Gây ô nhiễm nhiều phải trả tiền cao

Ít doanh nghiệp đóng phí nước thải
Gây ô nhiễm nhiều phải trả tiền cao

Để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường, giải pháp thu phí nước thải đã được áp dụng. Tuy nhiên, việc thu phí được triển khai từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn không thể thu đúng, thu đủ. PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về vấn đề này.

Phí nước thải công nghiệp sẽ tăng 5 đến 7 lần nếu trong nước có chất thải nguy hại (Ảnh: Nước thải chưa qua xử lý từ một nhà máy ở quận Thủ Đức, TPHCM đổ ra kênh). Ảnh: CAO MINH

Phí nước thải công nghiệp sẽ tăng 5 đến 7 lần nếu trong nước có chất thải nguy hại (Ảnh: Nước thải chưa qua xử lý từ một nhà máy ở quận Thủ Đức, TPHCM đổ ra kênh). Ảnh: CAO MINH

Ít doanh nghiệp đóng phí nước thải

- Phóng viên: Được biết, sau 10 năm thực hiện thu phí nước thải, số doanh nghiệp thực hiện quy định này rất ít. Theo ông đâu là nguyên nhân?

>> Ông HÀ VĂN DŨNG: Nguyên nhân là lãnh đạo nhiều đơn vị sản xuất chưa nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thực hiện đóng phí theo quy định, nhiều đơn vị chưa tự giác kê khai hoặc kê khai không đúng với thực tế xả thải. Về phía cơ quan quản lý chưa có các quy định để xử lý đối với các đơn vị đã di dời, giải thể nhưng còn nợ phí nước thải. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm các quy định về nộp phí bảo vệ môi trường cũng chưa đủ sức răn đe các doanh nghiệp không kê khai nộp phí, kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền phí phải nộp, chậm và trốn nộp phí bảo vệ môi trường.

- Với những lý do trên, phải chăng ngân sách đang bị thất thoát do thành phố phải đầu tư các công trình xử lý nước thải nhưng lại không thể thu về nguồn phí nước thải để đảm bảo cho công tác tái đầu tư?

Theo quy định của UBND TPHCM, có hai đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp. Việc thất thoát phí nước thải chủ yếu tập trung vào nước thải công nghiệp. Bởi nước thải sinh hoạt đã được thu phí trực tiếp 10% trên hóa đơn tiền nước. Riêng đối với nước thải công nghiệp, do Chi cục Bảo vệ Môi trường thực hiện thu theo lưu lượng và nồng độ các chất ô nhiễm có trong nước thải. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng số tiền thu được so với doanh nghiệp đang hoạt động, xả thải phải đóng phí còn rất hạn chế vì chưa thể thống kê hết chủ nguồn thải là doanh nghiệp. Hoặc những doanh nghiệp có thống kê nhưng không nộp phí. Điều này có thể gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách thành phố.

Xử lý nghiêm doanh nghiệp không nộp phí

- Để khắc phục những bất cập trong công tác thu phí, đầu năm 2013, Chính phủ đã có những điều chỉnh trong quy định thu phí nước thải. Những điều chỉnh đó là gì?

Những điều chỉnh mới trong quy định thu phí nước thải lần này nhằm mục đích làm rõ hơn nguyên tắc người gây ô nhiễm nhiều hơn phải trả phí nhiều hơn. Cụ thể, trong nghị định thu phí mới có tăng mức thu phí lên 5-7 lần so với trước đây. Tuy nhiên, chỉ với những doanh nghiệp có nồng độ chất thải ô nhiễm trong nước thải cao hoặc có chất thải độc hại nhiều thì mới phải chịu mức phí cao. Ngược lại, nếu những doanh nghiệp có nồng độ chất thải trong nước thải bằng 1 hoặc không có chất thải nguy hại thì sẽ đóng phí thấp hơn, thậm chí không phải đóng phí nước thải. Điều này giúp khuyến khích doanh nghiệp ngày càng xử lý tốt hơn nước thải phát sinh trong sản xuất trước khi thải ra môi trường. Đồng thời cũng giúp chấm dứt cách thu cào bằng dựa trên tỷ lệ 10% tổng số tiền nước cấp như hiện nay. Riêng với doanh nghiệp nhỏ hoặc rất nhỏ vốn là đối tượng thường bị bỏ qua do khó xác định mức độ xả thải có thể chọn phương án đóng phí cố định.

- Liệu những điều chỉnh trên có giúp các cơ quan chức năng cải thiện những bất cập trong công tác thu phí hiện nay?

Bất cập lớn nhất trong hoạt động thu phí nước thải là cơ cấu tổ chức nhân sự thực hiện thu phí chưa hoàn thiện và số liệu thống kê doanh nghiệp thuộc đối tượng phải nộp phí chưa đầy đủ. Trong phạm vi điều chỉnh của nghị định thu phí không thể giải quyết được việc này. Tuy nhiên, để tăng cường hiệu quả công tác thu phí nước thải, ngay từ đầu năm 2013, Chi cục Bảo vệ Môi trường đã phối hợp với các UBND quận, huyện, đơn vị cung cấp nước sạch rà soát, lập danh sách. Trong đó phân loại đối tượng nộp phí cố định và phí biến đổi dựa trên nồng độ chất thải ô nhiễm thải ra môi trường; đối tượng nộp phí thuộc danh mục và không thuộc danh mục theo đúng quy định hiện hành. Kế đến, chi cục tổ chức họp phổ biến các quy định về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp cho các cán bộ quận, huyện và đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Bước đầu yêu cầu doanh nghiệp tự giác kê khai lượng nước thải xả ra môi trường. Từ đó, tạo cơ sở để thống kê, kiểm tra, từng bước hoàn thiện danh sách đối tượng phải nộp phí.

Cũng phải thấy rằng, để công tác thu phí nước thải đạt hiệu quả cao cần nâng cao nhận thức của các đơn vị trong việc thực hiện nghĩa vụ kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường. Đồng thời, thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định; sử dụng nguồn tài nguyên nước hiệu quả, đưa ra các giải pháp tiết kiệm và tái tạo, tuần hoàn nguồn nước sử dụng. Các phòng ban đơn vị thuộc các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp, khu công nghệ cao cần phối hợp chặt chẽ với Chi cục Bảo vệ Môi trường trong việc quản lý các đơn vị sản xuất đang hoạt động trên địa bàn, tăng cường công tác quản lý nhà nước với hoạt động thu nộp phí bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất, phải có các giải pháp chế tài đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp không thực hiện đúng, đủ các quy định liên quan về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục