Các doanh nghiệp nên chú trọng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế

Các doanh nghiệp nên chú trọng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế

Những thỏa thuận mở cửa lĩnh vực tài chính ngân hàng khi gia nhập WTO là điều kiện để các ngân hàng nước ngoài “xâm nhập” vào thị trường trong nước. Đây là thách thức đối với các ngân hàng nội địa nhưng lại là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước trước sức ép về vốn như hiện nay. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Kai Nargolwala, Tổng Giám đốc phụ trách toàn cầu khối bán buôn của Ngân hàng Standard Chartered (SCB), về một số vấn đề bạn đọc quan tâm.

Các doanh nghiệp nên chú trọng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế ảnh 1
Ông Kai Nargolwala. Ảnh: H.TH.

- PV:- Thưa ông, SCB mở chi nhánh thứ hai tại Việt Nam vào thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO. Làm việc này SCB sẽ có lợi thế gì so với các ngân hàng nội địa cũng như các ngân hàng nước ngoài ?

- Ông KAI NARGOLWALA:
- Việt Nam đang mở cửa mạnh mẽ và yêu cầu phát triển một nền tài chính lành mạnh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. SCB mong muốn đóng góp vào sự thay đổi này. Lợi thế cạnh tranh của SCB so với các ngân hàng khác là có một bề dày lịch sử rất lâu đời trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, như có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về địa bàn mà mình hoạt động. Điều này rất quan trọng nhưng không phải ngân hàng nào cũng quan tâm đến. Không ít ngân hàng nước ngoài áp đặt những giá trị văn hóa của nước họ vào địa bàn mà họ hoạt động. Còn ngân hàng của SCB ở nơi nào sẽ do những người ở nơi đó điều hành.

- SCB xác định tầm quan trọng của thị trường Việt Nam trong chiến lược phát triển của mình như thế nào?

- Thị trường Việt Nam - với dân số hơn 80 triệu người và tốc độ phát triển GDP từ 8%-9%/năm – là một thị trường hấp dẫn với nhiều cơ hội phát triển. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, hoạt động bán lẻ phục vụ cá nhân thông thường sẽ phát triển gấp 5 lần tốc độ phát triển của GDP mỗi năm. Điều này có nghĩa dịch vụ này có thể đạt tốc độ 40%/năm trong vòng 5-6 năm tới. Vì vậy, chiến lược của SCB là trở thành một phần của thị trường này. Cùng với việc mở chi nhánh ở TPHCM, SCB tập trung phát triển các gói sản phẩm như cho vay, phát hành hối phiếu, tài trợ thương mại cho khách hàng Việt Nam và quốc tế… SCB sẽ ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới vào thị trường Việt Nam để phát triển dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng.

- Với bề dày của mình, SCB có thể giúp doanh nghiệp những gì?

- SCB có những sản phẩm ngân hàng liên quan đến dịch vụ thương mại, trọng tâm là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia. Với mạng lưới quốc tế rộng khắp trên toàn cầu (1.200 chi nhánh tại 56 quốc gia), SCB đã hình thành các quan hệ đối tác thông qua các giao dịch xuyên biên giới, sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp về dịch vụ ngân hàng. Hiện nay, SCB đang hợp tác chặt chẽ với NHNNVN hỗ trợ pháp lý liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng cho doanh nghiệp, giải quyết các tranh chấp khách hàng và giúp doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ tài chính quốc tế.

- Ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập vào “sân chơi” quốc tế ?

Các doanh nghiệp nên chú trọng tiếp cận thị trường tài chính quốc tế ảnh 2
Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển khi Việt Nam hội nhập WTO. Ảnh: TH.T.

- Các doanh nghiệp Việt Nam nên chú ý 2 yếu tố: giá cả sản phẩm phải cạnh tranh so với các sản phẩm khác trên thị trường và hệ thống quản trị doanh nghiệp phải cải thiện tốt hơn. Khi doanh nghiệp phát triển mạnh thì rất cần thu hút nguồn vốn lớn để mở rộng kinh doanh. Tiền ở Việt Nam không thiếu, nguồn tài chính đầu tư vào Việt Nam cũng nhiều nhưng vấn đề là các nhà đầu tư chưa hiểu biết các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động như thế nào, hệ thống pháp lý có tốt hay không, quản trị điều hành có thực hiện đúng đắn và thích hợp. Các doanh nghiệp phải chứng minh mình đang điều hành doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp với một kế hoạch kinh doanh, nguồn thu và chi phí rõ ràng… Nếu thực hiện tốt các điều này, chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ thu hút nhiều nguồn vốn - không chỉ ở các nhà đầu tư nội địa mà còn từ các thị trường bên ngoài. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam phải lưu ý việc cạnh tranh không chỉ với các đối thủ ở thị trường nội địa mà phải nhìn xa hơn với các đối thủ khác trên thị trường thế giới. Đối với những doanh nghiệp lớn, rất cần thiết nên tiếp cận với thị trường tài chính quốc tế chứ không nên chỉ chờ vào nguồn lực vốn trong nước. 

MAI THẢO

Tin cùng chuyên mục