Ngân hàng làm gì trước thử thách hậu WTO?

Ngân hàng làm gì trước thử thách hậu WTO?

Tài chính - ngân hàng là một trong những lĩnh vực cam kết mở cửa mạnh mẽ khi nước ta gia nhập WTO. Dự kiến giữa năm 2007, các ngân hàng nước ngoài sẽ được mở chi nhánh, nhận tiền gửi VNĐ, phát hành thẻ tín dụng. Các chi nhánh và văn phòng đại diện nước ngoài này được đối xử không phân biệt sau khi nước ta gia nhập WTO… Vậy các ngân hàng phải làm gì để đứng vững trên “sân nhà”? Trang Dịch vụ tài chính - ngân hàng xin giới thiệu ý kiến của các chuyên gia xung quanh vấn đề này.

  • Thống đốc Ngân hàng Nhà nước LÊ ĐỨC THÚY: Các ngân hàng trong nước không nên chủ quan

Ngân hàng làm gì trước thử thách hậu WTO? ảnh 1
Các ngân hàng nội địa giữ chân khách hàng bằng nhiều dịch vụ gia tăng. Ảnh:TH.T

Hiện có trên 30 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam với số vốn tối thiểu 15 triệu USD/chi nhánh. Nhiều năm qua thị phần của họ chiếm hơn 10% và họ phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiều hơn là bành trướng.

Để chiến thắng trong cuộc đua này các ngân hàng nội địa phải nâng cao năng lực mọi mặt. Tăng vốn tự có để mở rộng quy mô là rất cần thiết nhưng cũng phải nâng cao trình độ công nghệ và khả năng quản trị. Nhiều cuộc điều tra cho thấy khi ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam, người dân sẽ chuyển sang giao dịch với ngân hàng nước ngoài thay vì các ngân hàng trong nước.

Điều tra này có thể không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Có mặt tại nước ta khá lâu nhưng không dễ gì các ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam vay vốn vì thủ tục rất khắt khe và lãi suất không thấp hơn. Về gửi tiền, người dân quan tâm đến vấn đề an toàn và lãi suất. Thực tế các ngân hàng cổ phần nội địa đang có rất nhiều uy tín, nên phần lớn người dân đã gửi tiền vào các ngân hàng này. Tuy nhiên, các ngân hàng nội địa không nên chủ quan mà phải phát huy lợi thế mình đang có.

  • Ông TRẦN PHƯƠNG BÌNH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á: Hoạch định chiến lược phát triển, cạnh tranh

Với sức ép của quá trình hội nhập, vấn đề đặt ra đối với hầu hết các ngân hàng thương mại trong nước hiện nay là làm thế nào để nâng cao tính cạnh tranh và khai thác tối đa các cơ hội của một thị trường mở mang lại. Tuy có nguồn vốn hạn chế, dịch vụ chưa tốt nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam lại có lợi thế về đồng cảm văn hóa kinh doanh, có đội ngũ nhân viên khá năng động với mạng lưới chi nhánh rộng khắp, có thể len lỏi vào từng ngõ ngách nhà dân.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài cần có thời gian tương đối dài để vượt qua những hạn chế này trong việc hoạch định và thực thi chiến lược thâm nhập thị trường. Điều quan trọng là mỗi ngân hàng có tận dụng được điều này không trong việc hoạch định chiến lược phát triển. Chỉ cần 3 triệu người tại thành phố sử dụng dịch vụ ngân hàng, mọi khoản thu nhập, giao dịch của người dân đều thông qua ngân hàng sẽ tạo ra một lượng vốn khổng lồ đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, giúp các ngân hàng đứng vững trong thời kỳ hội nhập.

  • Ông ĐẶNG VĂN THÀNH, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín: Phủ sóng dịch vụ đến các tỉnh thành

Để đứng vững trên bước đường hội nhập, các ngân hàng nội địa không nên lấy chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn tiết kiệm làm thước đo mà phải thay đổi mục tiêu hoạt động, từ cung ứng tín dụng sang cung cấp các loại dịch vụ. Thị trường tài chính - ngân hàng nhiều tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, nếu các ngân hàng đi sớm trong việc mở rộng mạng lưới nhằm tạo tiện ích cho người sử dụng sản phẩm ngân hàng thì sẽ tạo được thế cạnh tranh tốt.

Việc này nhằm thay đổi phong cách phục vụ của ngân hàng theo hướng tham gia nhiều hơn vào cuộc sống của người dân, đáp ứng mọi nhu cầu tiêu dùng và sinh hoạt, tích lũy, học tập, đầu tư của cá nhân. Chẳng hạn với mạng lưới rộng khắp xuống các phường xã, ngân hàng sẽ thuận tiện trong phát triển dịch vụ chuyển tiền nhanh, thu hút kiều hối và đáp ứng tốt các giao dịch của doanh nghiệp… Thông qua đó, các ngân hàng cũng sẽ huy động được nguồn vốn giá rẻ phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, giữ được vai trò của mình trong thị trường tài chính tiền tệ có nhiều cạnh tranh trong thời gian tới.

  • Ông LÊ ĐÌNH LONG, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế: Ngân hàng trong nước cần bắt tay với nhau

Từ lâu ngân hàng chúng tôi đã chuẩn bị cho sự cạnh tranh khi hội nhập. Chúng tôi biết chấp nhận những thách thức và tích cực chuẩn bị để vượt qua những thách thức đó. Sự hoạt động hiệu quả của ngân hàng hiện nay là nền tảng vững chắc cho quá trình cạnh tranh sắp tới. Để cạnh tranh thành công, việc thực hiện kế hoạch cạnh tranh rất quan trọng, trong đó yếu tố con người là quyết định.

Các ngân hàng trong nước đã quan tâm nhiều đến đào tạo, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhưng đó chỉ là về mặt kỹ thuật và chưa đủ. Ngoài trình độ chuyên môn, cán bộ ngân hàng còn phải có khả năng phối hợp để giải quyết hiệu quả công việc. Các ngân hàng luôn luôn phải đặt mình trong bối cảnh tương lai với những khách hàng tương lai để tạo ra những sản phẩm phù hợp cho tương lai. Các ngân hàng nội địa cần phải phối hợp với nhau ngay cả khi có những mâu thuẫn về lợi ích thì mới có đủ năng lực để cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Giống như trong một cuộc đua cần có sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các vận động viên cùng quốc gia để có chiến thắng cuối cùng. 

THANH THIÊN

Tin cùng chuyên mục