Giải trí trên nền tảng kỹ thuật số: Mở hướng đi mới

Đã qua rồi cái thời khán giả phải mòn mỏi chờ đợi để được thưởng thức các bộ phim, chương trình giải trí trên truyền hình hay ngoài rạp chiếu. Hiện nay, giải trí trên nền tảng kỹ thuật số nở rộ hơn bao giờ hết và ngày càng tiệm cận với xu hướng thịnh hành của thế giới.   
Glee Việt Nam, series phim ca nhạc đầu tiên được thực hiện và phát miễn phí trên các nền tảng kỹ thuật số. Ảnh: BHD
Glee Việt Nam, series phim ca nhạc đầu tiên được thực hiện và phát miễn phí trên các nền tảng kỹ thuật số. Ảnh: BHD
Những người tiên phong
Từ ngày 18-8, tập đầu tiên series phim ca nhạc Glee Việt Nam, làm lại từ phiên bản nổi tiếng của Mỹ được phát sóng trên các nền tảng kỹ thuật số là Danet (dịch vụ xem phim trực tuyến thuộc BHD), ZingTV (VNG) và FPT Play (FPT). 22 tập phim mùa đầu tiên có sự tham gia của dàn sao ăn khách NSƯT Thành Lộc, Đỗ An, Tú Vi, Yaya Trương Nhi, Rocker Nguyễn, Angela Phương Trinh, Hữu Vi, Cindy, Hòa Minzy, ca sĩ Bích Ngọc Idol, Thái Trinh... được phát hoàn toàn miễn phí.  
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD, cho biết: “Đầu năm 2016, tôi có tham gia một hội thảo chuyên ngành tại Pháp và nhận thấy xu thế làm phim truyền hình phát trên nền tảng kỹ thuật số đang rất thịnh hành trên thế giới. Tôi tự đặt câu hỏi, đến bao giờ Việt Nam sẽ làm được. Đó là lý do để chúng tôi quyết định mua bản quyền của Fox và thực hiện Glee Việt Nam. Nếu không bắt đầu, không biết bao giờ mới có thể thực hiện được”. Đồng quan điểm đó, đại diện đến từ ZingTV cho biết, việc kết hợp thực hiện Glee Việt Nam nhằm mở rộng phong trào sản xuất nội dung giải trí trực tuyến, cung cấp nhiều nội dung lành mạnh cho người Việt Nam.  
Trước đó, vào đầu tháng 5, diễn viên Huỳnh Lập cũng quyết định bỏ số tiền 2,5 tỷ đồng để thực hiện bộ phim Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể và phát hoàn toàn miễn phí trên YouTube. Sau hơn 3 tháng, hiện bộ phim đã thu hút hơn 32 triệu lượt xem. “Bản thân tôi vốn xuất thân từ những sản phẩm trên YouTube, khán giả biết và yêu mến cũng từ đây nên tôi muốn làm sản phẩm tri ân người hâm mộ. Tôi hy vọng Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể sẽ là món quà ý nghĩa dành tặng người hâm mộ”, Huỳnh Lập nói. Anh cũng chia sẻ không đặt nặng chuyện sẽ thu lợi nhuận từ việc phát hành miễn phí.  
Mới đây nhất, POPS Worldwide, đối tác chính thức của YouTube tại Việt Nam cũng công bố việc hợp tác với Tập đoàn TV Asahi Nhật Bản sau khi đạt thỏa thuận trở thành kênh YouTube duy nhất và đầu tiên trên thế giới chính thức phát hành bộ phim Doraemon trên nền tảng kỹ thuật số. Đây có thể xem là bước đột phá tiếp theo nhằm mang đến cho khán giả sự tiện lợi với những nội dung chất lượng. Trước đó POPS cũng là đơn vị đầu tư thực hiện nhiều nội dung và phát miễn phí cho các đối tượng từ trẻ em đến phụ nữ và khán giả nói chung thông qua các kênh: POPS Kids, Her Voice, series Mầm chồi lá, Mèo con TV...  
Xu hướng và thách thức
Theo ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc VTV Digital, hiện nay thời gian xem tivi truyền thống có xu hướng sụt giảm trong khi xem trên Internet đang gia tăng. Nhiều khán giả không còn hứng thú với xem tivi mà chọn nhiều hình thức giải trí khác như xem trên điện thoại, iPad... Ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV, ví von rằng, Internet như cơn lũ ập đến khiến doanh thu truyền hình truyền thống sụt giảm đáng kể, buộc các đơn vị không còn cách nào khác là phải chấp nhận sống chung và cạnh tranh khốc liệt.  
Trước bối cảnh đó, việc sản xuất các nội dung và phát trên nền tảng kỹ thuật số hiện nay là xu hướng tất yếu. Trên thế giới, những Net Flix, Amazon Prime... đã phát triển từ khá lâu và thành công vang dội. Ông Vũ Anh Tú, Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết, với 45 triệu thiết bị di động nhưng thị trường trong nước chưa có nội dung sản xuất riêng cho người dùng Internet. Ông Phan Thanh Giản cũng nhấn mạnh, ngày nay đã đến thời của việc sản xuất phim, các chương trình truyền hình không phải để phát trên tivi truyền thống mà trên các nền tảng kỹ thuật số.   
Xu hướng đã rất rõ rệt nhưng thách thức là không nhỏ, bởi việc đầu tư này ngay lập tức chưa thể thu về lợi nhuận. Theo đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, dù khởi động từ tháng 6 nhưng cho đến nay Glee Việt Nam mới quay được 6 tập. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì các bạn đều phải tập hát, nhảy... thật nhuần nhuyễn mới có thể vào quay. Đó còn chưa kể đến việc quy tụ ê kíp nhiều ngôi sao trẻ ăn khách nên việc bố trí lịch diễn để các bạn cùng có mặt và ghi hình cũng là vấn đề nan giải”, anh chia sẻ. 
Một thách thức khác liên quan đến vấn đề bản quyền. Ngày nay, việc bị xâm phạm bản quyền ngày càng phổ biến và tinh vi. Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, dù có rất nhiều quy định từ xử phạt hành chính, dân sự và hình sự nhưng hoạt động quản lý bản quyền hiện nay chưa bắt kịp với sự phát triển của công nghệ.
Trong số 50 trang web phim lậu được liên minh các chủ sở hữu quyền tại Việt Nam công bố vi phạm có đến 28 trang máy chủ được đặt tại nước ngoài, nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Một đại diện làm việc với YouTube cũng chia sẻ, muốn kinh doanh các nội dung trên nền tảng này phải có chuyên môn, đặc biệt cần sự am hiểu về luật để bảo vệ bản quyền cho các sản phẩm của mình, tránh tình trạng mất nhiều hơn được.

Tin cùng chuyên mục