đây, chúng tôi đề xuất đổi mới quy trình đào tạo cán bộ trẻ, trong đó có đề cập đến thi tuyển cạnh tranh nhưng đến nay chưa có văn bản nào hướng dẫn việc này.

- Theo đồng chí, bài học rút ra từ Chương trình đào tạo 300 tiến sĩ - thạc sĩ là gì?

- Thành công nhất của chương trình là cung cấp cho TP một đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (đã bố trí 195 người) nhưng quan trọng hơn là TP đã đưa được một chủ trương mang tính đột phá đi vào cuộc sống. Chúng tôi rút ra 4 bài học kinh nghiệm. Một là phải gắn với nhu cầu thực tế, không nên đào tạo kiểu “áng chừng”. Nghĩa là đào tạo dựa trên yêu cầu từ của cơ sở, sau khi đào tạo xong, cán bộ trẻ sẽ được nơi cử đi học, tiếp nhận và bố trí công việc phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Hai là không phải do một cơ quan chuyên môn làm mà phải là cả một bộ máy cùng làm việc. Trong đó cấp ủy, lãnh đạo các cấp, ngành phải cùng tham gia từ khâu tuyển chọn, cử người đi học đến việc bố trí, bổ nhiệm.

Trong quy chế kỳ này, các cơ sở sẽ giữ vai trò chủ yếu trong việc quyết định cử cán bộ đi học, Tiểu ban Quy hoạch Thành ủy chỉ đóng vai trò thẩm định. Đối tượng tuyển chọn kỳ này chủ yếu là cán bộ công chức đang công tác tại các sở - ngành, quận - huyện, phường - xã và sinh viên. Ba là, chương trình lần này nhắm tới là đào tạo thêm những kỹ năng về lĩnh vực chuyên môn và công tác quản lý nhà nước cho đội ngũ CBCC, đồng thời đào tạo đội ngũ sinh viên khá giỏi làm nguồn bổ sung cán bộ trẻ cho cơ sở sau khi đào tạo về. Bốn là, cần liên tục cải tiến, học tập và bổ sung thêm những yêu cầu cần thiết từ công việc, thực tiễn công tác cho công tác này.

- Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ trẻ, nhất là ở độ tuổi trên dưới 30 được đào tạo lý luận chính trị cao cấp (hệ tập trung) còn thấp?

- Một trong những khó khăn hiện nay là Trung ương chỉ phân bổ chỉ tiêu đào tạo mỗi năm cho TP khoảng 150 em, trong khi nhu cầu đào tạo chính trị cho cán bộ trẻ lại gấp nhiều lần như thế. Bên cạnh đó, còn không ít cấp ủy chưa quan tâm cử cán bộ trẻ học chính trị hệ tập trung vì ngại không có người làm thay. Khắc phục tình trạng này, hàng năm, chúng tôi cùng các cấp ủy đơn vị rà soát, đánh giá từng trường hợp để đưa đi bồi dưỡng, đào tạo chính trị, từ đó có hướng bố trí các em vào các chức danh kế cận nhân sự nhiệm kỳ tới. Hiện nay, TPHCM có 171 em đã học xong cử nhân, cao cấp chính trị.

- Từ thực tế của “Chương trình 300”, Chương trình đào tạo 500 tiến sĩ – thạc sĩ sẽ hướng tới những vấn đề cụ thể gì, thưa đồng chí?

- Đến nay, chương trình đã chọn được 417 người, hầu hết là của cơ sở gửi cán bộ của mình đi đào tạo và một ít sinh viên. Chúng tôi tuyển chọn sinh viên qua 2 kênh là cấp ủy, Đoàn TNCS một số trường đại học và qua cơ quan báo chí truyền thông. Mặc dù thông tin về chương trình khá rộng rãi trên các báo đài hoặc về từng trường đại học để tiếp cận với sinh viên, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế. Còn về việc bố trí, sử dụng các em sau khi đưa đi đào tạo thì đã có chủ trương và kế hoạch cụ thể. Chúng tôi sẽ thông báo cho các em được chọn ngành nào về khu vực sở ngành, ngành nào về quận huyện để từ đó định hướng cho các em trong quá trình học tập.

Ngay khi các em đang học chúng tôi cũng cung cấp thông tin thường xuyên cho các em. Nếu các học viên được cơ sở đào tạo nước bạn xếp loại xuất sắc thì chương trình tiếp tục cử các em học tiến sĩ nhưng như thế sẽ có sự ràng buộc nhiều hơn với TPHCM. Ngoài ra, những em có điều kiện gia đình muốn được tiếp tục học thì vẫn để các em tiếp tục học nhưng phải là lĩnh vực mà TP đang cần và bản thân các em sau khi học xong phải về phục vụ cho TP trong thời gian nhất định.

-  Tại sao TP chỉ tiếp nhận sinh viên có hộ khẩu TPHCM, trong khi rất nhiều sinh viên giỏi (ở ngoài tỉnh) cũng muốn làm việc trong các cơ quan Nhà nước ở TPHCM?

- Vấn đề này, chúng tôi đã bàn nhiều lần và thấy còn nhiều ý kiến khác nhau. Trước mắt, chúng tôi chọn các em có hộ khẩu TP, sau đó sẽ tính đến sinh viên các tỉnh theo học đại học ở TPHCM. Tuy nhiên, vừa qua, đã có sinh viên khá giỏi, là cán bộ Đoàn (trường, khoa), có hộ khẩu ngoài tỉnh được đánh giá cao thì chúng tôi vẫn đề xuất đưa các em vào chương trình đào tạo hoặc chương trình quy hoạch dài hạn…

- Xin cảm ơn bà!

TUẤN SƠN – HỒNG HIỆP

Tin cùng chuyên mục