Chuyện về mưa, lũ

Rồi đến một lúc nào đó, người ta sẽ nhận ra chuyện của Trời cũng là chuyện của Người. Nắng mưa không còn là chuyện của Trời, là chuyện thường ngày, chuyện sống chết của người. Những ngày nắng nóng khô hạn, ai cũng mong đợi những cơn mưa. 
Minh họa: K.T
Minh họa: K.T

Mưa để duy trì, phát triển sự sống. Mưa tạo ra cảm hứng cho thơ, ca, nghệ thuật. Mưa cũng gây ra nhiều thảm họa khủng khiếp. Là một thách thức lớn đối với đời sống con người. 

Một ngày xế chiều, tôi đi vào cơn mưa trên một con đường ở vùng thấp. Khi mưa ào ào đổ xuống, tôi dự tính sẽ vượt qua con đường dài hơn một cây số trước khi ngập lụt. Nhưng khi dông gió thổi rát mặt, trời đất tối sầm, tôi phải nhanh chóng tạt vào vỉa hè trú dưới mái hiên ngôi nhà cao tầng. Tôi biết, chạy xe trên con đường dốc xuống, dốc lên trong cơn mưa dông là cực kỳ nguy hiểm. Gió không quật ngã thì nước lũ cũng cuốn trôi người, không thể liều mạng chạy trong vòng 15 phút với tốc độ 50km/giờ để thoát khỏi con đường ngập nước khi không thể biết được tốc độ mưa trút và gió dông. Tôi đã từng trải qua nhiều cơn dông bão, lũ lụt, biết rất rõ uy lực của nước, của gió và sự bất thường không thể lường trước được.

Thuở ấu thơ, tôi chứng kiến một cơn bão tàn phá xóm làng. Người ta thông báo có bão, mọi nhà lo phòng chống. Mưa trước bão sau. Nhà tôi mái tranh thấp tè, vách đất, cửa bằng tre đan. Gió bão thổi từ bốn phía. Mái giật liên hồi, có lúc tưởng bị hất tung lên. Mẹ tôi la hét bốn chị em tôi: “Giữ chặt cửa không cho gió thổi vào. Giữ chặt cột cói không để đổ nghiêng”. Mẹ tôi giữ cửa. Dựng giường che chặn ở cửa. Mang cả bàn ghế chống đỡ. Tôi giữ cột cái. Mẹ tôi bảo, bão sẽ thổi bay nóc, bay nhà nếu để gió lọt vào nhà và cột cái bị đổ. Tôi hiểu tai họa từ trong mà ra từ đấy. Ở tuổi lên 10, tôi ôm trọn cây cột cái, đu đưa theo cột, quyết chí không buông tay. Cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận, trong lúc mù mịt hỗn độn có một nguồn sức mạnh từ dưới lên, từ trên xuống bao bọc hỗ trợ. Ai đó đã ôm cột cùng tôi, nhắc nhở tôi. Bình tĩnh, bình tâm, bão sẽ qua đi, nhanh chóng qua đi. Bão tan. Nhiều nhà ở trong xóm bị sập đổ, bị tốc mái. Nhà tôi chỉ bị bão thổi bay mấy tấm tranh lợp góc hồi. Gần như nguyên vẹn. Mẹ tôi bảo, phúc đức tổ tiên lớn! Tôi tin phúc đức nhà mình nhưng cũng rất tin kỹ năng chống bão của mẹ, phải giữ chặt cửa và cột. Không để gió làm loạn từ trong nhà. 

Đến tuổi 18, tôi theo người quen lên mạn ngược làm ăn. Chúng tôi làm đường vành đai cho một lâm trường bên sông Lô. Hồi đó còn nhiều rừng rậm, dòng sông Lô chảy êm đềm. Tuy vậy vào đầu tháng 9 âm lịch, mưa liên miên, mưa dữ dội suốt mấy ngày trời. Sông Lô tràn bờ, nước chảy xiết. Cậy thế trai trẻ, biết bơi, tôi hăm hở vượt sông, vì cho rằng mưa đã tạnh, dòng chảy sẽ không dữ dội nữa. Tôi bọc quần áo vào tấm ni lông, buộc chặt lại thành cái phao nhỏ quảy tay đạp nước vượt sông. Tới gần giữa dòng, đột nhiên tôi thấy dòng chảy mạnh hơn, sóng nước cao hơn liên tục nhấn chìm tôi. Trong tích tắc, tôi nhận ra mình đang gặp cơn nguy cấp. Lũ thượng nguồn đột ngột đổ xuống. Tôi không thể bơi ngang qua dòng lũ được…

Theo kinh nghiệm dân gian, tôi thả mình trôi theo và lách theo dòng chảy hướng về phía bờ bên kia. Tôi cố gắng giữ nhịp thở đều, tỉnh táo định hướng. Chỉ cần giữ thăng bằng theo tư thế tiến lên phía trước. Tôi nhớ lời dạy của ông thầy dạy toán. Ông bảo, qua hai điểm A, B, đường thẳng là con đường ngắn nhất. Toán học là vậy, nhưng ở ngoài đời đường thẳng chưa chắc là con đường ngắn nhất. Tôi nương theo dòng chảy, tránh những vùng nước xoáy, lúc rẽ trái, khi rẽ phải theo hướng càng lúc càng gần bờ hơn. Chẳng ai dại gì đối đầu với những thứ mà chưa biết rõ sức mạnh của nó. Sau gần một giờ, nương theo dòng lũ, tôi đã sang tới bờ bên kia, cách xa nơi tôi phải đến khoảng 3 km. 

Chuyến vượt sông lũ đầu tiên trong đời đã dạy tôi nhiều bài học. 

Hồi chiến tranh, cuối mùa mưa năm 1971, trên đường đi xuống vùng sâu ở vùng ven Sài Gòn, đoàn công tác chúng tôi phải đối mặt với dòng lũ. Mưa sầm sập. Mưa liên miên suốt một ngày. Đoàn chúng tôi phải vượt qua con suối đã biến thành sông cuồn cuộn nước lũ. Chỉ rộng chừng 30 mét thôi nhưng không một ai, kể cả người bơi lội giỏi nhất cũng không dám dấn thân vào dòng nước vượt qua. Sức mạnh của lũ thật khủng khiếp. Tôi thấy một cây dẻ gai to kềnh càng, cành lá xõa xượi lao vùn vụt, cành lá mới nổi lên đã biến mất trong bọt sáng trắng xóa. Mọi người cùng nhau bàn cách vượt suối. Ai đó nói gặp cảnh khó, hãy tĩnh lặng.

Chỉ có tĩnh tâm, tĩnh trí mới nghe thấy, nhìn thấy, cảm thấy lối đi ít nguy hiểm nhất. Người đội trưởng nhận ra những âm thanh cuồng nộ nhất của dòng lũ ở phía trên, nói: “Chúng ta vượt suối ở trên cao”. Chúng tôi ngược dòng lũ vài trăm mét đến một ghềnh đá. Ở đây dòng lũ bị đá và những cây cổ thụ vững chắc ngăn hẹp dòng chảy tạo thành một dòng thác lũ rộng chừng 20 mét. Cây rừng hai bên suối đều thuộc loại thân to cành lá giao nhau. Chúng tôi chỉ cần leo lên cây bên này, lần theo cành qua suối. Tôi bò trên cành cây trơn trượt. Người đội trưởng nhắc nhở: “Bình tĩnh, đừng nhìn xuống, sẽ qua nhanh thôi”. Phía dưới tôi, thác nước gầm thét như bom nổ, bọt nước mịt mù, hơi lạnh thổi lên thấu xương. 

Chúng tôi qua bờ bên kia an toàn. Rồi tôi hiểu ra, con người có đủ năng lực vượt qua những thách thức của thiên nhiên. Ai đó nói rằng luật trời là luật của sự sống, luật bảo vệ con người. Con người tài giỏi đến mấy cũng không thể chống lại tự nhiên. Tình trạng biến đổi khí hậu, lũ lụt gia tăng là những cảnh báo ở mức cao đến với sự tồn tại của con người. 

Dưới mái hiên trú mưa, người đến trú mưa mỗi lúc một đông. Không ai dám mạo hiểm đi trên con đường đã biến thành dòng sông chảy xiết. Mái hiên nhà cao tầng không đủ che mưa chắn gió cho vài chục người chen lấn xếp lớp bên nhau. Mưa gió vẫn ào ạt, mù mịt, trời tối dần. Có một cái gì đó đã phát sáng nơi đám đông trú mưa. Những người khỏe mạnh tự động nhường chỗ trú mưa tốt cho người già, trẻ nhỏ và phụ nữ. Có gần chục thanh niên nam, nữ phơi mình trong mưa gió ở vòng ngoài cùng. Tôi chia sẻ với mọi người, đứng ở vòng thứ hai. Có bà già bán vé số run rẩy vì lạnh. Ai đó đã đưa cho bà lọ dầu gió. Một phụ nữ đã có tuổi chen lấn ra ngoài để canh chừng chiếc xe tay ga của bà. Chàng trai ở vòng ngoài chặn lại, nói to: Dì cứ yên tâm ở trong ấy. Xe để tụi con trông cho… 

Tôi thấy ấm lòng. 

Lại nhớ tới lời ba tôi dạy: “Thuyền đến đầu cầu tự nhiên thẳng. Biết chịu đựng là biết sống. Biết nhường nhịn giúp đỡ người khác là có đức. Biết chịu thiệt thòi là có phúc…”. 

Mưa tạnh. Tôi kiên nhẫn chờ nước rút… 

Tin cùng chuyên mục