Còn "khoảng trống" không nhỏ trong phát hiện, xử lý tham nhũng ​

Xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được đánh giá là “nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng” là nhận định được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu tại báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017, vừa được gửi đến ĐBQH.

Theo cơ quan thẩm tra, báo cáo của Chính phủ “chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác này so với năm 2016”.

Bản báo cáo cũng chưa chỉ ra được cơ quan, đơn vị, địa phương nào làm tốt và nhất là cơ quan, đơn vị, địa phương nào chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế đã tồn tại qua nhiều năm của công tác này.

Sự “cập kênh” về số vụ án tham nhũng nêu trong báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng so với báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017 cũng được cơ quan thẩm tra chỉ rõ.

Đặc biệt, khả năng tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu: toàn quốc chỉ phát hiện được 15 vụ với 21 đối tượng qua tự thanh tra, kiểm tra.

Cơ quan thanh tra đã ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ với 214 đối tượng. Cơ quan kiểm toán xử lý nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Cá biệt, có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Còn "khoảng trống" không nhỏ trong phát hiện, xử lý tham nhũng ​ ảnh 1 Biệt phủ của gia đình nguyên Giám đốc Sở TN-MT Yên Bái gây xôn xao dư luận, sau đó đã được công bố kết quả thanh tra nhưng dư luận vẫn không hài lòng 
Bên cạnh đó còn có trường hợp qua thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng chậm chuyển sang cơ quan điều tra. Một số vụ việc nổi cộm, gây dư luận xã hội bức xúc, vẫn chậm được xử lý, chỉ khi báo chí phản ánh, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tiến hành giám sát hoặc có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì các cơ quan này mới tích cực vào cuộc.

Đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra là trong những năm gần đây, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng, kinh tế lớn do cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra. Còn nhìn chung thì ở cấp tỉnh, ở một số bộ, ngành, việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn ít.

Trong khi đó, theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở những khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở một số bộ, ngành có thẩm quyền phân bổ các nguồn lực đầu tư, tài chính, xét duyệt dự án, công trình, quản lý cấp phép về khai thác khoáng sản, xuất nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu…hoặc ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, không loại trừ ở cả các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ ngân sách nhà nước.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước khi xây dựng chương trình công tác hàng năm cần chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại các khu vực này, tránh bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Tin cùng chuyên mục