Đầu tư sang Lào theo kiểu “sống chậm”

Tiếp nhận hơn 5 tỷ USD từ Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, Lào được coi là mảnh đất lành cho nhiều nhà đầu tư Việt. Kinh nghiệm đầu tư sang Lào đã được nhiều đại diện doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu quốc tế chia sẻ tại cuộc hội thảo được Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững (SCODE) tổ chức sáng 9-3.  

Theo ông Phạm Văn Dũng, thành viên Nhóm nghiên cứu SCODE, bên cạnh những thuận lợi nhiều mặt trong môi trường kinh doanh tại Lào, các nhà đầu tư Việt Nam khi bước chân vào thị trường này cũng phải đối diện với nhiều rào cản.

“Trong nhiều trường hợp, việc không hiểu tiếng Lào và phong tục tập quán, những điều cấm kỵ đã làm giảm hiệu quả sản xuất, gây ra hiểu lầm và thiệt hại không đáng có. Chỉ cần người quản lý nói to hoặc có những cử chỉ được coi là xúc phạm, lao động người địa phương sẽ không hợp tác”, ông Dũng nêu ví dụ.

Rào cản đầu tiên ít được nhà đầu tư nhắc đến nhưng biểu hiện rất rõ trên thực tế, theo chuyên gia này, là hạn chế của chính nhà đầu tư về khả năng nắm bắt thông tin, chính sách, xác định đúng môi trường và cơ hội đầu tư, chuỗi giá trị và thị trường phù hợp với nội lực.

Lào có chính sách về lao động với xu hướng bảo hộ lao động trong nước (lao động Việt Nam phải trả phí cao, khoảng 500 USD/năm để hoàn thành thủ tục lao động), nên doanh nghiệp cần có chiến lược đào tạo kỹ năng, nâng cao chất lượng lao động tại chỗ đồng thời với lộ trình phù hợp để tăng dần tỷ lệ lao động địa phương…

Từ đó, một khuyến nghị quan trọng dành cho nhà đầu tư, theo ông Dũng, là định hướng đầu tư lâu dài, phù hợp với môi trường “sống chậm” của người Lào.

Các nhà đầu tư cần nhận biết rõ những khoản đầu tư ngoài dự kiến như hỗ trợ xây dựng hạ tầng, đóng góp tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao ở địa phương để có được sự ủng hộ của cộng đồng.

Đặc biệt, cần lưu ý tìm hiểu rõ và tôn trọng quyền sử dụng đất theo luật tục của cộng đồng địa phương. Nhà đầu tư chỉ có thể hoàn thành tốt trách nhiệm trong sử dụng đất khi người dân địa phương đồng thuận và được tham gia vào dự án với tư cách là “chủ đất” theo truyền thống.

Trong 10 năm trở lại đây, đầu tư trực tiếp sang Lào của Việt Nam đã đạt hơn 5 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Việt Nam hiện là nhà đầu tư lớn thứ 2 tại Lào.

Tin cùng chuyên mục