Danh thắng biến dạng - Bài 3: Lúng túng giữa bảo tồn và phát triển

Việc phát triển du lịch quá nhanh cũng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết về cơ sở hạ tầng, về đời sống, văn hóa… Đây không phải là vấn đề mới đối với du lịch nhưng câu chuyện này chưa bao giờ hết nóng. 
Du lịch phát triển đã tạo nhiều áp lực lên di sản Ảnh: NGỌC PHÚC
Du lịch phát triển đã tạo nhiều áp lực lên di sản Ảnh: NGỌC PHÚC
Với lượng du khách tăng cao, du lịch không chỉ đóng góp đáng kể đối với nền kinh tế mà còn là giải pháp xóa đói giảm nghèo hiệu quả đối với nhiều tỉnh thành, nhất là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, miền núi. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch quá nhanh cũng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết về cơ sở hạ tầng, về đời sống, văn hóa… Đây không phải là vấn đề mới đối với du lịch nhưng câu chuyện này chưa bao giờ hết nóng. Cho đến thời điểm này, bài toán đi tìm sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và gìn giữ văn hóa, môi trường bản địa vẫn đang chờ lời giải.
Áp lực thương mại lên di sản 
Khách gia tăng mang lại niềm vui doanh thu, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nhưng cũng tạo nhiều áp lực lên di sản, nhất là làm biến dạng các giá trị văn hóa phi vật thể. Giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã trở thành câu chuyện xuyên suốt của Hội An những năm qua. Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nỗi lo hiện nay của Hội An không chỉ là các di tích nhà cổ xuống cấp mà còn là sự thay đổi các giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện có khoảng 200/1.069  nhà cổ đã được dân nơi khác đến thuê kinh doanh. Ngôi nhà xưa với nhiều chức năng như thờ cúng, sinh hoạt, thư giãn…, giờ được dẹp bỏ tất cả chỉ dành bán hàng. “Những ngôi nhà này đã trở nên “rỗng ruột”, còn cái vỏ vật chất, mất cái hồn bên trong”, ông Nguyễn Chí Trung lo lắng. Ông Tống Quốc Hưng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Hội An, lo ngại: Phố cổ mất đi cái “hồn”, sẽ không còn là di sản. Ngày xưa phố cổ bình yên, 5 giờ sáng đã nghe tiếng sột soạt quét sân, tiếng chào nhau í ới, tiếng rao hàng. Bây giờ du lịch phát triển, hàng, shop đóng cửa muộn nên cũng dậy muộn. Mối quan hệ láng giềng cũng nhạt nhòa, gượng gạo hơn. 
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Hội An, bộc bạch, dù sao những biểu hiện tiêu cực trên một số lĩnh vực hoặc ở một số trường hợp thời gian qua chỉ là thiểu số, khi hầu hết người tập trung về Hội An đều có tri thức, văn hóa, thật sự yêu phố cổ. Thành phố sẽ thực hiện mọi biện pháp để người đến thuê hoặc mua nhà phố cổ hiểu là phải giữ nếp sống cho con người Hội An, giữ hồn cho Hội An, để chung tay phát triển hài hòa và bền vững.
Bỏ tư duy “ăn xổi”
Theo tài liệu của dự án Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (gọi tắt là Dự án EU) từng công bố, có 37% khách du lịch “có động cơ văn hóa”: dịch chuyển để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu văn hóa. Khách tham gia hoạt động này thường tham quan các di tích lịch sử, đền đài; tìm hiểu nghệ thuật; tiếp xúc với người dân tộc thiểu số hoặc đắm mình trong cuộc sống của dân bản địa để hiểu hơn bản sắc địa phương. Khách du lịch di sản văn hóa thường đi thăm nhiều nơi hơn 2 lần, ở lại lâu hơn 2,5 lần và chi tiêu nhiều hơn.
Kỳ vọng nhiều vào tiềm năng của khách du lịch “có động cơ văn hóa”, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn - người có thâm niên làm công tác quản lý du lịch tại Lào Cai, cho rằng khi xác định du lịch di sản là mũi nhọn ở địa phương thì không thể “ăn xổi ở thì” mà phải định hướng rõ ràng về mô hình du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. Đây là việc làm không đơn giản khi tình trạng những người trông giữ di sản không am tường về du lịch, còn những người làm du lịch thì tìm mọi cách để thu hút khách mà không cần quan tâm đến việc có làm tổn hại đến di sản hay không. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch bền vững trong nước tại thời điểm này mới chỉ là lý thuyết. Cái lợi từ du lịch đã khiến nhiều địa phương quên mất rằng, đánh mất những nét đẹp tự nhiên vốn có, đánh mất bản sắc văn hóa chính là tự hại mình. Có những địa phương phê duyệt đại dự án để có hạ tầng mới đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách, bất chấp quy hoạch, bất chấp phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, điển hình là các dự án tại Sơn Trà, Fansipan hay Phong Nha - Kẻ Bàng... Có rất nhiều di sản trước đây của cộng đồng địa phương, nhưng dưới áp lực của du lịch, người dân thay đổi hành vi, tập quán, hình ảnh để phù hợp với thị hiếu của khách. Bao người choáng váng khi thấy cồng chiêng được cải tiến để diễn xướng các bản nhạc phương Tây hiện đại. Hay các lễ hội mùa xuân khiến các nhà quản lý phải đau đầu bởi nạn cướp “lộc” cầu may… cũng chính một phần do tác động của tâm lý làm du lịch của địa phương.
Cuộc tranh cãi giữa một bên là chủ đầu tư muốn tận dụng tối đa lợi thế để phát triển du lịch, một bên là chuyên gia và người dân muốn bảo vệ môi trường văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, dường như kéo dài bất tận. “Ranh giới giữa bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch đang rất mập mờ. Vấn đề còn lại thuộc về chính quyền địa phương, nếu không có tầm nhìn đủ dài, nếu vẫn giữ tư duy “ăn xổi” thì dần dà chúng ta sẽ tự đánh mất đi những lợi thế của mình” - PGS.TS Phạm Trung Lương nhận định.
Điều rất mừng là hiện một số địa phương đã dần nhận ra hậu quả của tư duy làm du lịch “ăn xổi” này. Nhận ra bài học từ những địa phương đi trước trong phát triển du lịch, tỉnh Hà Giang đang tỏ ra khá thận trọng. Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Giang, cho biết mỗi ngày đều có những doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu để đầu tư vào du lịch tỉnh nhà, trong đó có những nhà đầu tư đề xuất dự án khách sạn 4 sao, 5 sao. Tuy nhiên, quan điểm của tỉnh là phát triển phải không làm ảnh hưởng đến cảnh sắc thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương. Do đó, tỉnh sẽ thẩm định kỹ để chọn được những nhà đầu tư đủ mạnh, đủ sức để cùng địa phương giải quyết bài toán khó khăn giữa bảo tồn và phát triển.
Dân bản địa hưởng lợi từ du lịch 
Cái khó nhất của các địa phương đang muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay là hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú đã gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường văn hóa bản địa. Để tránh tình trạng những lợi thế về du lịch địa phương bị khai thác triệt để, đời sống văn hóa bản địa bị mai một, trong khi người dân không được hưởng lợi ích kinh tế bao nhiêu - vì lợi nhuận chủ yếu rơi vào túi của một số nhà đầu tư nhỏ lẻ, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lào Cai, cho rằng cần xây dựng một quy hoạch về du lịch. Theo đó, người dân địa phương phải được coi là một trong những mắt xích quan trọng, là đối tượng được hưởng lợi chính từ các hoạt động du lịch, đồng thời là người bảo vệ, giữ gìn trường tồn những di sản văn hóa.
Dựa trên Luật Du lịch mới ban hành, Sở VH-TT-DL Lào Cai sẽ tham mưu việc thành lập Quy chế Du lịch của tỉnh Lào Cai. Trong đó hướng đến các chính sách hỗ trợ người dân tham gia chuỗi hoạt động du lịch. Ví dụ, hỗ trợ người dân canh tác trên các khu triền ruộng bậc thang danh thắng quốc gia… để họ chung tay bảo vệ. Tỉnh đang từng bước quy hoạch lại các điểm đến, có chính sách quản lý các điểm đến. Cũng đồng quan điểm này, bà Triệu Thị Tình cho biết, tỉnh Hà Giang đang tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích chung, lợi ích lâu dài trong bảo tồn các giá trị cảnh quan, giá trị văn hóa bản địa để cùng chung tay giữ gìn. Gần đây, Hà Giang đã hỗ trợ kinh phí, đồng thời hướng dẫn người dân tôn tạo một số nhà cổ theo hướng phục hồi nguyên trạng, khuyến khích người dân mặc trang phục dân tộc của mình và có ứng xử văn hóa, thân thiện với khách du lịch. Việc bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc đã được đưa vào chương trình học của các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đang tìm nhiều giải pháp ngăn ngừa những công trình mới xâm hại cảnh quan phố cổ.  
Dưới chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), đời sống của đồng bào dân tộc K’Ho nhiều năm qua có những đổi thay đáng kể nhờ tham gia vào các hoạt động du lịch. 11 câu lạc bộ cồng chiêng mang lại việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch thông qua việc phát triển văn hóa dân tộc bản địa. Trong khi đó, nhiều hộ dân đầu tư, chỉnh trang những khu vườn đang canh tác để đón khách tìm hiểu quy trình sản xuất nông sản. Gia đình ông Lê Hữu Phan (phường 9, TP Đà Lạt) là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình “Làng du lịch nông nghiệp Xuân Hương” do UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng thí điểm.
Tại khu vườn hơn 3.000m2 của gia đình, ông Phan trồng nhiều loại rau, củ, quả theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài việc tham quan, chụp hình khu vườn miễn phí, du khách có thể mua rau, củ, quả giá sỉ. Lâm Đồng đang xúc tiến thí điểm 2 mô hình du lịch cộng đồng tại Đà Lạt ở khu phố Xuân Hương (phường 9) và mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao tại Trại Mát (phường 11), vừa giúp dân có thêm nguồn thu từ việc bán nông sản, vừa giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm thú vị ở Đà Lạt.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch nói chung và đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng nói riêng, cần thiết phải xem xét các nhóm giải pháp như: nâng cao nhận thức xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch; nâng cao nhận thức về lợi ích của du lịch và trách nhiệm của cộng đồng khi tham gia hoặc tự tổ chức hoạt động du lịch...

Tin cùng chuyên mục