Đường đến cường quốc biển

Một trong những nội dung quan trọng được thảo luận tại Hội nghị Trung ương 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng XII là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển với lợi thế cả về địa - chính trị và địa - kinh tế. Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Bình quân cứ 10km2 đất liền có 1km bờ biển - cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền - rộng gấp 3 lần diện tích đất liền. Vùng biển Việt Nam lại nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao và “ôm” trọn con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới, được ví như huyết mạch nối liền Đông bán cầu và Tây bán cầu. Nước ta cũng sở hữu nhiều vũng, vịnh kín có độ sâu lớn, thuận lợi để xây dựng cảng, phát triển các khu kinh tế.

Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, Viện Chiến lược chính sách tài nguyên - môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), vùng biển Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, rất thuận lợi cho du khách từ nhiều quốc gia tới nghỉ dưỡng, tắm biển. Vùng duyên hải nước ta có hàng trăm bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh lọt vào danh sách bãi biển và vịnh đẹp nhất thế giới như: Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo Gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô và đặc biệt là vịnh Hạ Long - 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới… 

Biển Việt Nam có đa dạng sinh học cao, với trữ lượng cá khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn… Đây chính là những cơ sở thực tế để Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt mục tiêu đưa đất nước ta trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu lên từ biển” theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đóng góp khoảng 53%-55% tổng GDP; 55%-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, sau hơn 10 năm thực hiện chiến lược biển, những thành quả đạt được cho đến nay chưa tương xứng với tiềm năng. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47% - 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế thuần biển mới đạt khoảng 20% - 22% tổng GDP cả nước. Đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm tới 98%, chủ yếu là khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc… bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước.

Thu nhập bình quân của người dân vùng biển vẫn thấp hơn mức trung bình cả nước. Một số mục tiêu kỳ vọng khác cũng không đạt, gồm: ngành công nghiệp đóng tàu, khai thác dầu khí, công nghiệp hàng hải. Ngành dầu khí không đạt có lý do khách quan là giá dầu thế giới biến động quá mạnh; ngành công nghiệp đóng tàu, hàng hải thất bại là do mô hình doanh nghiệp chưa phù hợp; các cơ quan lãnh đạo còn nóng vội, duy ý chí nên để xảy ra những sai phạm, thất thoát… Trong khi đó, các hoạt động kinh tế đã gây ra những tác động tiêu cực rất lớn đến nguồn tài nguyên biển và môi trường biển, làm suy thoái môi trường và các nguồn tài nguyên biển. Vụ việc xảy ra năm 2016 liên quan đến Formosa Hà Tĩnh (công ty này đã phải chi trả khoản tiền bồi thường 500 triệu USD), là một trong nhiều ví dụ có ý nghĩa cảnh báo nghiêm khắc.

Dự thảo nghị quyết điều chỉnh, bổ sung chiến lược biển trình ra Hội nghị Trung ương 8 lần này sẽ tiếp tục “mổ xẻ” những tồn tại và đưa ra chiến lược, giải pháp hữu hiệu theo hướng “lấy kinh tế biển xanh làm chìa khóa”, phù hợp với xu thế toàn cầu về phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển và bảo tồn biển; giải quyết ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo hướng đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như: du lịch biển đảo, năng lượng tái tạo; từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển. Các ngành kinh tế biển truyền thống như kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu… cũng được duy trì, phát triển nhưng theo hướng giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền…

Nhưng trước hết, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, biển Việt Nam cần có một nhạc trưởng giỏi để tạo được sự kết nối giữa các địa phương có biển và địa phương không có biển, giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế, tập trung được nguồn lực và điều phối nhịp nhàng hoạt động đầu tư kết cấu hạ tầng.

Như thế, nói một cách hình tượng, phương châm quản lý tổng hợp biển có thể ví như sự vận hành của một hệ sinh thái tự nhiên: cộng sinh, không làm suy yếu và loại trừ lẫn nhau; vừa hỗ trợ vừa làm động lực thúc đẩy lẫn nhau. Trong khi các địa phương có biển cần phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới, thì các địa phương không có biển tăng cường phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu. Ngược lại, các địa phương có biển đóng vai trò tạo động lực cho phát triển sản xuất của các địa phương không có biển bằng cách cung cấp các dịch vụ cảng, logistics cho xuất khẩu hàng hóa…

Tin cùng chuyên mục