Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhà văn trẻ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhà văn trẻ

Ngày 25-8-2016 là kỷ niệm lần thứ 105 ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ IX cũng sắp diễn ra ở Hà Nội vào tháng 9. Cách đây tròn 18 năm, cũng vào một dịp như thế này, chúng tôi vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp chuyện và gửi gắm nhiều hy vọng vào thế hệ trẻ, nhất là các nhà văn trẻ.

1. Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ V tháng 9-1998 vừa kết thúc, qua giới thiệu của nhà văn lão thành Hữu Mai, tôi cùng nhà thơ trẻ Hữu Việt đến nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 đường Hoàng Diệu. Đúng giờ hẹn, ông xuất hiện trong bộ quân phục màu xanh với quân hàm đại tướng chỉnh tề, bước ra phòng khách bắt tay từng người với nụ cười thân thiện quen thuộc trên gương mặt phúc hậu.

Bấy giờ, tôi vừa bước qua tuổi 30, còn bạn thơ Hữu Việt hơn tôi vài tuổi. Theo đuổi nghề cầm bút, chúng tôi đã có chút đóng góp nhất định cho làng văn làng báo, được chọn làm đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ. Thế nhưng, khi đứng trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nghĩ về thời tuổi trẻ của ông, chúng tôi thấy mình nhỏ bé làm sao.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà tiếp chuyện hai nhà văn trẻ Hữu Việt và Phan Hoàng tháng 9-1998

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho hay trước đó một tuần ông cũng tiếp chuyện một nhà báo trẻ từ nước Mỹ. Đó là John John Kennedy, chủ bút tờ George Magazine và là con trai của cố Tổng thống Mỹ John Fitzgerald Kennedy. John trở lại thăm Việt Nam lần thứ hai, lên hang Pác Bó ở lại trong hang một đêm, đi thuyền xuôi sông Bằng Giang đến gần thị xã Cao Bằng… Về Hà Nội, John tìm gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đặt ra nhiều câu hỏi thú vị mà giới trẻ nước Mỹ đang quan tâm, chẳng hạn: “Vì sao ở Điện Biên Phủ lúc quân Pháp mạnh nhất thì lại bị đánh bại? Vì sao sau này lúc quân Mỹ đông nhất, mạnh nhất thì lại bị thua?”. Đại tướng nói: “Tôi trả lời vắn tắt những suy nghĩ khá cơ bản của John và nói: Lịch sử quan hệ giữa hai nước chúng ta không chỉ có chiến tranh. Vị tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ Thomas Jefferson, là người Mỹ đầu tiên tiếp xúc với người Việt Nam, khi còn là công sứ Mỹ ở Pháp, ông mong tìm được những giống lúa của xứ “Cochinchine” để nhập vào nước Mỹ. Rồi năm 1832, đã có những cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa phái đoàn ngoại giao Mỹ, do Tổng thống Andrew Jackson cử đi, với triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp bảo rằng các nhà văn trẻ cần nhớ: Sức mạnh trí tuệ tuổi trẻ cũng chính là sức mạnh của nền văn hóa truyền thống đã giúp người Việt Nam làm được những kỳ tích lịch sử, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta gấp nhiều lần, và: “Trên cơ sở đó, người Việt Nam đã biết kết hợp tinh thần quyết chiến giữ nước với tài thao lược sáng tạo, xây dựng nên một học thuyết quân sự độc đáo, học thuyết quân sự Việt Nam. Và cũng chính nhờ biết cách giữ vững và phát huy sức mạnh nền văn hóa truyền thống mà trải qua một ngàn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, dân tộc Việt Nam đã không bị đồng hóa; ngược lại, còn tích trữ được lực lượng, chớp lấy thời cơ, vùng lên giành độc lập hoàn toàn cho nước nhà”.

2. Có một thực tế là càng về sau giới trẻ càng ít am hiểu lịch sử và văn hóa dân tộc. Đó cũng là lý do mà nhiều cây bút trẻ chỉ quẩn quanh trong cái tôi cá nhân hiện tại của mình, thiếu tư duy về số phận con người và số phận dân tộc, để rồi trang viết sớm bị tắc tị, không thể vươn xa trên con đường văn chương. Hơn nữa, các nhà văn trẻ sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn thống nhất, không sống một ngày trong chiến tranh. Trong khi đó, thành tựu văn học viết về hai cuộc kháng chiến vừa qua vẫn chưa xứng đáng với tầm vóc lịch sử. Ngoài các tập hồi ký, hình tượng các tướng lĩnh ở “đầu sóng ngọn gió” vẫn chưa xuất hiện những nhân vật điển hình trong văn học. Chia sẻ điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trăn trở: “Vấn đề cực kỳ quan trọng là làm sao cho người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, có sự hiểu biết sâu rộng nền văn hóa dân tộc mình, sống theo triết lý sống của dân tộc. Nền văn hóa Việt Nam có thể coi là sự tổng hòa của nền văn hóa truyền thống, luôn luôn giữ vững và phát triển bản sắc, cốt cách dân tộc với sự tiếp thụ tinh hoa của các nền văn hóa lớn phương Đông và phương Tây, để hình thành một nền văn hóa có sức sống mãnh liệt, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển của đất nước. Nhà thơ Xô viết Osiv Maldenstam, từ năm 1923, khi gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy ở Người sự báo hiệu một nền văn hóa tương lai... Nghị quyết Trung ương 5 mới đây đã nói rõ tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát động phong trào yêu nước, coi trọng sống có lý tưởng, có đạo đức. Đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ... Các nhà văn trẻ cần góp phần cống hiến xứng đáng vào sự nghiệp văn hóa Việt Nam”.

Trước khi cuộc trò chuyện với chúng tôi kết thúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn có lời khuyên sâu sắc, đáng để thế hệ trẻ, nhất là các nhà văn trẻ suy ngẫm: “Nước ta trước đây vốn là một nước không có tên trên bản đồ thế giới, đã trở thành một nước đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc. Khát vọng cứu nước thời trẻ của chúng tôi luôn cháy rừng rực như bó đuốc. Khát vọng của tuổi trẻ ngày nay phải là gì? Việt Nam có thể trở thành một nước giàu như các nước tiên tiến trên thế giới hay không? Khó, nhưng tôi chắc không có thanh niên nào trả lời không được. Tôi nghĩ thanh niên ngày nay cần phải thấy được nỗi nhục của một nước bị xếp vào hàng các nước chậm phát triển nghèo nhất thế giới. Từ đó mà có một mong muốn, mong muốn tột bậc là làm sao để đất nước thoát khỏi tụt hậu, phát triển thành một nước giàu mạnh”.

PHAN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục