Đượm tình lẩu mắm

Bạn tôi lái xe gần 2.000km từ Hà Nội đến TP Cần Thơ rồi nhất quyết phải tìm cho bằng được một quán lẩu mắm chỉ vì câu nói: “Về xứ Tây Đô chưa ăn lẩu mắm là chưa biết mùi vị, cái tình của đất và người nơi đây.”
Món lẩu mắm mang nét đặc trưng miệt vườn sông nước
Món lẩu mắm mang nét đặc trưng miệt vườn sông nước

Buổi tối cuối tuần ở TP Cần Thơ luôn đông đúc, tấp nập. Ấy vậy nhưng quán lẩu mắm nằm gần khu vực phố đi bộ và bến Ninh Kiều dường như tách biệt khỏi sự xô bồ ấy.

Khoảng 19 giờ thấy vẫn còn vắng, hỏi ra mới biết quán vừa khai trương ít ngày, cũng vừa mở cửa và chúng tôi là những vị khách đầu tiên trong ngày. Nhìn bộ bàn ghế tre giản dị được xếp ngăn nắp, chủ quán với giọng miền Tây ngọt xớt ra mời chào, giới thiệu từng đặc sản của quán. Và chẳng cần phải suy nghĩ nhiều, bạn tôi chọn ngay một nồi lẩu mắm. Chủ quán cũng không quên dặn dò: “Các anh cứ yên tâm, nhiều du khách miền Bắc vô quán cứ sợ không ăn được lẩu mắm, nhưng ở quán em, đảm bảo ăn là ghiền”.

Mà đúng là ghiền thật, vì ngay sau đó khi các loại rau ăn kèm được mang lên, mới nhìn màu sắc thôi đã thấy bắt mắt. Ngoài rau muống, rau nhút, bắp chuối, bạc hà, cà tím… đã quá quen thuộc, còn có những đặc sản đậm chất miền Tây “còn thương rau đắng mọc sau hè” mà bạn tôi ban đầu ngỡ là rau sam, dù chỉ thấy màu hơi khác.

Rồi các loại bông ăn kèm mới đẹp mắt làm sao: bông điên điển với màu vàng đặc trưng; bông so đũa trắng ngần; nhưng đặc biệt nhất chính là sắc hồng tim tím của bông súng. Bạn tôi cứ cười, nhớ ngày bé vẫn lội ao, hồ ngắt bông súng chơi, ai dè đây là thứ có thể ăn được. Thêm vô câu chuyện, chủ quán nói nay còn thiếu bông bí vàng, bông lục bình khiến tất cả đều mắt tròn mắt dẹt, không biết ăn lẩu mắm hay lẩu hoa. Dĩ nhiên, nguyên liệu chính để nấu nước dùng là mắm cá, ăn kèm không thể thiếu thịt ba rọi, tôm, cá ba sa, lươn…

Bạn tôi nhất quyết phải gọi thêm dĩa cá linh vì nghe nói hoài đến 2 loại đặc sản mùa nước nổi là cá linh - bông điên điển nên phải ăn cho biết.

Lẩu mắm miền Tây mang hương vị đặc trưng. Đó là mùi thơm nồng của mắm cá. Nó có cái vị mặn mòi của muối thấm đượm khi ướp mắm nhưng cái mặn được gia giảm, trung hòa với vị ngọt của nước hầm xương, nước dừa tươi mà vẫn không át đi cái chất riêng của mắm. Đây cũng là công đoạn cầu kỳ nhất, bởi nồi lẩu có ngon hay không thì việc nêm nếm nồi nước dùng gần như quan trọng bậc nhất. Ăn đến đâu, thêm thịt, cá, rau, các loại bông đến đó, nước dùng quyện lại ngọt lịm từ đầu lưỡi xuống tận cuống họng. Một dĩa bún dùng với nước lẩu cũng thấy ấm lòng.

Nếu ăn lẩu mắm trúng mùa nước nổi có cá linh non với một chút vị đắng bùi của túi mật, vị nhẫn nhẫn của bông điên điển nơi đầu lưỡi càng đặc biệt lưu luyến hơn. Không quá lời khi nói, lẩu mắm chính là sự giao hòa hương vị của đất trời, là món quà của thiên nhiên ban tặng xứ miệt vườn sông nước.

Bảo sao, người miền Tây xa xứ nhớ nhất vẫn là vị mắm quê nhà. Còn khách thập phương, dẫu có người ăn được mắm cá hay không thì món lẩu mắm cứ nhất định phải thử. “Lần sau khi ghé Cần Thơ tôi nhất định sẽ lại ăn lẩu mắm” - bạn tôi vẫn tấm tắc khi ra về vì đã trót mê đến nỗi lòng không muốn về.

Tin cùng chuyên mục