Giảm tỷ lệ xe cá nhân xuống dưới 50%

Xe cá nhân (xe ô tô du lịch, các loại xe gắn máy…) là một trong hai thành phần xe cộ đảm bảo sự đi lại trong các thành phố (phần kia là xe công cộng). Kinh nghiệm của thế giới đã chỉ ra rằng, để giảm tắc nghẽn giao thông thì cần hạn chế tỷ lệ lưu thông của xe cá nhân trên đường xuống dưới mức 50%.

Xe cá nhân (xe ô tô du lịch, các loại xe gắn máy…) là một trong hai thành phần xe cộ đảm bảo sự đi lại trong các thành phố (phần kia là xe công cộng). Kinh nghiệm của thế giới đã chỉ ra rằng, để giảm tắc nghẽn giao thông thì cần hạn chế tỷ lệ lưu thông của xe cá nhân trên đường xuống dưới mức 50%.

  • Thiệt hại do xe cá nhân gây ra cao hơn tổng thu nhập

Tại TPHCM, xe gắn máy hai bánh chiếm tỷ lệ lưu thông trên đường khoảng 80% với 4,5 triệu chiếc so với xe ô tô khoảng 480.000 chiếc. Hầu hết chuyên gia giao thông của các nước khi tham dự những hội thảo về giải pháp bền vững cho giao thông đô thị của TPHCM, đều nhấn mạnh: Để giải quyết vấn đề giao thông ở TPHCM, nhất thiết phải giảm sự lưu thông của xe gắn máy hai bánh và xe ô tô cá nhân. Sự hoạt động của xe gắn máy hai bánh trên đường phố không tạo ra một văn hóa giao thông tốt cho cộng đồng. Tổng thiệt hại các mặt (tiêu thụ nhiên liệu nhiều, gây tai nạn, gây kẹt xe…) do xe gắn máy hai bánh gây ra hàng năm theo nghiên cứu là khoảng 1,07 tỷ USD/năm, chiếm 11,2% GDP của TPHCM, tức là cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của TPHCM hàng năm (10%). Điều này cho thấy ở một cách nhìn gián tiếp, sự sở hữu và đi lại bằng xe gắn máy hai bánh đang kéo giảm đà tăng trưởng của TPHCM. Giảm xe cá nhân nói chung hay xe gắn máy nói riêng chính là để tăng chất lượng sống của người dân thành phố.

Trong tương lai gần, lượng xe con (xe ô tô du lịch) cũng sẽ tăng lên nhanh chóng, đây cũng sẽ là một sự đe dọa tiềm ẩn ngày càng cao đến tắc nghẽn giao thông trong thành phố.

  • Muộn còn hơn không 

Xe cá nhân với những tác động xấu như đã trình bày ở trên, cần phải được hạn chế sao cho tỷ lệ tham gia giao thông trong dòng giao thông hỗn hợp xuống thấp dưới 50%.

Việc làm này nên thực hiện ngay nếu chưa nói là đã quá muộn, tuy nhiên “muộn vẫn hơn không”. Do đó TPHCM cần lập lộ trình và tùy theo từng khu vực, từng thời kỳ mà có thể áp dụng kết hợp 3 chính sách như dưới đây:

Chính sách làm hạn chế sự lưu thông của xe cá nhân trên đường bằng việc buộc xe cá nhân đóng phí lưu hành xe, phí kẹt xe, phí ô nhiễm môi trường… Đặc biệt nên giảm nhập hoặc sản xuất xe gắn máy hai bánh. Điều này cần phải được xem xét và phải có sự đồng thuận với các chiến lược khác về công nghiệp xe gắn máy, vì Nhà nước đã ban hành chiến lược sản xuất xe gắn máy của Việt Nam ở quy mô lớn vào năm 2020 là 33 triệu chiếc. Tuy nhiên, cần phải xem xét lại chiến lược này vì đến năm 2020, Việt Nam sẽ phải cơ bản trở thành một nước công nghiệp và một nước công nghiệp thì không thể đi lại bằng xe cá nhân hay nói cách khác giao thông thành phố phải có tỷ lệ công cộng hóa trên 50%.

Chính sách đi kèm đồng bộ là tăng cường giao thông công cộng. Xây dựng ngay các tuyến xe buýt nhanh BRT là loại hình giao thông công cộng hiện đại có thể chuyên chở một lượng lớn hành khách gần bằng tàu điện ngầm mà chỉ phải đầu tư với kinh phí chỉ bằng 10% và thời gian thi công rất nhanh chóng.

Tiến sĩ PHẠM XUÂN MAI (Trường Đại học Bách khoa TPHCM)

Tin cùng chuyên mục