Diễn đàn đổi mới chương trình, Sách giáo khoa: Nhiều mắt xích cần tháo gỡ

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ bắt đầu từ năm học 2020-2021 với lớp 1, từ năm học 2021- 2022 thực hiện ở lớp 6 và từ năm học 2022-2023 ở lớp 10.

Mục tiêu quan trọng của chương trình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống; ngoại ngữ, tin học, kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đồng thời phân luồng mạnh sau THCS và THPT, học sinh cần được tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông một cách chất lượng. Điều đó cho thấy chương trình GDPT mới hướng tới giáo dục kỹ năng thực hành cho học sinh, tạo điều kiện để mỗi người học phát huy năng lực, năng khiếu bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai. 

Với những định hướng như vậy, học sinh và thầy cô giáo sẽ được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến, tiệm cận với xu hướng quốc tế. Một số điểm khác biệt của chương trình GDPT mới so với chương trình hiện nay là: Thứ nhất, thay dần cách dạy truyền thụ kiến thức sang việc hình thành phẩm chất, năng lực cho người học; cho phép các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện năng lực có thể tham gia viết SGK dựa trên bộ SGK do Bộ GD-ĐT phát hành. Từ đó, việc lựa chọn SGK thế nào sẽ do học sinh, phụ huynh, giáo viên quyết định. Các trường có thể chọn nhiều bộ SGK khác nhau. Thứ hai, môn học trải nghiệm sáng tạo sẽ là môn học mới, đồng thời học sinh THPT được lựa chọn các môn từ 3 nhóm môn học KHTN, KHXH, Công nghệ và nghệ thuật.

Như vậy, chương trình GDPT mới đang đặt ra những đòi hỏi cần thiết sự thay đổi từ giáo viên. Đây là vấn đề then chốt cần được quan tâm. Cụ thể với “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” là môn học mới và được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 với thời lượng 3 tiết/tuần. Tiết học này tuy không ràng buộc nhiều kiến thức chuyên môn, nhưng đòi hỏi giáo viên phải có nhiều kiến thức xã hội, có sự giao tiếp truyền cảm mà không phải ai cũng làm được. 

Từ thực tế đó, vấn đề nguồn nhân lực đặt ra là: Thứ nhất, các trường đại học sư phạm là “đầu cái” đã chuẩn bị như thế nào cho sinh viên sắp ra trường; bồi dưỡng, tập huấn ra sao với đội ngũ thầy, cô đang giảng dạy? Bên cạnh đó, trang thiết bị vẫn còn thiếu, nhiều nơi thầy và trò chủ yếu dạy chay, học chay. Phòng học thiếu, lớp học đông gây khó khăn cho việc tổ chức dạy học và thảo luận theo nhóm. Vì vậy, làm sao để giáo viên đủ khả năng bắt nhịp với sự thay đổi của chương trình mới, đồng thời cơ chế tinh giản giáo viên sẽ thực hiện ra sao là câu hỏi lớn khiến đội ngũ nhà giáo đang trăn trở. Thứ hai, các trường đại học tuyển sinh theo tiêu chí nào, hình thức đánh giá ra sao sau khi học sinh được quyền lựa chọn môn học ở phổ thông? Hiện nay dù rằng Bộ GD-ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, nhưng các trường đại học vẫn tự chủ tổ chức tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau; trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực cũng rất khác so với cách thi ở phổ thông, đã gây ít nhiều trở ngại cho học sinh. Thứ ba, nội dung của chương trình giáo dục mới có phù hợp với nhu cầu xã hội, có đáp ứng nhu cầu tuyển dụng hay chưa? Trong đó, định hướng phân luồng giáo dục để chuyển hướng đào tạo phù hợp chứ không chỉ nhằm mục đích phân loại, đánh giá. Đây là việc quan trọng hơn cả việc soạn thảo nội dung sách giáo khoa. 

Cải cách giáo dục là cấp bách, cần thiết, nhất là cần sự chuyển biến đồng bộ từ chiến lược, tầm nhìn giáo dục của một quốc gia đến nội dung, phương pháp dạy - học, phương pháp kiểm tra, đánh giá hiệu quả. Trong một guồng quay thì mọi cải cách mang tính thử nghiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người học và cả đội ngũ thầy, cô đang phải đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Tin cùng chuyên mục