Trường THPT chuyên: Vẫn chưa hết “lệch lạc”

Ngày 26-12, hội nghị các trường THPT chuyên năm 2009 do Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại thành phố Nam Định (Nam Định). Với một vị trí đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên là mối quan tâm lớn của ngành giáo dục cũng như xã hội. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề liên quan đến hoạt động của trường chuyên cho đến nay vẫn chưa thực sự ngã ngũ, từ quan niệm chưa đúng về mục tiêu đào tạo trong các trường THPT chuyên đến cơ chế tài chính, chính sách đối với giáo viên, HS. Đó cũng là những vấn đề nổi lên tại hội nghị.
Trường THPT chuyên: Vẫn chưa hết “lệch lạc”

Ngày 26-12, hội nghị các trường THPT chuyên năm 2009 do Bộ GD-ĐT tổ chức đã diễn ra tại thành phố Nam Định (Nam Định). Với một vị trí đặc biệt trong hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên là mối quan tâm lớn của ngành giáo dục cũng như xã hội. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề liên quan đến hoạt động của trường chuyên cho đến nay vẫn chưa thực sự ngã ngũ, từ quan niệm chưa đúng về mục tiêu đào tạo trong các trường THPT chuyên đến cơ chế tài chính, chính sách đối với giáo viên, HS. Đó cũng là những vấn đề nổi lên tại hội nghị.

  • Trường chuyên: Mới chỉ “nuôi gà chọi”?

Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, tính đến tháng 12-2009, cả nước có 67 trường THPT chuyên với 49.904 học sinh, chiếm 1,74% số HS THPT. Tỷ lệ học sinh THPT chuyên thi đỗ vào các trường ĐH-CĐ rất cao, trung bình hằng năm trên 90%.

Mục tiêu của trường chuyên được ngành GD-ĐT xác định rất rõ: phát hiện những HS có tư chất thông minh, khá giỏi nhiều môn học để bồi dưỡng trở thành những tài năng trẻ có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có khả năng tự học, nghiên cứu và sáng tạo. Hơn thế, kỳ vọng mà ngành GD-ĐT đặt ra đó là các trường chuyên sẽ là hình mẫu tương lai của các trường THPT về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và tổ chức các hoạt động giáo dục.

Tuy nhiên, đang xuất hiện một thực tế đáng lo ngại về công tác đào tạo trong các trường THPT chuyên hiện nay. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng hoạt động của các trường THPT chuyên còn nhiều bất cập như: chưa có sự nhìn nhận thống nhất về mục tiêu đào tạo. Một số trường còn quan niệm lệch lạc về trường chuyên chủ yếu chỉ để đào tạo đi thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, thi ĐH. Nhất là một số tỉnh không có học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế thì cho rằng không đạt được mục tiêu trong xây dựng trường chuyên nên không tiếp tục đầu tư. Theo thầy Phan Tuấn Cộng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương, ở hầu hết các trường THPT chuyên đều đặt mục tiêu giáo dục mũi nhọn là có HS đoạt giải quốc gia, quốc tế. Còn giáo dục đại trà là tỷ lệ HS đỗ vào các trường ĐH.

Hậu quả là cái đích mà ngành GD-ĐT đặt ra đó là giáo dục toàn diện vì thế chưa đạt được. Hạn chế đáng quan tâm nhất mà ngành GD-ĐT chỉ ra trong hoạt động của trường chuyên, đó là chưa có sự liên kết giữa việc phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu ở các trường chuyên với việc đào tạo tiếp tục ở ĐH. Nhiều HS chuyên theo học các ngành ở ĐH ít liên quan đến năng khiếu được bồi dưỡng ở trường chuyên dẫn đến kết quả học tập hạn chế, không phát huy hết được năng khiếu của HS và kết quả đào tạo của trường chuyên. Đó cũng là một sự lãng phí lớn.

Xem kết quả trúng tuyển lớp 10 Trường Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI
Xem kết quả trúng tuyển lớp 10 Trường Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM. Ảnh: MAI HẢI
  • Chương trình giảng dạy cần mang tính toàn cầu?

Không thể phủ nhận một thực tế là hiện nay, nhiều địa phương đầu tàu về giáo dục của cả nước đang triển khai nhiều đường đi riêng của mình để đạt tới mục tiêu cao nhất của trường chuyên: tạo ra những HS có năng lực cao. Trong đó phải kể đến Trường chuyên Lê Hồng Phong của TPHCM với đột phá tăng cường dạy tin học - ngoại ngữ cho HS, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, dạy các môn học bằng tiếng Anh. Hà Nội, ngoài việc đầu tư toàn diện cho các trường chuyên còn đầu tư cho các lớp không chuyên chất lượng cao bằng việc thu học phí cao. Nam Định, dù không giàu có nhưng sẵn sàng chi thỏa đáng cho HS đội tuyển và giáo viên trường chuyên để bồi dưỡng đội HS giỏi quốc gia và quốc tế mạnh nhất nước...

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, trường chuyên, để làm đúng sứ mệnh của mình, cần phải được nâng chất. “HS các trường chuyên đều là HS xuất sắc, tại sao chúng ta không xây dựng một chương trình giảng dạy cho trường chuyên mang tính toàn cầu? Làm sao để chất lượng học tập của các em có thể cạnh tranh với giáo dục nước ngoài, để thay vì phải đi du học ở nước ngoài, các em có thể du học ngay chính các trường chuyên Việt Nam. Nếu các trường chuyên không làm được điều đó, thì không bao giờ có thể làm được”, ông Phạm Văn Đại, Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội, Hiệu trưởng Trường chuyên Amtesdam (Hà Nội) đặt vấn đề.

Hiện nay, theo ông Vũ Đình Chuẩn, Bộ GD-ĐT đã soạn thảo đề án “Phát triển hệ thống trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020”. Theo đó, trong 5-10 năm tới sẽ xây dựng các trường THPT chuyên thành các mô hình mẫu mực về hoạt động chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý nhà trường tại các địa phương. Phấn đấu đến năm 2015, mỗi trường THPT hợp tác được với ít nhất một cơ sở giáo dục có uy tín ở các nước trên thế giới. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói, đầu tư cho trường chuyên sẽ không dàn trải như thời gian qua, theo đó địa phương nào hoàn thiện đề án phát triển trường chuyên trước sẽ được đầu tư trước.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục