Con đường ngập lún quanh năm

Đã nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống hai bên đường An Dương Vương thuộc ranh giới giữa phường An Lạc quận Bình Tân và phường 16 quận 8 TPHCM, phải sống trong tình cảnh đường “biến” thành “sông” và bùn đất lầy lội. Từ ngày đại lộ Đông Tây thông xe, sự cày xới của hàng trăm lượt xe tải lưu thông qua lại càng làm cho tuyến đường xuống cấp trầm trọng hơn.

Đã nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống hai bên đường An Dương Vương thuộc ranh giới giữa phường An Lạc quận Bình Tân và phường 16 quận 8 TPHCM, phải sống trong tình cảnh đường “biến” thành “sông” và bùn đất lầy lội. Từ ngày đại lộ Đông Tây thông xe, sự cày xới của hàng trăm lượt xe tải lưu thông qua lại càng làm cho tuyến đường xuống cấp trầm trọng hơn.

Không kể những ngày mưa, những ngày trời nắng chang chang thì tuyến đường này vẫn thường xuyên ngập nước, đầy những hố nước sâu và rộng...

Để tránh nước, hầu hết các phương tiện gồm cả ô tô tải đã chọn cách luồn lách qua những cột điện, hàng cây và leo lên lề đường. Hậu quả là không chỉ lòng đường mà lề đường cũng theo đó xuống cấp trầm trọng. Đã vậy, đường không có hệ thống thoát nước nên việc sụt lún, hư hỏng càng nhanh, làm cho một số tuyến hẻm tiếp nối với tuyến đường này như hẻm 233 (phường An Lạc quận Bình Tân) và 210 (phường 16 quận 8)… cũng bị ngập sâu từ 20 - 30cm bất kể trời nắng hay mưa. Không chịu nổi tình trạng này, một số người dân đã bỏ ra cả chục triệu đồng để rải đá san lấp các hố sâu trên đường, nhưng chỉ được một thời gian mọi chuyện đâu lại vào đấy.

Một nguyên nhân khác, đó là dù trên đường có biển báo cấm xe tải trọng trên 8 tấn nhưng ngày lẫn đêm hàng trăm xe quá tải vẫn “cày xới” con đường này. Chỉ quan sát trong vòng 10 phút trưa ngày 14-12, nhưng chúng tôi ghi nhận có tới vài chục chiếc xe tải liên tiếp nối đuôi nhau “lội” qua những vũng nước sâu và lầy lội trên đường. Người dân trong khu vực đã nhiều lần làm đơn phản ánh đến chính quyền chức năng nhưng tình hình vẫn không được cải thiện.

Chị Trần Thị Hường, chủ tiệm cơm ở ngay đầu đường gần đại lộ Đông Tây than vãn: “Đường xuống cấp đã mấy năm nay nhưng chỉ được cải tạo nâng cấp được một đoạn rồi để đó, trong khi hàng ngày có đến hàng trăm lượt xe tải cày xới khiến cho tuyến đường thành những “ao” nước lầy lội. Hàng quán buôn bán bị ế ẩm, nhiều người phải đóng cửa. Tội nhất là nhiều em nhỏ trên đường đi học bị té, phải quay về thay quần áo bị trễ học”.

Ông Lê Quyết Thắng, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 (đơn vị quản lý đường An Dương Vương) cho rằng: Tuyến này bị ngập nước thường xuyên là do không có hệ thống thoát nước, mỗi khi mưa xuống nước đọng lại kết hợp với lưu lượng xe cộ lưu thông quá đông khiến cho mặt đường xuống cấp nhanh hơn. Được biết, hiện nay dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường trên do Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị thành phố làm chủ đầu tư.

Còn theo Nguyễn Hoàng Nhân, Giám đốc Ban quản lý dự án nâng cấp đô thị TPHCM (chủ đầu tư dự án), tuyến đường trên nằm trong các dự án nâng cấp đô thị đã được UBND TP phê duyệt. Tuy nhiên, do nguồn vốn thực hiện dự án đang trong giai đoạn vận động đầu tư từ nguồn vốn ODA; quá trình đàm phán, thương thảo ký kết phải qua nhiều giai đoạn nên dự án chưa thể triển khai thực hiện được. Như vậy, việc người dân ở đây phải “sống chung” với nước ngập không biết còn đến bao giờ?

ĐÌNH LÝ

Tin cùng chuyên mục