Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm - 95% không di dời đúng tiến độ

Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân TPHCM đã làm việc với Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn về vấn đề di dời các cơ sở sản xuất giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Theo kế hoạch, đến thời hạn cuối năm 2013, 24 cơ sở giết mổ gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư phải được di dời vào khu tập trung, thế nhưng, đến nay, ngoại trừ 1 cơ sở tại quận 12 bị buộc đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, 23 cơ sở còn lại vẫn chưa di dời.

Lý giải tình trạng này, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, nguyên nhân là do tiến độ đầu tư xây dựng 7 nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố chưa hoàn thành đúng tiến độ. Việc vướng mắc thủ tục thẩm định giá thuê đất, thủ tục xây dựng và vốn đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ thời gian các dự án. Nhanh nhất thì phải đến cuối năm 2015, các dự án đầu tư mới có thể đi vào vận hành giai đoạn 1. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết thêm, hiện thói quen tiêu dùng thịt nóng, thịt tươi của người dân ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất hoạt động của các nhà máy khi đi vào hoạt động. Thực tế cho thấy, các cơ sở giết mổ thường tập trung rất gần những địa điểm tiêu thụ, chợ đầu mối... Bởi họ phải tính được quỹ thời gian ngắn nhất từ địa điểm giết mổ đến nơi phân phối, tiêu thụ sản phẩm để đáp ứng thói quen tiêu dùng của người dân. Do vậy, nhiều chủ đầu tư cũng quan ngại khi cho rằng thói quen tiêu dùng này sẽ dẫn đến hệ quả là nhà máy sản xuất sau khi đi vào vận hành vẫn không thu hút được các cơ sở giết mổ tập trung vào. Không chỉ vậy, tại các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai và Bình Dương, việc chấn chỉnh cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải đảm bảo an toàn môi trường, vệ sinh thực phẩm không được thực hiện đồng bộ với TPHCM nên chi phí giết mổ thường thấp hơn. Cộng với việc chấn chỉnh mạnh công tác giết mổ trên địa bàn thành phố thời gian qua đã khiến nhiều cơ sở di dời về các tỉnh lân cận trên để giết mổ gia súc, gia cầm rồi vận chuyển ngược về thành phố tiêu thụ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy giết mổ đang đầu tư mà còn gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại thành phố.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng Ban Kinh tế Ngân sách Hội đồng Nhân dân TPHCM khẳng định, số lượng các doanh nghiệp chưa di dời trên đủ để khẳng định khó đạt được mục tiêu đề ra của Nghị quyết 38 của Hội đồng Nhân dân TPHCM trong việc cải thiện môi trường sống của người dân trong năm 2014. Điều này cũng cho thấy công tác di dời các cơ sở ô nhiễm rất chậm. Do vậy, trước hết, để đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân, vẫn tạo điều kiện để các cơ sở giết mổ hoạt động nhưng kiểm soát thật chặt quá trình xử lý chất thải phát sinh, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng chất lượng môi trường sống đối với người dân. Còn về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cần đưa ra những giải pháp cụ thể để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy giết mổ, tạo điều kiện để di dời những điểm giết mổ đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, các cơ quan chức năng liên quan tính thêm về hiệu quả của các dự án đầu tư cũng như khả năng thu hút các cơ sở giết mổ tập trung vào. Việc đưa vào hoạt động các dự án giúp làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng của người dân. Vấn đề còn lại là ngoài công tác đầu tư xây dựng những nhà máy có quy mô công nghiệp, đảm bảo yêu cầu phát triển hiện tại thì cũng cần nâng cao công tác tuyên truyền an toàn vệ sinh thực phẩm đến cộng đồng.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục