Ở đâu “ngành công nghiệp” ti vi, máy vi tính Việt Nam? - Bài 2: Sơn phết máy tính… rồi gắn tên

“Xẻ thịt” máy tính thương hiệu Việt
Ở đâu “ngành công nghiệp” ti vi, máy vi tính Việt Nam? - Bài 2: Sơn phết máy tính… rồi gắn tên

Từ Quyết định số 223/2006/QĐ-TTg sửa đổi một số điều của Quyết định số 169/QĐ-TTg ngày 17-7-2006 của Thủ tướng về việc cho phép các dự án sử dụng ngân sách nhà nước mua máy tính lắp ráp trong nước, không phân biệt thương hiệu trong hay ngoài nước, xu hướng lắp ráp máy tính tại Việt Nam đã bùng phát: hơn 1,2 triệu máy tính được tiêu thụ ngay sau đó, trong đó 70% máy vi tính lắp ráp trong nước… Khi đó nhiều người khẳng định đây sẽ là cú hích cho “ngành công nghiệp” sản xuất máy tính Việt Nam nhưng hôm nay nhìn lại mới thấy nói vậy mà… không phải vậy.

Ngay phụ kiện làm mát cho máy tính xách tay cũng nhập từ Trung Quốc về bán ở Việt Nam. Ảnh: T.BA

Ngay phụ kiện làm mát cho máy tính xách tay cũng nhập từ Trung Quốc về bán ở Việt Nam. Ảnh: T.BA

“Xẻ thịt” máy tính thương hiệu Việt

Những chiếc máy tính mang thương hiệu Việt đã xuất hiện trên thị trường nội địa khoảng 10 năm qua. Ban đầu chỉ xuất hiện đơn lẻ, nay đã tăng lên gần 20 nhãn hiệu lớn nhỏ khác nhau như Robo, FPT Elead, CMS, SingPC, Nova, Trần Anh, Khai Trí, Bách Khoa Computer…

Hiện nay, máy tính trọn bộ lắp ráp trong nước (chủ yếu là nhóm máy tính để bàn - desktop) có lợi thế về giá cả so với các sản phẩm máy tính thương hiệu nước ngoài. Ước tính, có những kiểu cùng cấu hình rẻ 10% - 20% so với hàng ngoại nhập. Như cùng chạy CPU Dual Core E5200 2,5GHz, nhưng máy bộ của Bách Khoa Computer có giá 5 triệu đồng, còn Compaq có giá 6 triệu đồng, Acer Aspire X1700 giá gần 6 triệu đồng.

Thông tin máy tính thương hiệu Việt làm nhiều người vui mừng cho “ngành công nghiệp” này. Như Khai Trí với thương hiệu máy tính Wiscom trong 2 năm gần đây, mỗi năm xuất xưởng khoảng 20.000 máy. Bách Khoa Computer với thương hiệu BK cũng mỗi ngày bán khoảng 15 máy… Tuy nhiên, so sánh về chất lượng, số lượng bán ra… với những thương hiệu máy tính toàn cầu như Dell, HP, Acer, Lenovo… thấy rõ máy tính thương hiệu Việt cũng chỉ là “châu chấu đá xe”.

“Mổ bụng” những chiếc máy tính thương hiệu Việt, cụ thể nhất là máy tính thương hiệu FPT Elead thì thấy những chi tiết quan trọng như vi xử lý của Intel, chipset Intel, Ram (Kingston….), ổ cứng (Kingston), màn hình (thường là Samsung), ổ cứng (Hitachi...), bộ nguồn (CoolerMaster, AcBel) … đều là sản phẩm của các doanh nghiệp nước ngoài như ASUS, Gigabyte, MSI, Intel, Abit…

Chi tiết quan trọng hơn trong máy tính thương hiệu Việt thường là bộ nguồn, lại thường “no name”, công suất “ảo”… lý giải vì sao máy tính Việt mau hư. Không chỉ vậy, những phụ kiện phụ như vỏ, thùng máy, chuột, bàn phím… thì chắc chắn không nhà sản xuất nào không chọn các nhà cung cấp đến từ Trung Quốc bởi giá rẻ nhất, đa dạng về mẫu mã.

Có theo “vết xe đổ” của ti vi?

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, chuyện mác nội, ruột ngoại của máy vi tính đã trở thành chuyện khổ lắm nói mãi. Thực ra, nói cho đến tận cùng thì nhiều. Các thương hiệu lớn nước ngoài cũng vậy, khi những chi tiết quan trọng như vi xử lý, ram, ổ cứng, ổ đĩa quang… đều phải mua từ một số tập đoàn…

Nhiều nhà sản xuất trong nước đã hướng đến dòng sản phẩm laptop, thậm chí còn xoay cả chiêu hợp tác với nhau cho ra thương hiệu chung, nhưng gần như đều thất bại. Hiện nay hầu như chỉ còn mình CMS vẫn đeo đuổi “cái nghiệp laptop” thương hiệu Việt, nhưng thực chất cũng đơn thuần là nhập linh kiện, thiết bị lắp ráp. Netbook của CMS hiện đang dần tạo được chỗ đứng trên thị trường, nhưng cũng khó cạnh tranh nổi khi HP, Dell, Sony, Asus... đã và đang tung ra hàng loạt netbook nhỏ, gọn, đẹp, cấu hình cao...

Nhưng nhìn lại, trong lĩnh vực này, Việt Nam không sản xuất được thứ gì ngoài việc gắn tên vào máy tính để có máy tính thương hiệu Việt trong khi hoàn toàn có thể làm các chi tiết như vỏ máy, bộ nguồn, chuột, bàn phím… nhưng không ai làm.

 Một doanh nghiệp cho rằng sản xuất các chi tiết như vỏ máy, bộ nguồn, chuột, bàn phím thì được nhưng sẽ có giá thành cao do sản lượng quá ít; tức một khuôn vỏ máy, sản xuất trong nước chỉ vài chục ngàn chiếc, trong khi Trung Quốc sản xuất hàng chục triệu chiếc nên doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt thường chọn giải pháp “nhập khẩu cho nhanh”, vừa rẻ lại đa dạng.

Chính vì thế, Việt Nam cũng chẳng thể nào sinh ra ngành công nghiệp phụ trợ. Thực tế đáng buồn hơn, Thái Lan có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp lắp ráp hàng điện – điện tử, nhưng họ có tới 1.800 doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp kia.

Trong khi đó, nước ta cũng có khoảng 50 - 60 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng chỉ có khoảng 100 doanh nghiệp cung cấp linh kiện, sản phẩm phụ trợ song lại chủ yếu là nhập khẩu hoặc “copy” của người khác về làm…

Là một nhà sản xuất máy vi tính thương hiệu Việt, ông Ngô Văn Vị, Giám đốc Công ty cổ phần Điện tử Tân Bình, cho rằng, Việt Nam không thiếu các công ty sản xuất máy vi tính với máy tính thương hiệu Việt nhưng thực tế cũng chỉ làm cái việc mua linh kiện từ A đến Z rồi… lắp ráp. Điều này cũng hết sức nguy hiểm vì chúng ta thấy cái gì thì làm cái đó chứ không có một định hướng tạo ra thương hiệu cụ thể, ít nhất là có chỗ đứng trên thị trường nội địa chứ chưa nói tới chuyện vươn xa, vươn cao như Samsung, LG (Hàn Quốc), Compaq, Lenovo (Trung Quốc)…

Đã đến lúc chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, các doanh nghiệp máy tính thương hiệu Việt với “mác Việt” chẳng qua là nhà phân phối linh kiện của các “đại gia” nước ngoài. Muốn thoát tình cảnh “công nghệ tuốc-nơ-vít”, không còn cách nào khác là phải chọn hướng đi riêng, chọn phân khúc có hàm lượng chất xám cao và nhất là phải đầu tư có chọn lọc, có trọng điểm để không rơi vào “vết xe” đổ của “ngành công nghiệp” sản xuất ti vi.

Bá Tân - Kiên Giang

  • Thông tin liên quan:

- Bài 1: Số “0” tròn trĩnh

Tin cùng chuyên mục