“Gia ơi, đời xanh đấy!” - Những thi khúc của tình

La Mai Thi Gia – một cây bút không mới của làng thơ. Gọi là không mới, bởi thơ của chị đã xuất hiện trên các báo, tạp chí từ hơn 20 năm qua. Năm 2017 lần đầu chị tập hợp và cho ra mắt tập thơ “Thơ trắng”; mới đây, tháng 4.2018, “Gia ơi, đời xanh đấy!”, tập thơ thứ hai của chị cũng vừa được NXB Hội Nhà Văn ấn hành.
La Mai Thi Gia và tập thơ “Gia ơi, đời xanh đấy!”
La Mai Thi Gia và tập thơ “Gia ơi, đời xanh đấy!”

Làm thơ dường như đối với chị đó là điều bình thường và tất yếu, như công việc mà chị làm hàng ngày: nghiên cứu và đứng trên bục giảng. La Mai Thi Gia hiện là tiến sĩ – Trưởng bộ môn Văn hóa Dân gian thuộc Khoa Văn học, trường Đại học KHXH&NV TP.HCM.

Bàng bạc trong dòng chảy của "Gia ơi, đời xanh đấy!" luôn nhất quán một chữ “Tình” xuyên suốt với bao thăng trầm, niềm vui lẫn nỗi buồn của đời người.

Hai mươi năm trước, khi rời xa quê, cô sinh viên năm đầu của Khoa Văn nào đã biết điều gì đang đợi mình phía trước, nên những vần thơ đầu tiên của những tháng năm khởi tiến trong cuộc hành trình đến với tri thức, là nỗi-nhớ-quê lúc nào cũng da diết, canh cánh bên lòng (Ba ơi!/18 năm lần đầu tiên con biết nhớ/Biết thương cái giọng nói quê mùa của bè bạn đã xa). Và cô gái biết rằng, mai này khi trái tim mình sẽ rộn ràng… lạc nhịp thì, tình yêu ấy lại được mặc định, thông qua hình ảnh người đàn ông mà mình yêu thương nhất từ thời tấm bé – người Cha.

Tuổi của con chắc bằng tuổi Kiều khi gặp chàng Kim
Ba có sợ con sẽ thương ai trong một lần gặp gỡ?
Rồi con cũng sẽ yêu
Nhưng chàng Kim của con sẽ là chàng Kim xứ Quảng
Biết nói “răng ri, chi rứa” phải không ba?

(Tiếng quê)

Thật đến thế là cùng – cô hẹn với lòng mình, rằng sẽ yêu một chàng trai xứ Quảng; mà nào hay, tình yêu là “mệnh số” làm sao ai biết được ở ngày mai? Thương cha quá mà nên, thương quê quá mà nên – mà nên những vần thơ quá đổi tình và quá đổi thật như vậy.

Quê cha đất mẹ
ai ra đi mà không nhớ không thương?
Ta ra đi mà mong quay trở lại
Về với mẹ ta, cha ta, Tam Kỳ ta, Quảng Nam ta hề
Quê ơi, quê ơi!
Lũy thừa nỗi nhớ
Dâng lên ngập trời!

(Khúc ly quê)

Cái tình từ sự ly biệt những người thân được nhà thơ kết hòa vào cái tình biệt ly nơi chôn nhau cắt rốn.

Mẹ!Con đau về phía trái
Nơi chốn ngàn thương trăm nhớ dồn về
Con không thể chờ lâu thêm nữa
Ðã đến ngày về nơi con gọi là quê

(Từ những cơn đau mà hóa phận người).

Khi cái tình của người con gái xa quê tạm nguôi ngoai, ngòi bút của nhà thơ lại quay quắt với cái tình của người đàn bà, nay là mẹ của hai đứa con thơ, mà với chị đó là “Những đứa bé đẹp như thiên thần trong mắt tôi và trong trái tim tôi”.

Mỗi lúc buồn mình chỉ muốn lặng yên
Nhìn con đùa chơi rộn ràng trong sân nhỏ
Muốn làm quả bóng dưới chân con, lăn tròn trên cỏ
Chẳng có góc cạnh nào nên chắc sẽ không đau?

(Rồi cũng sẽ đến đêm)

Nỗi lòng trong “Gia ơi,…” chảy theo dòng của thời gian. Từ tình yêu của người con gái dành cho cha mẹ,… thì khi đã là mẹ, chị lại có thêm một “nơi chốn” nữa để trao gửi tình yêu: những đứa con (Muốn làm quả bóng dưới chân con, lăn tròn trên cỏ/Chẳng có góc cạnh nào nên chắc sẽ không đau?)- liệu có một tình yêu nào dành cho con mà trọn vẹn, cao cả hơn thế. Tôi tin rằng, phần lớn những bà mẹ trên thế gian này đều yêu con mình nhiều lắm, song để viết được hai câu thơ ấy, tình yêu nơi trái tim của bà-mẹ-Thi Gia chắc chắn cao rộng lắm, tràn đầy lắm, vô bờ…

Thi Gia viết về tình yêu bằng trái tim mãi dâng trào nhịp đập yêu thương. Và ở mảng tạm gọi là “thơ cho tình yêu” này, dường như lại xuất hiện một bút pháp “lạ” và gai góc – quyết liệt đến tận cùng, cuồng nhiệt đến độ tưởng chừng có thể chếnh choáng say.

Lãng du người mất hay còn?
Cõng em lên núi tìm con tim mình
Rồi ta sẽ khóc với tình
Kẻ say đâu biết lặng thinh đợi chờ

(Cạn đêm).

Nhớ thì nhớ đến tận cùng:

Tôi nhớ người, người ơi tôi nhớ
Giần giật cơn đau ở phía khôn cùng

(Tôi nhớ người tôi yêu tôi khóc)

Yêu thì yêu đến đậm say:

Yêu nào đêm ơi!
Trăng đã chực chờ đắm
Rơi vào lòng suối sâu
Ta đã chực chờ đắm
Chìm vào thiết tha nhau

(Đêm hôm ấy đầy trăng)

Thơ Gia làm rung động người đọc bởi chị viết từ chính trái tim mình, với thi pháp hiện đại mà không hề tách khỏi nguồn cội của một dòng thơ đã in sâu vào ký ức người yêu thơ.

Tình bỏ ta rồi
Tình bỏ ta rồi
Thiên thu
Mùa đi lăn lắc về miền xa xôi
Về miền xa xôi

(Chờ khô…!)

Thi pháp của “Chờ khô…!” như là tiếng vọng lại của lời than oán, tủi hờn từ một cuộc tình có hồi kết xót xa; nó vừa như lời hát ru không phải của người đưa nôi, mà là của người tiễn đưa một cuộc tình buồn, ru chính trái tim mình.

Không thể lẫn vào đâu được cái chất-thơ-xứ-Quảng nơi Thi Gia. Chính phương ngữ của người Quảng Nam nói riêng, người Miền Trung nói chung đã tạo nên một dòng thơ mang tính đặc thù, không giống với bất kỳ vùng miền nào khác.

Những từ “răng, ri, chi, rứa, mô, tê, miết…” cũng đã được mang vào thơ của Thi Gia một cách tự nhiên, làm cho thơ chị trở nên đậm chất quê Quảng mà không lạc lỏng với dòng thơ Việt.

Bé bỏng bên vai mẹ ơi
Có con sáo non ngoài hè sổ lồng sang sông bay miết
Bay miết qua dòng sông mênh mông
(Cho mẹ được sinh ra)

Hoặc:

Quê mình thương lắm bạn
Tiếng quê thì thật quê
Mái chèo cong dấu hỏi
Răng cá tôm chẳng về?

(Biết răng chừ quê ơi?)

Bên cạnh đó, Mái chèo cong dấu hỏi/Răng cá tôm chẳng về? - hai câu mà theo tôi mang tính khái quát thật xuất sắc, khi tác giả nói đến miền đất đã từ lâu cái nghèo được xem là “điển hình” cả nước; vùng đất “cày lên sỏi đá”, “chó ăn đá, gà ăn sỏi (muối)”. Cái đói khiến cho người kiếm sống trên sông nước buộc phải chèo trên dòng nước ngược, và nước xiết đến độ mái chèo (vốn thẳng) phải cong oằn, như một dấu hỏi. Để rồi kết quả của nỗi cơ cực ấy là gì? Là chính cái dấu hỏi mà tác giả đã thốt lên “răng tôm cá không về?”.

Sự vận dụng âm hưởng của ca dao, tục ngữ,… của một giảng viên chuyên ngành Văn hóa dân gian là thế mạnh trong thơ của Thi Gia. Dù chẳng có trong bài, nhưng người đọc cứ như nghe đâu đây lời mở đầu cho câu chuyện “Ngày xửa ngày xưa…”

Bà kể tôi nghe
Chuyện cây lúa còng lưng trĩu hạt
Xanh qua thời đòng đòng con gái
Nứt mình trong vỏ trấu ước mơ cơm

(Bà mãi còn trong giấc ngủ của đêm).

Nhưng câu chuyện mà nhà thơ thuật lại, là câu chuyện của một thời chưa xa lắm…

Bà nuôi cha tôi bằng những sớm sương dày
Bà gánh cả mảnh vườn xanh chân trần ra chợ bán
Từ đôi tay bà bó rau như xanh hơn
Cùng những bí bầu nuôi cha tôi lớn khôn

(Bà mãi còn trong giấc ngủ của dêm)

“Bà gánh cả mảnh vườn xanh chân trần ra chợ bán” – câu thơ làm ta nghẹt thở bởi cái tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý, không có tình nào thay thế được.

Ca dao đã đi vào trong thơ của Thi Gia ngọt ngào và tự nhiên, chắc cũng không khác gì những lúc chị đứng trên bục giảng kể cho học trò của mình nghe những câu chuyện cổ tích, đọc cho họ nghe những câu ca dao…

Gió đưa cây cải về trời
Trần gian vàng ươm bông bí
Đọa đày rau răm
Mà xanh, xanh mãi ngàn năm
Mà tươi, tươi ánh trăng rằm
Cải ơi!

(Chờ khô…!)

Còn biết bao điều mà “Gia ơi, đời xanh đấy!” đã thành lời, đã thành thơ, đã thành một món quà cho người yêu thơ muốn có. Riêng tôi, vẫn thấy ở phía trước, “bầu trời thi ca” đang rộng mở cho thơ của La Mai Thi Gia bay lên. Bởi không chỉ chị yêu thơ, làm thơ, làm thơ hay… mà dường như số phận đã an bài, từ ngày được cha mẹ đặt tên.

Gia ơi, đời xanh đấy
Người còn thương lá vàng
Cho em mầm hoa biếc
Ươm tình chờ xuân sang

Và, chẳng phải tôi, chẳng phải ai khác, mà chính chị đã tự nhủ với mình:

Gia ơi, đừng nuối tiếc
Những ngày dài hoang mang (Gia ơi, đời xanh đấy!)

Tin cùng chuyên mục