Cuộc sống vẫn trôi sau ly hôn

Thời nay, người ta có một câu nói vui, khi yêu nhau thì thề “sống chết có nhau”, còn khi chia tay thì thề “sống chết với nhau”. Tan rã một mối quan hệ, nhất là quan hệ từng sâu đậm như vợ chồng không bao giờ là chuyện đơn giản. Hệ lụy sau đó luôn để lại những nỗi đau cho tất cả người trong cuộc.

Còn hơn là kẻ thù

Trong giới báo chí, không ai không biết câu chuyện của một đôi vợ chồng nhà thơ, nhà báo khá nổi tiếng. Cả 2 đều trong cảnh “rổ rá cạp lại”, nên khi họ yêu, đến với nhau, ai cũng chúc phúc. Chàng không tiếc viết những ngôn từ có cánh ghép thành thơ đầy lãng mạn tặng nàng. Còn nàng, vốn là một nhà báo đầy mạnh mẽ, quyết đoán, bỗng chốc trở nên thùy mị, dịu dàng.

Hạnh phúc đến với họ rất đẹp và ai cũng nghĩ với kinh nghiệm “một lần đò”, cả 2 hẳn biết giữ gìn hạnh phúc quý giá. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, quan hệ của cả 2 ngày càng trở nên căng thẳng, bế tắc. Thay vì những ngôn tình, chàng chuyển tải những trúc trắc gia đình lên các bài thơ đăng báo, từ trách móc, giận hờn đến thù hằn. Nàng thì không thể viết báo kể chuyện nhà, thay vào đó viết lên mạng xã hội những ngôn từ cũng không hay ho gì về người chồng. Đỉnh điểm của “cuộc chiến” là một màn bạo lực đến mức hàng xóm phải gọi cả công an đến can thiệp. Dĩ nhiên, sau đó đường ai nấy đi.

Cuộc sống vẫn trôi sau ly hôn ảnh 1 Ly hôn - không phải là dấu chấm hết
Chuyện chia tay của N.K, nhân viên truyền thông một công ty sách, lại dữ dội hơn rất nhiều. Ra tòa ly hôn, bà mẹ trẻ được quyền nuôi 2 con. Người chồng không chấp nhận, bắt đầu bày ra đủ chuyện. Anh thuê thám tử theo dõi, chụp ảnh số xe những người đến nhà vợ cũ mình để đưa ra làm bằng chứng rằng đó là dấu hiệu của sự “lăng nhăng”, không xứng đáng nuôi con; liên tục nhá máy gọi điện bất chấp giờ giấc để tạo áp lực tinh thần.

Cùng làm lĩnh vực truyền thông, đi đâu anh cũng vẽ ra hình ảnh vợ cũ mình là một kẻ chả ra gì, tồi tệ và không xứng đáng. Đến nỗi có người khó chịu: “N.K ốm yếu thế kia, cãi nhau với cậu là đủ chết rồi, bồ bịch sao nổi”. Và đáng buồn hơn là bỗng dưng số điện thoại của chị bất ngờ xuất hiện ở các trang mạng dành cho người lớn với các lời mời chào sống sượng. Kết quả là chị chật vật với vô số cuộc gọi tán tỉnh, gạ gẫm… đến mức phải báo công an nhờ can thiệp. 

Những ngày qua, dư luận xôn xao với câu chuyện ra tòa ly hôn của đôi vợ chồng đại gia ngành cà phê Việt Nam. Một nữ thẩm phán chuyên xử các phiên tòa ly hôn tâm sự rằng, nếu chỉ nhìn chuyện cãi nhau của 2 vợ chồng thì chẳng có gì lạ cả. Nhiều cặp vợ chồng ra tòa còn chửi nhau kinh khủng hơn rất nhiều, thậm chí còn lôi cả chuyện riêng tư tế nhị ra để đả kích nhau, bất chấp rất nhiều người, trong đó có cả bạn bè, người thân có mặt ở đó.

Chuyện của đôi vợ chồng đại gia kia được chú ý chủ yếu ở việc tranh chấp tài sản lên đến con số hàng ngàn tỷ đồng là chính. Tuy nhiên, cũng vì thế mà dư luận xã hội chia làm 2 phe, theo anh chồng hoặc ủng hộ chị vợ và phe nào cũng có lý của họ. Chỉ có điều, không mấy ai quan tâm những đứa con của họ nghĩ gì khi thấy hình ảnh bố mẹ trút lên đầu nhau những ngôn từ không mấy vui vẻ được tường thuật, phát hình trên truyền thông, được công chúng bàn luận sôi nổi.

Đặt lại nỗi đau, tìm hạnh phúc mới

Có lẽ trong tình cảm hạnh phúc gia đình, vật chất lại không phải thứ quyết định nhiều nhất. Nghèo là lý do chia tay. Giàu, rất giàu cũng là lý do chia tay. Không giàu không nghèo cũng có khi là lý do để đường ai nấy đi. Vì thế, tại các trung tâm tư vấn hạnh phúc hôn nhân, lời khuyên chung của các chuyên gia không bao giờ là vấn đề vật chất mà luôn là sự tự giải thoát cho chính tâm trí của người trong cuộc để từ đó vượt qua những nỗi đau cảm xúc, tìm kiếm một hạnh phúc mới.

Câu chuyện của một đại gia khác có lẽ là minh chứng cụ thể nhất. Dù danh tiếng, tiền bạc, con cái, gia đình… có đủ, nhưng vợ ông, những tưởng đã có đầy đủ mọi thứ, lại ngoại tình với người tài xế của gia đình. Vợ yêu cầu ly hôn. Chấp nhận nỗi đau, nhường lại cho người vợ cả cơ ngơi thương hiệu làm ăn mà chính tay mình gây dựng, ông bắt đầu lại từ đầu. Bằng tài năng và nỗ lực không mệt mỏi, ông xây dựng lại cơ nghiệp và chỉ sau vài năm, công ty phát triển với tầm vóc hơn xưa.

Nói về phân chia tiền bạc khi ly hôn, ít người biết đến cuộc chia tay của một đôi vợ chồng là lãnh đạo một tập đoàn công nghệ lớn. Tài sản cũng tính bằng hàng ngàn tỷ đồng nhưng cuộc chia tay diễn ra rất thầm lặng, nhẹ nhàng. Bởi với họ, đường ai nấy đi đã là nỗi đau lớn, còn tiền bạc chỉ là hệ lụy của sự đổ vỡ.

Rất nhiều cặp vợ chồng sau chia tay thì từ người thương thành kẻ thù, không chỉ gây những nỗi đau cho nhau mà còn làm ảnh hưởng đến người thân, nhất là con cái thiếu tình thương trọn vẹn. Họ mượn những đứa con để trút hận, biến những đứa trẻ vốn vui tươi, lạc quan trở nên trầm lặng, già trước tuổi hoặc có khi còn trở nên nổi loạn, bất cần đời.

Có một nhà tâm lý đã nói, vợ chồng sống với nhau bao năm chữ tình, chữ nghĩa, không thể nói quên là quên sạch, phủi là phủi trơn. Ly hôn không phải là kết thúc, nó cũng chỉ là một điểm trong cuộc đời, và sau đó, cuộc sống vẫn cứ tiếp tục trôi. Vợ chồng chia tay nhau, tốt nhất, có thể gọi nhau bằng 2 tiếng: Người thân! Những người thân đã cùng nhau chia sẻ một đoạn đời, sinh ra những đứa trẻ. Đừng để tâm hồn mình, tâm hồn con trẻ hằn thêm những vết thương vì sự thù oán.

Tin cùng chuyên mục