Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững

Ngày 17-3, tại Trung tâm Hội nghị 272 (đường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM) diễn ra Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP với doanh nghiệp trên địa bàn đầu năm 2018 với Chủ đề: “Đột phá cơ chế, cùng Doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững Thành phố Hồ Chí Minh”.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các doanh nghiệp tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và các doanh nghiệp tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM; và gần 300 doanh nghiệp, cùng các sở ban ngành trên địa bàn. 

Mỗi ngày TPHCM thu hơn 1.400 tỷ đồng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí Thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói: “Hôm nay là thứ bảy, là ngày nghỉ, nhưng chúng ta không nghỉ mà hội tụ đông đủ về đây dự hội nghị. Với lực lượng doanh nghiệp chiếm hơn 1/3 cả nước, tôi tin chắc rằng tất cả các anh chị doanh nhân đến đây hôm nay đều mang theo tình cảm, trách nhiệm và nhiệt huyết mong muốn góp phần để TP thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng là TP mang tên Bác Hồ kính yêu”.

Đánh giá thành quả trong gần nửa nhiệm kỳ 2016-2020, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, TP đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Một là, TP tiếp tục là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 2 năm 2016-2017 đạt 8,15% (2016 – 8,05%, 2017 – 8,25%), gấp 1,25 lần 2 tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước và giúp TP giữ được tỷ trọng đóng góp cho nền kinh tế cả nước ở mức khoảng 22%. Lần đầu tiên qui mô nền kinh tế TP vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng (1.060.618 tỷ đồng).

Hai là, mặc dù hầu như năm nào Trung ương cũng giao chỉ tiêu thu ngân sách cho thành phố rất cao và năm sau cao hơn năm trước, nhưng với nỗ lực của toàn thành phố mà quan trọng nhất là đội ngũ doanh nghiệp hùng hậu của TP, trung bình mỗi năm TP đóng góp 27-28% tổng thu ngân sách cả nước. “Riêng trong năm 2017, chỉ tiêu Trung ương giao khá nặng, 347.882 tỷ đồng, với tất cả sự nỗ lực phấn đấu, TP đã thu ngân sách 348.863 tỷ đồng, vượt 0,28% dự toán, tăng 14,82% so với năm 2016. Tức là, trừ các ngày nghỉ lễ, Tết, thứ 7 và Chủ nhật thì trung bình mỗi ngày làm việc TP thu được hơn 1.400 tỷ đồng. Đây là những con số hết sức có ý nghĩa. Hai tháng đầu năm 2018, thu cân đối ngân sách nhà nước đạt 62.414 tỷ đồng, đạt 16,56% dự toán, tăng 5,42% so cùng kỳ”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân vui mừng thông báo.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong 2 năm 2016-2017, đã có gần 78 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 904 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, có gần 119 nghìn lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng hơn 563 nghìn tỷ đồng. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, 5 năm trở về trước có gặp khó khăn, nhưng nhờ các nỗ lực quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư nên 2 năm 2016-2017 đã có 1.697 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 3,68 tỷ USD, 375 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 1,65 tỷ USD; 4.338 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,73 tỷ USD. Tính chung 2 năm 2016 – 2017 thu hút được được 10,06 tỷ USD.

“Nếu năm 2016, TP chỉ thu hút được 3,46 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì năm 2017 là 36,6 tỷ USD, tăng hơn 90%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ vậy, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của TP từ chỗ chỉ chiếm 13% cả nước năm 2016, thì năm 2017 chiếm 18,4% cả nước (35,88 tỷ USD). Hai tháng đầu năm 2018, TP đã thu hút được gần 2,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cả nước là 3,34 tỷ USD), đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm.

Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các doanh nghiệp tham dự Hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhiều áp lực, thách thức…

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, ngoài những nổi bật về thành tựu kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Lĩnh vực quốc phòng an ninh được đảm bảo tốt. Các hoạt động đối ngoại được triển khai chu đáo, hiệu quả, toàn diện, gắn kết đầu tư và mở rộng hội nhập, hợp tác với khu vực và thế giới.

“Thay mặt lãnh đạo thành phố, tôi nhiệt liệt hoan ngênh, trân trọng ghi nhận và biểu dương tinh thần vượt khó của đội ngũ doanh nhân góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP trong các năm vừa qua”, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, nói.

Dù vậy, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận, cùng với những kết quả đạt được, TP đã và đang xuất hiện nhiều thách thức cản trở sự phát triển. Năm 2017, Lãnh đạo TP cùng với các ngành, các cấp đã tiến hành phân tích, đánh giá đồng bộ, hệ thống sâu sắc nhất về những thành tựu và những hạn chế, yếu kém trong phát triển thành phố hơn 30 năm qua, chỉ ra những nguyên nhân chủ quan, khách quan, khi tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đến năm 2020.

Các thách thức đó là, sự quá tải về cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông lạc hậu, áp lực quá lớn về bệnh viện, trường học và nhà ở do dân số gia tăng quá nhanh (cứ 5,5 năm dân số TPHCM tăng thêm 1 triệu người, bằng 1 tỉnh), TP chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nguy cơ ngập nước nghiêm trọng đã gây trở ngại cho sự phát triển nhanh, bền vững, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và trong đời sống của nhân dân.

“Bên cạnh đó, các cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động dù được quan tâm nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính có chuyển biến nhưng chưa đồng bộ và chủ động, chưa đạt hiệu quả cao, chưa tạo được sự hài lòng thực sự cho doanh nghiệp và nhân dân TP”, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận.

Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững ảnh 2 Đại diện doanh nghiệp phát biểu trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nhiều giải pháp mới

Đánh giá năm 2018 là năm bản lề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn nhìn nhận rằng, để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội 10 Đảng bộ TP đề ra, trong nửa nhiệm kỳ còn lại song song với việc rà soát kết quả thực hiện 7 chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 10 Đảng bộ TP, đánh giá tiến độ, đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới, thì năm nay TP có bổ sung một số giải pháp mới.

Thứ nhất, năm 2018 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. UBND TP đã xây dựng Đề án ủy quyền cho các sở - ngành, thủ trưởng các sở - ngành, UBND quận, huện, Chủ tịch UBND quận – huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP, Chủ tịch UBND TP. Ngày 15 và 16-3-2018, HĐND Thành phố đã tổ chức Kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 7) và ban hành 5 Nghị quyết của HĐND TPHCM triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, gồm:

1. Về quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP;

2. Về ban hành qui định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do TP quản lý;

3. Về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018-2022;

4. Về điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TPHCM;

5. Về việc ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô trên địa bàn TPHCM.

Bên cạnh đó, UBND TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế tạo và sử dụng các nguồn lực hiệu quả hơn. Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án được tiến hành chủ yếu bằng hình thức tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch. Năm 2017, TP đã tổ chức Hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý chất thải ứng dụng công nghệ hiện đại biến rác thành điện, dự kiến sẽ tổ chức đấu thầu trong nửa đầu năm 2018 này. Ngay trước Tết Mậu Tuất, TP cũng đã tổ chức Hội nghị giới thiệu dự án mời gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà ven và trên kênh rạch. Năm 2017, TP cũng đã công khai hóa quy hoạch sử dụng đất mà người dân và doanh nghiệp có thể xem được trên điện thoại di động hoặc vào trang web. TP cũng đã và đang phối hợp với Công ty tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới đánh giá lại tình hình thu - chi ngân sách TP, tiến hành xếp hạng tín nhiệm và tiến tới phát hành Trái phiếu. TP đang rà soát các cơ sở nhà đất để tiến hành bán đấu giá. Thành phố cũng đang hoàn chỉnh kế hoạch cổ phần hóa các DNNN…

Thứ hai, ngày 24 tháng 11 năm 2017, UBND Thành phố đã ban hành đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025” hướng đến 4 mục tiêu: Đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, phát triển bền vững; dịch vụ phát triển, môi trường sống tốt, hạ tầng, y tế, giáo dục… tốt; người dân được chính quyền phục vụ tốt; người dân và tổ chức xã hội tham gia quản lý và giám sát.

Trong năm 2018, TP sẽ tập trung triển khai 4 giải pháp cấp TP, gồm:

1. Xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở;

2. Xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo phát triển kinh tế - xã hội của TP;

3. Xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh;

4. Xây dựng Trung tâm an toàn, an ninh thông tin. Đây là nền tảng cho TP phát triển hướng tới 4 mục tiêu của đô thị thông minh. Trên cơ sở đó, triển khai quản lý và phát triển thông tin các lĩnh vực tùy theo nhu cầu và điều kiện của mỗi TP trong từng giai đoạn. Không có 4 giải pháp này thì chính quyền điện tử không thể là chính quyền thông minh, không thể có quy hoạch thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh… 

Thứ ba, song song với đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, khơi dậy niềm tin, niềm tự hào, tạo không khí phấn khởi, sáng tạo trong toàn TP không chấp nhận tụt hậu. TP sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng một khu đô thị sáng tạo của TPHCM tích hợp 3 quận 2, 9 và Thủ Đức với 12 trường đại học, trên 1.500 giảng viên có trình độ tiến sĩ, 70.000 sinh viên, dân số gần 1 triệu người, làm hạt nhân để TP triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ tư, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân làm thước đo sự phát triển và hiệu quả phục vụ của bộ máy hành chính TP. Thành ủy đã ban hành Quyết định 1374 về xử lý thông tin từ 4 nguồn, gồm: 1. Ý kiến của cử tri, 2. Hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, 3. Thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội, hoạt động giám sát của UBMTTQ Việt Nam các cấp và 4. Phản ánh của các cơ quan báo chí.

Ngày 16-3, HĐND TP đã ban hành Nghị quyết về công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và tổ chức về dịch vụ hành chính công trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao các chỉ số xếp hạng trong năm 2018, cụ thể: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước, Chỉ số cải cách hành chính PAR-index thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước, Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) thuộc nhóm 16 địa phương dẫn đầu cả nước. Tiếp tục đổi mới phương thức trao đổi, phản hồi thông tin giữa chính quyền với nhân dân và doanh nghiệp; trao đổi, phản hồi phải kịp thời; nội dung trao đổi, phản hồi phải giải quyết được vấn đề tồn tại, khó khăn của doanh nghiệp trên cơ sở linh hoạt, nhưng đảm bảo đúng quy định pháp luật; cách thức trao đổi phản hồi thể hiện sự quan tâm, gần gũi, thân thiện; chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân quận - huyện thường xuyên lắng nghe, đối thoại, gặp gỡ, tiếp nhận và xử lý, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Có như thế mới hỗ trợ kịp thời, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Có như thế mới lắng nghe được các ý kiến đóng góp, những nội dung hiến kế, những giải pháp thiết thực, hiệu quả phát triển.

Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng đại diện các doanh nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Nêu cao vai trò của đội ngũ doanh nhân

Liên quan đến Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09-12-2011 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã nêu vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Trong đó nêu rõ: “Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Do đó, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: “Tôi đề nghị lãnh đạo UBND TP khẩn trương chủ trì, chỉ đạo các sở, ban, ngành nghiên cứu những nội dung hiến kế của các doanh nghiệp hôm nay để bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện. Đối với những ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp tại Hội nghị và những kiến nghị còn tồn tại chưa giải quyết, chỉ đạo các cơ quan giải quyết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với Trung ương, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp để huy động tối đa nguồn lực của doanh nhân, doanh nghiệp trong sản xuất - kinh doanh. Thể hiện rõ, thiết thực, cụ thể theo chủ đề “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển thành phố Hồ Chí Minh nhanh, bền vững”.

Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng thông tin, sau Hội nghị này, dự kiến nhân ngày Doanh nhân 13-10-2018, TP sẽ phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp TP tổ chức “Diễn đàn kinh tế TPHCM”.

“Thay mặt Thường trực Thành ủy, UBND và HĐND TP, tôi xin khẳng định lãnh đạo TP luôn sát cánh, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, luôn ý thức chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Tôi mong các anh chị doanh nhân quan tâm một số nội dung sau:

1. Khai thác triệt để các cơ hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào quá trình sản xuất - kinh doanh để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành, tiết kiệm chi phí, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

2. Phát huy tích cực vai trò của các hiệp hội ngành nghề, vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp TP để đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết trong quá trình hoạt động làm ra những sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý, xây dựng thương hiệu mạnh đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Có giải pháp để đầu tư khai thác tốt thị trường, kể cả thị trường trong và ngoài nước, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt, ổn định, khẳng định uy tín sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

3. Tham gia mạnh mẽ vào các Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Chương trình Kích cầu đầu tư của TP... để giải quyết bài toán vốn, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh.

4. TP cũng mong muốn và mời gọi các thành phần kinh tế tích cực quan tâm và tham gia đầu tư thực hiện các công trình, dự án của TP trên cơ sở chính quyền, người dân và doanh nghiệp đều có lợi. Tôi chân thành đề nghị anh chị doanh nhân kịp thời phản ánh, góp ý những nội dung mới, vấn đề mới nảy sinh trong quá trình sản xuất - kinh doanh với lãnh đạo TP để từ thực tiễn sinh động của doanh nghiệp, TP đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp phục vụ cho yêu cầu phát triển TP, phát triển đất nước. Tôi tin tưởng rằng cuộc gặp gỡ này sẽ tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, tin cậy giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý của TP. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng của mình và đề xuất những giải pháp thiết thực, khả thi để phát triển doanh nghiệp, và cũng là dịp để lãnh đạo TP cùng các cơ quan quản lý thành phố đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và hội nhập gắn với chủ đề thông điệp “Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững thành phố Hồ Chí Minh” góp sức chung tay xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững hơn vì cả nước, đảm bảo để không một người dân TP nào bị bỏ lại phía sau”.

Đột phá cơ chế, cùng doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững ảnh 4 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm (phải) trao đổi cùng đại diệncác doanh nghiệp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư

Thông tin tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong hai năm 2016-2017 TP đạt được những kết quả tích cực trên nhiều mặt, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.

“Bên cạnh những kết quả đạt được, TP đang đứng trước nhiều thách thức, vì hiện nay doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ có 21% doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 10% doanh nghiệp thành lập giải thể. Đáng chú ý, hiện nay có một thực trạng đáng buồn là ở trên lãnh đạo “nóng” nhưng ở dưới các sở “lạnh”, do đó chưa thể giải quyết được các vấn đề cấp thiết của doanh nghiệp. Từ đó cho thấy, nếu lãnh đạo nóng, nhưng nhân viên lạnh thì cũng không thể đẩy nhanh công cuộc cải cách hành chính”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, nhìn nhận.

Tuy vậy, phát huy những kết quả đã đạt được trong năm qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cam kết trong giai đoạn 2018-2020 sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và cải thiện môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, nâng cao chất lượng và số lượng đối thoại giữa Chính quyền TP với các doanh nghiệp, đảm bảo giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn; công khai kết quả giải quyết và giám sát quá trình xử lý sau đối thoại với các doanh nghiệp.

Về thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư: Đảm bảo rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký đầu tư sẽ giảm 30% so với quy định của Luật Đầu tư; nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ qua mạng sử dụng hệ thống đăng ký đầu tư trực tuyến đạt 40% trên tổng số hồ sơ tiếp nhận. Cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian đăng ký kinh doanh: Rút ngắn thời gian phản hồi qua mạng đảm bảo 100% hồ sơ đăng ký qua mạng được phản hồi trong ngày. Nâng số lượng doanh nghiệp đăng ký qua mạng trên 70%. Cấp đăng ký doanh nghiệp trong ngày đối với hồ sơ đăng ký thay đổi tên, địa chỉ trụ sở của chi nhánh, văn phòng đại diện cho các loại hình công ty.

Về tiếp cận đất đai: Rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính nhất quán, công khai minh bạch thông tin. Tạo quỹ đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để đầu tư sản xuất.

Về thủ tục thuế: Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong nộp tờ khai, nộp thuế, hoàn thuế nhằm giảm thời gian chi phí đi lại cho doanh nghiệp. Việc thanh tra, kiểm tra được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, việc kiểm tra tại các doanh nghiệp chỉ được thực hiện trong trường hợp thực sự cần thiết và phài có quyết định của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền. Tăng cường mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) nhằm vượt qua các khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: Tiếp cận đất đai, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận thị trường, hỗ trợ về công nghệ; hỗ trợ về cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung; hỗ trợ về thông tin tư vấn và pháp lý.  

Bên cạnh đó, nhằm thu hút đầu tư và kêu gọi nguồn lực từ các doanh nghiệp góp phần vào việc xây dựng TP ngày càng phát triển, sớm trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ. Sắp tới, UBND TP sẽ đưa ra danh mục 127 dự án có tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng thuộc các nhóm dự án trọng điểm cấp quốc gia và các dự án xã hội hóa. Trong đó, có 46 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật, 5 dự án giảm ngâp nước, 2 dự án nông nghiệp, 18 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 7 dự án giáo dục, 44 dự án văn hóa và thể thao, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư góp phần chung tay với TP sớm triển khai các dự án.

Tin cùng chuyên mục