Vấn nạn học phí cao, đào tạo kém: Cần nghiêm túc kiểm định chất lượng giáo dục

Vấn nạn học phí cao, đào tạo kém: Cần nghiêm túc kiểm định chất lượng giáo dục

Như báo SGGP đã phản ánh, với lý do chi phí đầu vào tăng, bù trượt giá, tăng mua sắm trang thiết bị… nhiều trường đại học ngoài công lập (ĐHNCL) công bố sẽ tăng học phí trong năm 2010. Điều đáng nói là, nhiều trường công bố tăng học phí lại nằm trong danh sách trường mà tỷ lệ sinh viên trên giảng viên và diện tích xây dựng đều không đạt quy định của Bộ GD-ĐT. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Minh Thuyết (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, về vấn đề này.


Thưa ông, vừa qua đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn tất chương trình giám sát các trường ĐH, kết quả ra sao?

GS-TS NGUYỄN MINH THUYẾT: Qua đợt giám sát này có thể thấy, tất cả các trường ĐH, cả công lập và NCL đều gặp khó khăn về kinh phí. Suất đầu tư/sinh viên thấp, không bảo đảm chất lượng đào tạo.

Các trường ĐH công lập hàng chục năm trời (từ năm 1998 đến 2009), mức học phí chỉ là 1,8 triệu đồng/năm, chưa đến 100 USD, trong khi các trường ĐHNCL đã thu học phí cao hơn nhiều. Điều đáng chú ý là các trường ĐH công lập, suất đầu tư/sinh viên đã thấp (trung bình Nhà nước cấp khoảng 6 triệu đồng/sinh viên), nhưng do các trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu nên thực tế suất đầu tư này còn thấp hơn nhiều, nếu tính cả học phí vào thì cũng chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng/sinh viên. Với suất đầu tư như thế thì chắc chắn là không thể tăng chất lượng đào tạo.

Qua đợt giám sát vừa rồi, chúng tôi thấy trong số các trường ĐHNCL, có một số trường như ĐH Quốc tế RMIT, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Hoa Sen... thu học phí rất cao, nhưng họ bảo đảm lực lượng mạnh, đầu tư đúng hướng, chất lượng khá bảo đảm. Tuy nhiên, nhiều trường NCL khác, học phí cao nhưng chất lượng chưa bảo đảm.

Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Văn Ngữ cho biết, theo Luật Giáo dục, các trường ngoài công lập tự quy định mức học phí trên cơ sở đảm bảo chi phí đào tạo, tương xứng với chất lượng và điều quan trọng nhất phải công khai khoản thu này để người học, cơ quan quản lý và xã hội kiểm tra, giám sát. Bộ GD-ĐT vẫn thường xuyên kiểm tra việc thu chi học phí của các trường cũng như điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo. “Sau khi trường công khai học phí, người học tự quyết định việc chọn trường”, ông Ngữ nói.

Ông suy nghĩ gì về mức học phí mà các trường ĐHNCL đã công bố cho mùa tuyển sinh năm nay trong đó kỷ lục về mức thu học phí năm học mới lên tới khoảng 15 triệu đồng/tháng (hơn 150 triệu đồng/năm)?

Các trường ĐH công lập có mức học phí quá thấp, không bảo đảm cho việc tăng chất lượng, vì vậy phải có lộ trình để tăng học phí. Đối với các trường công lập, từ năm học mới này sẽ tiếp tục được tăng học phí theo khung đã được Chính phủ công bố. Dĩ nhiên, mức tăng này phải bảo đảm tăng từ từ từng năm, không vượt quá sự chịu đựng của người dân. Đồng thời, với các trường ĐH bảo đảo chất lượng đào tạo cao sẽ được tăng học phí cao hơn.

Còn với những trường ĐHNCL, Nhà nước quy định họ được quyền quyết định mức học phí nhưng họ sẽ phải tính toán sức của mình. Mức học phí cũng phải tính, không thể tăng cao một cách vô lối. Nếu tăng học phí quá cao mà điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo kém thì sẽ không thu hút được người học. Cùng với công khai mức học phí, các trường sẽ phải công khai cả về cơ sở vật chất và chất lượng đào tạo, người học tự đánh giá, lựa chọn.

Nhưng thưa ông, giải pháp công khai học phí và chất lượng đào tạo chỉ để giúp người học lựa chọn trường, còn để các trường ĐH nâng cao suất đầu tư/sinh viên bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, không thể chỉ dừng ở đó?

Đúng thế. Qua đợt giám sát vừa rồi, Ủy ban chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành quy chuẩn về chi tiêu kinh phí của một trường ĐH. Theo đó, các trường ĐHNCL cũng sẽ phải chi tiêu đúng quy chuẩn này. Điều này sẽ tránh tình trạng các trường ĐHNCL thu học phí cao nhưng không tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo (qua giám sát phát hiện một số trường ĐHNCL thu học phí cao nhưng để đầu tư vào… bất động sản, trong khi vẫn để cơ sở vật chất trường học èo uột).

Sinh viên Khoa Cơ khí tự động và Robot Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: MAI HẢI
Sinh viên Khoa Cơ khí tự động và Robot Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: MAI HẢI

Thực tế giám sát vừa qua cũng cho thấy, phần lớn các trường ĐHNCL không dành đồng nào cho nghiên cứu khoa học. Vì vậy, quy chuẩn chi tiêu kinh phí của trường ĐH được ban hành sẽ yêu cầu các trường phải tuân thủ, chỉ khi chi tiêu đúng quy chuẩn thì trường mới được tuyển sinh. Dĩ nhiên, để thực hiện quy chuẩn này, chúng ta sẽ phải xác định rõ trường nào hoạt động vì lợi nhuận và trường nào hoạt động phi lợi nhuận để Nhà nước có cơ chế, chính sách khác nhau về đất đai, thuế…

Thưa ông, vừa qua ngành GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện “3 công khai”, rất nhiều trường dù hàng loạt tiêu chí cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo không đạt nhưng học phí vẫn cứ tăng hàng năm?

Điều này đã được nói đến nhiều lần. Học phí tăng phải bảo đảm chất lượng tăng, và để trả lời câu hỏi đó cho xã hội, cho người học, phải làm tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục, công khai cho toàn xã hội biết. Hiện nay, ngành GD-ĐT mới chỉ đang khởi động kiểm định chất lượng giáo dục, đã làm được 20 trường với cả hình thức đánh giá trong và đánh giá ngoài, nhưng kết quả cũng chưa được công bố.

Muốn giám sát chất lượng phải thực hiện kiểm định nghiêm túc, trên cơ sở kiểm định đó để xác định mức học phí bao nhiêu là vừa cho đáng đồng tiền bát gạo mà người học phải bỏ ra. Theo tôi, Hội đồng trường phải tham gia quá trình giám sát chất lượng giáo dục để tăng tính giám sát của cộng đồng dân cư. Nhưng đáng tiếc là hiện nay hầu hết các trường chưa thành lập được Hội đồng trường.

Xin cảm ơn ông!

PHAN THẢO (thực hiện)


Tin cùng chuyên mục