Gia tăng đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam

Những năm qua, làn sóng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng doanh nghiệp và vốn đầu tư. Tính đến cuối năm 2018, Nhật Bản dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, với 9,5 tỷ USD. Ước tính cả nước có khoảng 1.800 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động,  riêng ở TPHCM có gần 1.000 doanh nghiệp.
 Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) Ảnh: CAO THĂNG

Thị trường hấp dẫn

Theo đánh giá của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), thị trường tiêu dùng Việt Nam có tiềm năng lớn, dân số trẻ, mức tăng trưởng thương mại hàng hóa tăng đều hàng năm, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nhật mở rộng thị trường. Trên thực tế, thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư hoặc mở rộng đầu tư. Lĩnh vực đầu tư được trải dài từ chế biến thực phẩm, nông lâm thủy sản, hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử cho đến các thiết bị sản phẩm công nghiệp, xây dựng, giao thông, môi trường. Không chỉ có các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, mà hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản cũng tăng cường xúc tiến đầu tư ra nước ngoài.

Thời gian qua, các doanh nghiệp Nhật nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ và nhiều tổ chức của Nhật Bản để tăng cường đưa hàng hóa của mình ra thị trường quốc tế. Đơn cử, JETRO đã hỗ trợ chi phí quảng cáo, cung cấp thông tin thị trường và giúp kết nối với các nhà đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp Nhật bán hàng tại Việt Nam. Đây là một phần của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Nhật, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Hiện có khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đây là tỷ lệ cao so với các quốc gia khác, điều này chứng tỏ Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng. 

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Công ty Keio Denka Kougyou (hoạt động trong lĩnh vực đúc áp lực, xi mạ) cho biết, công ty đến TPHCM với mong muốn tìm đối tác gia công đúc áp lực và đánh bóng sản phẩm xi mạ, linh kiện điện tử, bộ phận bán dẫn, phụ tùng nội thất ô tô. Công ty Funatech (hoạt động trong lĩnh vực xử lý nước) cũng đang có nhu cầu tìm đối tác tại Việt Nam, các đại lý phân phối, nhà bán hàng có khả năng bảo trì, bảo dưỡng máy móc, lọc nước khử trùng bằng tia UV và các sản phẩm liên quan đến lọc nước khác. Công ty Tsukasa (hoạt động trong lĩnh vực thiết kế in ấn bao bì) cũng đang đẩy mạnh xúc tiến tìm đối tác tại Việt Nam để có thể sản xuất, thiết kế, in ấn các loại bao bì thủy tinh, gỗ… 

Đầu tư hơn nữa cho nhân lực và hạ tầng

Đại diện JETRO tại TPHCM, ông Takimoto Koji, cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản đã nêu ra 3 thuận lợi khi đầu tư vào Việt Nam. Thuận lợi đầu tiên là Việt Nam có nền chính trị và xã hội ổn định; kế đến là thị trường quy mô, nhiều tiềm năng tăng trưởng; chi phí nhân công rẻ. Tuy nhiên, ông Takimoto Koji cũng đề nghị, Chính phủ Việt Nam lẫn doanh nghiệp Việt nên chú tâm vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, vì trong tương lai, việc ứng dụng robot vào sản xuất là tất yếu, khi đó các nhà máy sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao có thể điều khiển robot. Đồng thời chú trọng hơn nữa việc đầu tư phát triển hạ tầng - nhất là giao thông, và năng lượng. 

Liên quan đến lĩnh vực này, ông Võ Tân Thành, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM, cho biết Việt Nam hiện đang cải cách mạnh để thu hút đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư trên mọi lĩnh vực như công nghệ thông tin, hạ tầng, nhà xưởng, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính, giảm thuế… Ngoài ra, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, tạo động lực thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để các nhà đầu tư, đặc biệt là giới đầu tư từ Nhật Bản, tìm đến.

Ông Võ Tân Thành cũng khuyến cáo, để có thể hợp tác bền vững được với các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt cần đẩy mạnh đầu tư cho khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến, đổi mới quy trình làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt là khắc phục tình trạng giao hàng trễ. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nữa là các doanh nghiệp cần phải kết nối, liên kết với nhau để có thể đáp ứng được nguồn cung cấp nguyên liệu cho các đối tác Nhật Bản.

Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng trong thời gian qua. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc); là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Cả hai nước đang phấn đấu, kỳ vọng kim ngạch thương mại sẽ đạt 60 tỷ USD vào năm 2020.

Tin cùng chuyên mục