
Hạ tầng đi trước
Các nhà đầu tư phát triển KCN giàu kinh nghiệm cho rằng TPHCM cần chủ động chuẩn bị đầy đủ hạ tầng. Ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận cho biết các nhà đầu tư công nghệ cao rất chú trọng đến chất lượng cung cấp điện. Chỉ cần chớp điện trong 1/1000 giây sẽ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất.
Về hạ tầng giao thông, ông Phong cho biết việc vận chuyển hàng hóa ra các cảng đang rất khó khăn, mất thời gian. Thời gian gần đây, có tới một nửa số tài xế container, xe tải phục vụ cho các doanh nghiệp trong KCX Tân Thuận xin nghỉ và rất khó tuyển mới, vì yêu cầu công việc cao, trong khi dễ bị phạt nặng và đường thì kẹt.

Ông Phan Minh Toàn Thư, Giám đốc chi nhánh Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc tại TPHCM cũng nêu kinh nghiệm thành công từ các KCN đã được triển khai. Đó là xung quanh KCN phải có đủ hạ tầng điện đường trường trạm. Cộng đồng xung quanh phải có khu dân cư phục vụ cho KCN đó, có nhà ở cho công nhân, cho chuyên gia, có thiết chế văn hóa, bệnh viện, trường học… Theo ông đây là những yếu tố để tăng khả năng thu hút đầu tư khi xây dựng một KCN mới.

Tương tự ý kiến này, đại diện Tổng công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) cho biết từ kinh nghiệm KCN Hiệp Phước và Long Hậu, ban đầu Hiệp Phước quy hoạch 1/2000 chỉ chú trọng các công năng chính, nhưng càng về sau càng thấy rõ vai trò của những yếu tố khác như nhà ở công nhân, trung tâm đào tạo, hỗ trợ hoạt động cho KCN.
Theo đại diện IPC, những hạng mục này cần được đồng bộ từ đầu để thu hút nhà đầu tư, thể hiện tính chuyên nghiệp, thay vì cắt xén, điều chỉnh lại theo kiểu chắp vá, giải pháp tình thế sau này.
Đáp lại các ý kiến, Trưởng ban quản lý Hepza Lê Văn Thinh cho biết về hạ tầng điện, nước, Hepza đã chủ động phối hợp với ngành điện để đảm bảo cung ứng điện cho các doanh nghiệp trong KCN-KCX.
Ông Võ Thanh Phong, trưởng BQL các KCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu góp ý, khi làm KCN ai cũng muốn làm công nghệ cao, chế biến chế tạo… nhưng trong một cơ chế chưa rõ ràng, mà chỉ giới hạn trong một ngành nghề nhất định, thì rất khó khăn. Chủ đầu tư hạ tầng đi mời gọi thu hút, đối tượng rất đa dạng, miễn sao đảm bảo môi trường, phát triển bền vững là được, còn nếu hạn chế đối tượng thu hút sẽ rất khó.

Theo ông Phong, lâu nay lợi thế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thu hút đầu tư là công nghiệp nặng, điện, thép, sau này chuyển sang hóa dầu. Tỉnh này cũng đang xin Thủ tướng đề án phát triển khu thương mại tự do. “Nếu gắn với Trung tâm tài chính quốc tế ở TPHCM thì sẽ rất phù hợp”, ông Phong nói và cho biết tỉnh cũng đang rất tận dụng sân bay Long Thành. Vừa rồi được quy hoạch 24 KCN, Bà Rịa - Vũng Tàu có đề xuất một khu 500ha để làm KCN chuyên sâu phục vụ hạ tầng sân bay.
Để quy hoạch không nằm trên giấy
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nói, công nghiệp của TPHCM từng đi đầu, tiên phong. Nhưng sau 30 năm, công nghiệp của TPHCM đã tới hạn, do vậy phải có sự thay đổi. Đề án chuyển đổi các KCN, KCX là cơ sở để giải quyết bài toán phát triển công nghiệp của TPHCM phải đổi mới, thay đổi mạnh mẽ hơn mới có thể đóng góp nhiều hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc công bố quy hoạch lần này chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn là kế hoạch triển khai cụ thể ở từng khu công nghiệp để nhà đầu tư có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu và quyết định đầu tư. Nếu thiếu bản kế hoạch chi tiết, quy hoạch sẽ chỉ dừng lại trên giấy.
TPHCM sẽ triển khai theo hai hướng song song. Cụ thể, các khu công nghiệp mới quy hoạch hiện đại, đồng bộ, ưu tiên hạ tầng bên ngoài hàng rào để tạo lực hút đầu tư. Các khu công nghiệp hiện hữu phải được chuyển đổi dần, không chờ đến hết thời hạn sử dụng đất mới bắt đầu. Đồng chí Võ Văn Hoan hoan nghênh 5 khu công nghiệp đã chủ động xây dựng đề án chuyển đổi, tiêu biểu như Khu chế xuất Tân Thuận đã thuê tư vấn, hoàn thiện hồ sơ bước đầu. Trước đây Thành phố định thực hiện đề án chuyển đổi tập trung, nhưng thực tế cho thấy giao về cho từng chủ đầu tư sẽ sát tình hình và hiệu quả hơn.
Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, lãnh đạo Hepza thông tin sẽ xây dựng bộ lọc kỹ thuật để định hướng phát triển các KCN-KCX tại TPHCM theo đúng định hướng. Còn ngành nghề cụ thể thì nhà đầu tư, cơ chế thị trường sẽ quyết định việc đó.

Theo quy hoạch TPHCM được Thủ tướng phê duyệt ngày 31-12-2024, TPHCM được quy hoạch 36 KCN, KCX với tổng diện tích 8.369ha. Phó Ban quản lý Hepza Phạm Thanh Trực cho biết, TPHCM sẽ giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp hiện hữu và thúc đẩy chuyển đổi theo chiều sâu, hướng đến công nghiệp công nghệ cao, xanh, tuần hoàn và sáng tạo. Thành phố đang xây dựng đề án chuyển đổi thí điểm tại 5 KCX-KCN hiện hữu như Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình... Đồng thời, quy hoạch thêm 14 KCN mới với tổng diện tích 3.833 ha, triển khai theo 3 giai đoạn: 2025–2027 (Phạm Văn Hai I–II, Vĩnh Lộc 3, Nhị Xuân), 2027–2030 (An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III, Hiệp Phước 3), 2030–2033 (Tân Phú Trung 2–4, Bình Khánh 1–2). Hướng phát triển gắn với mô hình KCN thông minh, sinh thái, KCN – đô thị – dịch vụ, chú trọng kết nối với Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu sau sáp nhập, nhằm tạo chuỗi liên kết ngành và thu hút đầu tư hiệu quả.