ĐBQH đề nghị không thu thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, máy điều hòa

Sáng 9-5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Phiên thảo luận sôi nổi vì ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐB) ở nhiều vấn đề còn khá khác nhau.

Các đại biểu dự phiên thảo luận ngày 9-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Các đại biểu dự phiên thảo luận ngày 9-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thống nhất đề xuất của Chính phủ, chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định máy điều hòa có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy có công suất <18.000 BTU và >90.000 BTU).

Vấn đề này nhận được quan tâm của nhiều ĐB. ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, theo quy định hiện hành, máy điều hòa <90.000 BTU thuộc diện chịu thuế TTĐB 10% (trong khi loại >90.000 BTU thì không chịu thuế). Điều này đang gây nhiều tranh luận do tính chất mặt hàng đã thay đổi. Máy điều hòa nhiệt độ ngày nay không còn là hàng xa xỉ, mà đã trở thành nhu cầu phổ biến, thiết yếu của người dân.

Việc đánh thuế TTĐB (nhằm hạn chế tiêu dùng) thực tế không làm giảm nhu cầu; dù thuế cao, người dân vẫn phải sử dụng để đảm bảo sinh hoạt và sức khỏe. Do đó, mức thuế hiện tại mang tính đánh vào người tiêu dùng phổ thông, không đúng tinh thần đánh vào hàng xa xỉ hoặc có hại.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị).jpg
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị). Ảnh: QUANG PHÚC

Thêm nữa, quy định hiện hành còn bất cập: điều hòa công suất lớn (>90.000 BTU) lại không chịu thuế, trong khi điều hòa nhỏ cho hộ gia đình lại chịu thuế 10%, dẫn đến thiếu công bằng - người thu nhập thấp dùng máy nhỏ lại chịu thuế, còn doanh nghiệp hoặc người giàu lắp máy trung tâm công suất lớn lại không phải chịu. Lập luận coi điều hòa nhỏ là mặt hàng cần hạn chế vì tiêu tốn điện cũng không thuyết phục, bởi công nghệ hiện đại đã ứng dụng rộng rãi, giúp máy lạnh đời mới tiết kiệm điện năng hơn rất nhiều.

ĐB Trần Văn Khải đề nghị bãi bỏ hoặc thu hẹp đối tượng điều hòa chịu thuế TTĐB, loại bỏ điều hòa nhiệt độ dân dụng (<90.000 BTU) khỏi danh mục chịu thuế như ý kiến của nhiều ĐB. Nếu vẫn cần điều tiết, chỉ nên áp thuế TTĐB với các hệ thống điều hòa công suất cực lớn (phục vụ không gian rộng đặc biệt) và cần đánh giá kỹ hiệu quả.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng đề nghị bỏ toàn bộ điều hòa nhiệt độ ra khỏi diện chịu thuế.

"Thu thuế với điều hòa nhiệt độ không hợp lý vì điều hòa không có hàng hóa thay thế. Thu bao nhiêu thì người tiêu dùng và doanh nghiệp nộp bấy nhiêu chứ không có lựa chọn nào khác. Mà thuế TTĐB phải là loại thuế định hướng tiêu dùng, tức hạn chế tiêu dùng mặt hàng này thì phải có sự lựa chọn thay thế mặt hàng khác", ông nói.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề xuất nâng mặt hàng điều hòa từ >24.000 BTU đến 90.000 BTU mới phải chịu thuế TTĐB. Lý do là, hiện nay ở các đô thị, căn hộ chung cư thường có từ một đến hai phòng và một phòng khách, lắp một điều hòa 24.000 BTU vừa tiết kiệm điện lẫn chi phí. Đây cũng là thực tế đang rất phổ biến.

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cũng băn khoăn: điều hòa là mặt hàng thông dụng với người dân. Nếu thu thuế sẽ gây khó cho người dân, doanh nghiệp, nhất là khi sử dụng điều hòa công suất lớn để phục vụ sản xuất. Do đó, đề nghị không thu thuế TTĐB với điều hòa.

Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), từ kỳ họp trước, nhiều ĐB đã kiến nghị không đánh thuế với điều hòa. “Trong khi những mặt hàng rất cần thu thuế TTĐB thì chưa tính đến như nhựa. Nhựa gây ô nhiễm môi trường rất lớn”, ĐB nêu.

714c6ce3-88df-4205-8468-e08c456f23ee.jpg
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

Về mặt hàng xăng, ĐB Hà Sỹ Đồng đồng tình với quan điểm nên đánh thuế, nhưng cần xem xét đánh loại thuế nào. Theo ông, hiện tại, xăng là mặt hàng duy nhất chịu cả hai loại thuế TTĐB và bảo vệ môi trường. Thậm chí, dầu - mặt hàng tương tự như xăng cũng là nhiên liệu chạy xe, hiện chỉ phải chịu thuế bảo vệ môi trường.

“Nếu thu thuế xăng nhằm hạn chế tác động xấu đến môi trường thì chỉ cần thu thuế bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị bỏ thuế TTĐB đối với xăng, chuyển toàn bộ sang thuế bảo vệ môi trường”, ĐB phát biểu.

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị không thu thuế TTĐB với xăng, cần thiết thì tăng thuế bảo vệ môi trường.

Các ĐB đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ hơn các nội dung của dự thảo để bảo đảm mục tiêu, nhất là mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên và lộ trình đánh thuế tuyệt đối. Cùng với đó, ngăn chặn hàng nhập lậu để bảo đảm công bằng, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình).jpg
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình). Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) đề nghị đưa túi nilong vào diện chịu thuế TTĐB để bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần.

Theo ĐB, dù Chính phủ đã có kế hoạch, tuyên truyền mạnh nhưng thói quen sử dụng túi nilong của người dân vẫn chưa thay đổi, chưa giảm thiểu.

Tin cùng chuyên mục