Gặp hai “ngôi sao vọng cổ”

Võ Minh Lâm: Chuông vàng tuổi 17
Gặp hai “ngôi sao vọng cổ”

Cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình TPHCM 2006” vừa kết thúc đã chọn ra được những “ngôi sao” trẻ cho sân khấu hôm nay. Chúng tôi xin giới thiệu hai “ngôi sao” Võ Minh Lâm – người đoạt giải Chuông vàng và Giang Bích Phượng – người được Hội đồng giám khảo báo chí bình chọn.

Võ Minh Lâm: Chuông vàng tuổi 17

Gặp hai “ngôi sao vọng cổ” ảnh 1

Võ Minh Lâm

Ở Cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình TPHCM 2006”, Võ Minh Lâm là thí sinh nhỏ tuổi nhất. Ở vòng bán kết, Minh Lâm là thí sinh đậu vớt, nhưng khi tiến vào vòng chung kết, giọng ca của Lâm ngày một mượt mà hơn.

Điều đáng quý là giọng ca của Lâm hoàn toàn riêng biệt, không giống một nghệ sĩ nào mặc dù Lâm rất mến mộ các thế hệ nghệ sĩ đi trước như Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Trọng Hữu…

Có lẽ, chính sự trẻ trung và có chất giọng riêng, thể hiện tốt bài ca cổ “Lửa gần rơm”, cùng trích đoạn “Sự tích trầu cau” mà Lâm được trên 23 ngàn lượt khán giả màn ảnh bình chọn, đoạt giải Chuông vàng.

Minh Lâm phấn khởi: “Trước đây, em không nghĩ mình theo nghề hát như cha, mẹ em (Đoàn Sông Hậu 2 nay là Đoàn cải lương Tây Đô), mà cứ mong ước thành họa sĩ. Nhưng khi tốt nghiệp cấp II, em vào học ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ hai năm nay, em thấy mình rất thích học hát cải lương và đã đạt một số giải thưởng ở các cuộc thi giọng ca cải lương… Trước mắt, em đang cố gắng học hết lớp 12, rồi sau đó mới tính đến con đường ca hát”. “Em nghĩ, được khán giả gởi những niềm tin, mình càng phải phấn đấu học tập để không phụ lòng mong mỏi của nhiều người và danh hiệu giải thưởng Chuông vàng sẽ là một động lực để em cố gắng hơn nữa…” – Minh Lâm cho biết vậy.

Giang Bích Phượng: Giọng ca trưởng thành từ màu áo lính

Gặp hai “ngôi sao vọng cổ” ảnh 2

Giang Bích Phượng

Sinh ra trong một gia đình nhà nông, ở Sóc Trăng, Phượng là con gái út. Đến năm 17 tuổi, Phượng được vào Đoàn nghệ thuật Quân khu 9, được cử ra Hà Nội học chuyên ngành cải lương tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Sau khi tốt nghiệp, trở về đơn vị, Phượng cùng các anh chị mang lời ca tiếng hát của mình đi phục vụ bà con, chiến sĩ khắp mọi nơi xa xôi, hẻo lánh. Ngoài khả năng hát ca cổ, dân ca, múa, Phượng còn là “cây tấu hài” khá duyên dáng, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sĩ, bà con lao động ở vùng sâu, vùng xa.

Với sự phấn đấu không mệt mỏi và những thành quả đạt được, cách đây 3 năm, Phượng vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Ở cuộc thi “Ngôi sao vọng cổ truyền hình TPHCM 2006”, ngoài giải tư và giải do Hội đồng giám khảo báo chí bình chọn là một kết quả đẹp dành cho chiến sĩ Giang Bích Phượng và cũng là nguồn động viên rất lớn để Phượng tiếp tục dấn thân theo nghiệp cầm ca!

VÂN AN

Tin cùng chuyên mục