Đổi mới sáng tạo cần tư duy thị trường quốc tế

Sáng tạo sản phẩm có khả năng xâm nhập thị trường cao cấp và tạo dựng được lòng tin trước khách hàng khó tính thì khi sản xuất các sản phẩm phổ thông, thị trường sẽ dễ tiếp nhận hơn là làm theo cách ngược lại.
Nói nôm na, đổi mới sáng tạo trong sản xuất là hướng đến sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho thị trường quốc tế. Đừng bao giờ sản xuất cái gì không dùng được, không ăn được.
Đây là một trong nhiều kinh nghiệm được các chuyên gia, diễn giả chia sẻ với các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp (gọi chung là các startup) trong chuỗi sự kiện của “Tuần lễ đổi mới sáng tạo” do Sở KH-CN TPHCM phối hợp Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan tổ chức, diễn ra từ 23 đến 27-10.
Ông Phí Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ PAT, cho biết: “Nhiều năm làm công việc tư vấn cho doanh nghiệp (DN), tôi nhận thấy các DN vừa và nhỏ (SME) đang thiếu tầm nhìn dài hạn. Họ chỉ quan tâm đến việc thu lợi nhuận, trả lương nhân viên để tồn tại. Còn việc ứng dụng công nghệ, chú trọng vào việc nghiên cứu và phát triển (R&D) bị bỏ ngỏ”.
Theo ông Tuấn, mấu chốt vấn đề vẫn nằm ở nhận thức của DN. Nhiều DN coi chi phí cho hoạt động R&D là một rào cản lớn. Trong khi rõ ràng, sự phát triển của công nghệ đang giúp DN rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường, tăng năng lực cạnh tranh, giảm chi phí. 
Chia sẻ thành công từ dự án khởi nghiệp Yellow Chair Speciality Coffee, bà Nguyễn Kim Hạnh, Giám đốc Công ty quốc tế Kim&Kim cho rằng, DN SME nếu chỉ nghĩ đến chuyện “cơm áo gạo tiền” thì 10 năm sau DN cũng chỉ dừng ở mức “tồn tại”.
Muốn thực sự lớn mạnh, DN phải định hướng trước tương lai phát triển và nhắm đến sản xuất sản phẩm nhiều giá trị. Khi thấy rằng tư duy không theo kịp sự phát triển thì chủ DN nên tính đến chuyện chuyển đổi hoặc chuyển giao DN sang cho đối tác có kinh nghiệm hơn.
Bà Hạnh cho biết: “Như trường hợp công ty trước đây chuyên sản xuất các sản phẩm kim chi, đậu hũ có thời điểm tăng trưởng đến 50%/năm cũng phải dừng lại. Vì tôi hiểu rằng, nếu không có nền tảng công nghệ để quản lý và điều hành sản phẩm thì không thể tiến xa được”.
Đồng thời, đó là tiền đề để bà chọn hướng phát triển khác - sản xuất cà phê theo mô hình organic, một dạng sản phẩm cần sáng tạo và hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp. 
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền thương hiệu, cho rằng tầm nhìn về thị trường quốc tế là vấn đề mà bất cứ DN nào cũng cần phải hướng tới để có được sự phát triển bền vững.
Bà Vân dẫn chứng, DN SME của Malaysia có xuất phát điểm là các DN gia đình, mức độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất thấp… Tuy nhiên, thông qua chương trình “Business Transformation” do Chính phủ Malaysia tài trợ, các chủ DN sau quá trình đào tạo đã cam kết xuất khẩu thương hiệu, mô hình của mình ra nước ngoài. 
Các chuyên gia cho rằng, nhận thức là việc làm đầu tiên mà chính phủ các nước muốn gieo mầm cho các chủ DN. Lộ trình để phát triển sản phẩm ra thị trường quốc tế phải được nghĩ đến từ khi DN mới thành lập.
Những việc làm tiếp theo của DN phải xây dựng lộ trình để thực hiện tầm nhìn đó. Song song đó, lợi thế cũng đồng thời là trách nhiệm - các startup phải nắm bắt nhu cầu thị trường, vận dụng công nghệ giúp người điều hành DN khác có bức tranh tổng thể để đẩy mạnh ứng dụng và lựa chọn công nghệ phù hợp.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN, hoạt động hỗ trợ thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ tại TPHCM. Điển hình như chương trình SpeedUp 2017 đã hỗ trợ trên 11 tỷ đồng cho 14 dự án khởi nghiệp; 4 ban điều hành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho các lĩnh vực trọng điểm của TP cũng đã được thành lập; 24 cơ sở ươm tạo DN khởi nghiệp được liên kết, 938 dự án khởi nghiệp với 300 sản phẩm khởi nghiệp được kết nối đến với cộng đồng và các quỹ đầu tư. 

Tin cùng chuyên mục