
Tăng trưởng nguồn vốn chất lượng
Những con số nói trên đã minh chứng cho sức hút ngày càng lớn của Việt Nam trên bản đồ đầu tư toàn cầu, trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang tái định hình và xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư quốc tế ngày càng gia tăng.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, phân tích, những số liệu ghi nhận mới nhất cho thấy Singapore dẫn đầu trong số 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án mới tại Việt Nam, rót 1,6 tỷ USD (chiếm 28,6%), tiếp đến là Trung Quốc với 1,52 tỷ USD (27,1%) và Nhật Bản với 573,2 triệu USD (10,3%). Trong cơ cấu giải ngân, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 81%, phản ánh rõ định hướng đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Không chỉ tăng về lượng, nhiều chuyên gia kinh tế cũng chỉ rõ chất lượng của dòng vốn FDI được cải thiện đáng kể. Nhiều dự án đầu tư lớn đã được triển khai từ năm 2024 đến nay.
Đó là Nhà máy Sản xuất sợi nhân tạo Colorful Nylon Fiber tại Tây Ninh (ước khoảng 121 triệu USD), Nhà máy Điện sinh khối Tuyên Quang Erex của Nhật Bản (ước khoảng 116 triệu USD), Trung tâm logistics Sembcorp SIS Đình Vũ giai đoạn 2 tại TP Hải Phòng (ước khoảng 49 triệu USD) và Nhà máy pin - ắc quy Mustang Battery tại Long An (ước khoảng 47 triệu USD)... Các dự án này trải rộng từ năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ đến logistics và vật liệu mới.
Đối với TPHCM, hiện có hơn 13.600 dự án FDI còn hiệu lực, chiếm trên 32% tổng số dự án cả nước và khoảng 11,7% tổng vốn FDI đăng ký. Thành phố đang đẩy mạnh quy hoạch 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 3.800 ha, phát triển theo hướng xanh, công nghệ cao, hiện đại và chuyên sâu.
Song song đó, thành phố cũng thực hiện chuyển đổi các khu chế xuất - công nghiệp truyền thống như Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Bình Chiểu thành các khu đa chức năng, logistics hoặc công nghiệp sáng tạo nhằm tạo lập không gian phát triển mới, gắn quy hoạch hạ tầng với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài.
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá: “Việt Nam nói chung là một trong những thị trường tiềm năng khu vực, nơi doanh nghiệp châu Âu hướng tới đầu tư dài hạn”. Theo khảo sát Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) do EuroCham công bố gần đây, BCI tăng lên 46,3 điểm, cho thấy xu hướng phục hồi tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.
Trong khi đó, khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản cho thấy, hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng đầu tư trong 1-2 năm tới. Tính ổn định chính sách và hỗ trợ từ chính quyền địa phương là lý do khiến các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đặt niềm tin vào Việt Nam.
Rộng dòng vốn đầu tư
Lý giải cho sự thành công trong thu hút FDI, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), nhấn mạnh công tác cải cách hành chính, tinh giản quy trình và tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư. Chính phủ Việt Nam cùng với các địa phương đã tích cực cải cách, triển khai chính sách ưu đãi, tạo lòng tin cho nhà đầu tư quốc tế. Đây là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của khu vực.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam tiếp tục khẳng định ưu thế trong ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế. Các đột phá thể chế mà Chính phủ đang thực hiện, đặc biệt là “bộ tứ chiến lược” gồm: chuyển đổi số - khoa học công nghệ (Nghị quyết 57), hội nhập kinh tế quốc tế (Nghị quyết 59), cải cách thể chế (Nghị quyết 66) và phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68) sẽ làm nền tảng cơ sở để kinh tế Việt Nam tăng tốc bứt phá trong thời gian tới.
Trong đó, Nghị quyết 68 mở ra không gian mới cho doanh nghiệp tư nhân khi được bảo đảm 3 quyền cốt lõi: tiếp cận thị trường, nguồn lực và quyền tài sản. Đây cũng chính là cơ hội để hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ 2.200 dự án đầu tư công ách tắc với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng, tương đương 50% GDP.
“Nếu giải ngân được khối vốn này, tăng trưởng GDP có thể được cộng thêm 1-2 điểm phần trăm. Việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công không chỉ giúp kích thích tổng cầu mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến đầu tư tư nhân và FDI, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang cần điểm tựa phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cú sốc thương chiến toàn cầu”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Nhằm duy trì tính cạnh tranh và đà tăng trưởng dài hạn, theo ông Gabor Fluit, Việt Nam nên tập trung hơn nữa vào cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc đơn giản hóa quy trình đầu tư, cấp phép và thông quan sẽ góp phần lớn vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Việt Nam cũng cần chú trọng đào tạo lực lượng lao động chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các ngành công nghệ và sản xuất hiện đại.
Với nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, quyết tâm cải cách mạnh mẽ và sự đồng hành của chính quyền các cấp, Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục là điểm đến chiến lược của các dòng vốn đầu tư quốc tế trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái định hình.