Ngày 1-7, dự thảo nghị định về việc thành lập, tổ chức, quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và các quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương có sử dụng ngân sách nhà nước được gửi đến Bộ Tư pháp để thẩm định.
Theo đó, Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia và quỹ đầu tư mạo hiểm địa phương được thành lập và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, do mô hình doanh nghiệp được cho là phù hợp hơn cả, đảm bảo tính linh hoạt, minh bạch và hoạt động theo nguyên tắc "đầu tư công, quản trị tư".
Nhà nước nắm giữ tối đa 49% tổng vốn điều lệ của Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia nhằm khuyến khích thu hút vốn tư nhân, trong khi không quy định tỷ lệ tối đa này đối với quỹ địa phương để phù hợp với nhu cầu và khả năng của từng địa phương.
Dự thảo quy định vốn điều lệ của quỹ hình thành từ ngân sách nhà nước và phần góp vốn của nhà đầu tư trong nước, nước ngoài (nếu có). Phần vốn góp từ ngân sách nhà nước được cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Các khoản đầu tư không đạt kết quả mong đợi có thể được xem xét xóa khoản đầu tư hoặc ghi nhận thất bại có điều kiện. Cơ chế xử lý thất bại có thể bao gồm việc cho phép ghi nhận thất bại theo tỷ lệ tối đa không quá 30% tổng danh mục đầu tư của quỹ trong chu kỳ 5 năm.
Hàng năm, quỹ được sử dụng tối đa 5% nguồn vốn để hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Do hoạt động đầu tư mạo hiểm có yếu tố rủi ro cao, các khoản đầu tư không đạt kết quả mong đợi có thể được xem xét xóa khoản đầu tư hoặc ghi nhận thất bại có điều kiện. Cơ chế xử lý thất bại có thể bao gồm việc cho phép ghi nhận thất bại theo tỷ lệ tối đa không quá 30% tổng danh mục đầu tư của quỹ trong chu kỳ 5 năm.
Tổ chức, cá nhân quản lý, điều hành quỹ được miễn trừ trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự liên quan tổn thất đầu tư, nếu tổn thất phát sinh do rủi ro khách quan và đã tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc đầu tư, quy định nội bộ và nghĩa vụ minh bạch.
Cơ quan trình dự thảo (Bộ KH-CN) cũng cho biết, nhiều ý kiến góp ý của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo. Đơn cử, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VinaSME) và Công ty cổ phần Thinkzone đề nghị khẳng định bản chất quỹ đầu tư mạo hiểm là "công cụ tài chính thử nghiệm đặc thù", chấp nhận rủi ro có kiểm soát, và không bị chi phối hoàn toàn bởi Luật Đầu tư công.
Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu một phần bằng cách quy định quỹ hoạt động theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận rủi ro có kiểm soát và không áp dụng yêu cầu bảo toàn vốn đối với từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, các đề xuất chi tiết về "cơ chế thử nghiệm" hoặc "sandbox tài chính" sẽ được nghiên cứu đưa vào chiến lược đầu tư, điều lệ quỹ sau khi Nghị định được ban hành.