Giao lưu trực tuyến về cung ứng, sử dụng nước sạch

Giao lưu trực tuyến về cung ứng, sử dụng nước sạch

(SGGPO).- Hiện nay, tại TPHCM, có 83% hộ dân được sử dụng nước sạch do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) cung cấp. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch giữa các quận – huyện không đều, vẫn còn không ít hộ dân chưa được tiếp cận nguồn nước sạch. Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đã và đang ảnh hưởng đến ngành nước. Sáng nay, Ông Trần Đình Phú, Tổng giám đốc SAWACO cùng các cộng sự đã trả lời trực tuyến gần 40 câu hỏi của bạn đọc về các vấn đề: cấp nước an toàn; nâng cao số hộ dân được cấp nước sạch nhanh hơn; đẩy nhanh việc giảm tỷ lệ thất thoát nước… Sau đây là nội dung chi tiết.

Phó TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (bìa phải) tặng hoa TGĐ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) Trần Đình Phú (bìa trái). Ảnh: Việt Dũng

Phó TBT Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong (bìa phải) tặng hoa TGĐ Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) Trần Đình Phú (bìa trái). Ảnh: Việt Dũng

Ngọc Bình - Nữ - ngocbinh2008@yahoo.com - Quận 8: Công tác quản lý, kiểm soát chất lượng nước trên mạng ra sao?

Ông Trần Đình Phú: Hình thức kiểm tra, giám sát chất lượng nước: - Tự kiểm tra, giám sát (có phòng thí nghiệm tại các nhà máy nước).

- Phối hợp kiểm tra chất lượng nước tại nguồn nước, nhà máy nước, mạng lưới phân phối với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các Quận, huyện.

Tần suất kiểm tra mẫu nước:

 + Nước nguồn: 1 tháng/lần.

+ Nước tại nhà máy: liên tục theo giờ, ngày, tuần, tháng tùy theo chỉ tiêu.

+  Nước trên mạng phân phối: hàng tuần (clo dư, độ đục).

Các tuyến ống cấp nước được thi công lắp đặt mới phải đạt các yêu cầu về công tác làm sạch, kiểm tra mẫu nước ngâm clo và nước xả sạch mới có thể được đấu nối vào mạng hiện hữu.

Bảo đảm đáp ứng theo Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT _ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống.

Các giải pháp nâng cao chất lượng nước:

Hiện nay, SAWACO đã và đang triển khai thực hiện một số công tác sau:

- Đã ban hành Quy định kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng nước áp dụng đối với các nhà máy nước và trạm xử lý nước hòa vào mạng cấp nước của SAWACO, với một số chỉ tiêu có yêu cầu cao hơn so với quy định Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT.

- Đã xây dựng và đang triển khai thực hiện  “Chương trình nâng cao chất lượng nước sinh hoạt giai đoạn 2009 – 2011”.

- Tăng cường thực hiện công tác cải tạo thay thế ống cũ, mục.

- Thiết lập hệ thống quản lý vận hành tổng thể mạng lưới (kiểm soát, ghi nhận dữ liệu tự động, điều khiển và theo dõi hệ thống cấp nước): SCADA, Trung tâm điều khiển phân phối (DCC).

- Đang triển khai thử nghiệm lắp đặt các trụ nước uống tại vòi một số khu vực công cộng như: bệnh viện, trường học,…. để thời gian tới sẽ triển khai mở rộng ra nhiều địa bàn.

Phấn đấu đến năm 2015, có thể đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước uống trực tiếp tại vòi.

Thanh Xuân - Nam - thanhxuan57@yahoo.com - Nhà Bè:  Như tôi đuợc biết chất lượng nước nguồn và nước ngầm ngày càng ô nhiễm rất nặng, giải pháp khắc phục như thế nào?

Ông Trần Đình Phú: 1. Tình hình chất lượng nước sông và nước ngầm:

a. Nguồn nước sông:

Đối với nguồn nước sông Sài Gòn:

+ Hàm lượng N_NH4 và ô nhiễm hữu cơ tăng cao hiện nay có những thời điểm hàm lượng N_NH4 đạt khoảng 1mg/L.

+ Hàm lượng chất hữu cơ tăng khá cao, hiện nay nằm trong khoảng 11 -12 mg/L, vượt giới hạn tiêu chuẩn về nguồn nước dùng cho nước cấp sinh hoạt (TCVN 5942-1995) là 10 mg/L.

+ Về hàm lượng mangan khá cao hiện nay có những thời điểm hàm lượng mangan đạt tới mức 0.7mg/L vượt giới hạn tiêu chuẩn về nguồn nước dùng cho nước cấp sinh hoạt (TCVN 5942-1995) là 0.2 mg/L.

- Đối với nguồn nước sông Đồng Nai:

+ Hiện nay chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai còn khá tốt.

+ Có một vài thời điểm hàm lượng N_NH4 tăng cao.

+ Hàm lượng rong tảo của sông Đồng Nai cũng khá cao.

b. Nguồn nước ngầm:

- Nguồn nước ngầm do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn khai thác và cung cấp ổn định chất lượng.

- Đối với nguồn nước ngầm do người dân tự khai thác: Chất lượng nguồn nước không đảm bảo, chủ yếu tập trung tại một số khu vực như: khu vực gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa, Phường Tân Quý, Quận Tân Phú.

2. Giải pháp:

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành có liên quan (như: Sở Tài nguyên và Môi trường của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, tỉnh Bình Phước, tỉnh Lâm Đồng) để ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho các Nhà máy xử lý nước và thiết lập các hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng nước, nhằm phát hiện kịp thời các chất ô nhiễm nguồn nước có khả năng gây ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của Nhà máy xử lý nước.

- Hiện nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND ngày 03/05/2007 về việc ban hành Quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn Thành Phố Hồ Chí Minh. Do đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cũng đã phối hợp với các Sở ban ngành liên quan để vận động người dân hạn chế khai thác nuớc ngầm, đồng thời tiếp tục mở rộng và phát triển mạng lưới cấp nước đến các khu vực hiện đang sử dụng nguồn nước ngầm không đảm bảo chất lượng như khu vực Quận Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, 12,… (Hiện nay các khu vực có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm (Bình Hưng Hòa, khu vực phường Tân Quý).

- Tiếp tục phối hợp với Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng để tiến hành xả nước đẩy mặn trong mùa khô.

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Việt Dũng

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Việt Dũng

Minh Nhật - Nam - minhnhat28@gmail.com - Quận 8: SAWACO đã có những biện pháp gì để ứng phó với sự thay đổi của chất lượng nguồn nước thô do ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu toàn cầu?

Ông Trần Đình Phú: Do chịu ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu toàn cầu nên có một vài ngày trong năm, đặc biệt là vào mùa khô và ngày triều cường lên cao độ mặn đã vượt giới hạn cho phép (Giới hạn 250 mg/L, theo quy chuẩn số: QC01:2009/BYT). Đặc biệt là Sông Sài Gòn khu vực gần trạm nước thô Hòa Phú đã có những thời điểm trong năm 2010, độ mặn đạt mức 300 – 350 mg/L và dự báo những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 có thể độ mặn lên cao hơn nữa. Mặc dù độ mặn của nước nguồn tăng cao, nhưng SAWACO vẫn luôn đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp luôn đạt chất lượng theo quy định của nhà nước (quy chuẩn số QCVN 01:2009/BYT), do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã tiến hành các biện pháp như:

- Lắp đặt hệ thống theo dõi độ mặn online tại trạm bơm nước thô để phát hiện kịp thời diễn biến của độ mặn của nguồn nước. Phối hợp với Công ty Khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng, Ban quản lý nhà máy điện Trị An để xả nước đẩy mặn hàng năm.

- Xây dựng thêm bể chứa nước tại nhà máy nước Tân Hiệp để có thể tích trữ nước đảm bảo cung cấp nước cho toàn thành phố trong khoảng thời gian 12 giờ (dự phòng trường hợp độ mặn của nguồn quá cao, không thể lấy nước để xử lý được, trường hợp này thường xuất hiện trong khoảng thời gian tối đa 3 – 4 giờ vào ngày đỉnh điểm của triều cường).

Về lâu dài để đảm bảo an toàn việc cấp nước, Tổng Công ty đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố  Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện chương trình đảm bảo chất lượng nguồn nước, trong đó có biện pháp ngăn sự xâm nhập mặn từ nước biển vào hệ thống sông Đồng Nai.

Kim Đính - Nam - kimdinh58@gmail.com - Gò Vấp:  SAWACO đã có những biện pháp gì để giải quyết tình trạng thiếu nước trên mạng lưới cấp nước, đặc biệt là các khu vực xa nguồn?

Ông Trần Đình Phú: Do việc phát triển các tuyến ống chuyển tải, ống phân phối chưa theo kịp sự thay đổi cơ cấu đô thị và sự phát triển của một số lượng lớn đồng hồ khách hàng mới nên vào một số thời điểm trong mùa khô, tình hình cấp nước tại một số khu vực (thường xảy ra ở các khu vực cuối nguồn) vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dùng nước của người dân, cụ thể là các khu vực:

- Khu vực Quận 7, Huyện Nhà Bè.

- Khu vực Phường Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức.

- Khu vực Phường 5,6,7, 11, 12, 13, 14, 22 - Quận Bình Thạnh.

- Khu vực Phường 1- Quận Gò Vấp.

- Khu vực Phường 1, 2, 3 – Quận 8.

Để giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân trong mùa khô 2010, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã có những giải pháp sau:

Giải pháp ngắn hạn, nhằm giải quyết tạm thời tình trạng thiếu nước gồm có:

+ Vận hành công suất phát nước của tất cả các Nhà máy nước (như Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp và Nhà máy nước ngầm Tân Phú, các trạm giếng…) đến mức có thể và nằm trong giới hạn an toàn cho phép.

+ Tiến hành các biện pháp điều tiết, điều phối lượng nước nhằm tăng áp lực và lượng nước cho các khu vực có hiện tượng nước yếu, thiếu, đặc biệt là tại các khu vực cuối nguồn (khu vực Phường Phú Mỹ, Phường Bình Thuận Quận 7, Phường 5, 11, 13, 22 Quận Bình Thạnh, Phường 1 Quận 8 , Huyện Nhà Bè…).

+ Có phương án lắp đặt bơm tăng áp cho các khu vực nước yếu hoặc cuối nguồn. (hiện tại Tổng Công ty đang dùng bơm tại cầu chữ Y tăng áp cho khu vực P 1,2,3 – Quận 8, bơm tăng áp tại góc đường Phạm Hữu Lầu-Nguyễn Hữu Thọ tăng áp cho khu vực Quận 7, Huyện Nhà Bè).

+ Tăng cường cung cấp nước bằng xe bồn, xà lan (cho các khu vực Phường Phú Mỹ, Phường Bình Thuận Quận 7, Huyện Nhà Bè, Phường 13, 22 – Quận Bình Thạnh, Phường 1 – Quận 8) và có phối hợp với địa phương xác định vị trí đặt bồn hoặc vị trí tiếp nhận nước từ xe bồn, xà lan và tổ chức phân phối lại cho người dân.

- Về căn cơ lâu dài, để đảm bảo việc cấp nước ổn dịnh liên tục cho người dân Thành phố, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã có các giải pháp sau:

+ Có phương án tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn nước BOO Thủ Đức. (dự kiến khu vực Quận 7, Nhà Bè sẽ là nơi tiêu thụ chính nguồn nước BOO Thủ Đức).

+ Tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên mạng lưới cấp nước (áp lực, lưu lượng, chất lượng nước, …), tình hình hoạt động, chất lượng thiết bị trên mạng và đảm bảo vật tư, máy móc, thiết bị dự phòng nhằm ứng phó và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra trên mạng lưới, đặc biệt là các tuyến ống chuyển tải lớn.

+ Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, đặc biệt là tập trung vào các tuyến ống để giải quyết vấn đề thiếu nước cho khu vực cuối nguồn như:

- Để giải quyết tình trạng thiếu nước khu vực Phường 22 –Quận Bình Thạnh thì phải hoàn thành tuyến ống D400 Nguyễn Hữu Cảnh.

- Để giải quyết tình trạng thiếu nước khu vực Quận Bình Thạnh, Quận Gò Vấp, Quận 10 thì phải hoàn thành tuyến ống D1500 Bình Thái – Bình Lợi. 

Đẩy mạnh thực hiện công tác giảm thất thoát nước: Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã lập đề án thực hiện giảm nước không doanh thu giai đoạn 2010 – 2025 và đang triển khai thực hiện.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã lập Kế hoạch Cấp nước an toàn cho hệ thống cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh  và đang triển khai ở tất cả các đơn vị trực thuộc Tổng Công ty.

Giao lưu trực tuyến về cung ứng, sử dụng nước sạch ảnh 3

Một góc nhà máy nước BOO Thủ Đức. Ảnh: Cao Thăng

Văn Quang - Nam - vanquang58@gmail.com - Tân Bình: SAWACO đã có những biện pháp gì đảm bảo áp lực trên mạng lưới cấp nước?

Ông Trần Đình Phú: Đối với các Nhà máy nước, trạm giếng của Tổng Công ty: thường xuyên phối hợp đơn vị quản lý mạng lưới theo phân cấp trong việc kiểm tra điều tiết cho phù hợp lượng nước tiêu thụ trong mạng lưới, đảm bảo áp lực tại đầu nguồn.

Đối với mạng lưới cấp nước, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang từng bước áp dụng mô hình thủy lực và trung tâm điều khiển mạng phân phối cấp nước (DCC) để quản lý áp lực mạng lưới cấp nước, từ đó đưa ra các nhận định về tình hình hoạt động của hệ thống và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp như:

- Lập các phương án tiếp nhận và tiêu thụ các nguồn nước mới (như nguồn nước BOO Thủ Đức các giai đoạn 1,2,3).

- Triển khai thực hiện điều tiết mạng lưới cấp nước:  điều tiết 1 số điểm lấy nước đầu nguồn để đảm bảo cân bằng áp lực, chia sẻ nguồn nước cho các khu vực nước yếu và cuối nguồn.

- Đối với những khu vực quá xa nguồn, không thể điều tiết được áp lực thì Tổng Công ty tiến hành xây dựng các trạm bơm tăng áp (ví dụ: bơm tăng áp cầu Chữ Y tăng áp cho khu vực Phường 1,2,3 – Quận 8, bơm tại cầu Bà Chiêm tăng áp cục bộ cho một số khu vực Huyện Nhà Bè …).

- Nhận định tình hình hoạt động của thiết bị trên mạng lưới nhằm có kế hoạch kiểm tra, rà soát, bảo trì, bảo dưỡng trên toàn bộ mạng lưới đường ống chuyển tải (cấp 1, 2).

- Ngoài ra, trên cơ sở mô hình thủy lực: Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn xây dựng các phương án phát triển mạng lưới cấp nước để giải quyết căn cơ lâu dài cho các vùng nước yếu.

Khôi Nguyên - Nam - mattroiviet_2009@yahoo.com - Quận 3:  SAWACO đã có những biện pháp gì để cấp nước an toàn liên tục cho người dân TPHCM?

Ông Trần Đình Phú: Biện pháp đối với các nhà máy nước, trạm giếng, gồm:

* Đảm bảo hoạt động ổn định, liên tục và an toàn:

- Phối hợp với ngành Điện lực nhằm đảm bảo nguồn điện cấp cho các nhà máy nước, trạm giếng được ổn định, liên tục.

- Phối hợp với các cơ quan đơn vị chức năng để đảm bảo chất lượng nước. Theo dõi tình hình xâm mặn, đẩy mặn nguồn nước và đề xuất biện pháp xử lý.

- Đảm bảo ổn định chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn quy định của Nhà nước và của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn.

- Đảm bảo chế độ vận hành an toàn, ổn định cho nhà máy.

- Đảm bảo vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu dự phòng nhằm ứng phó và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

* Đối với các đơn vị quản lý mạng lưới cấp nước (Công ty Cổ phần, Chi nhánh, Xí nghiệp Cấp nước):

- Chủ động kiểm tra, rà soát tình hình mạng lưới cấp nước trong phạm vi trách nhiệm quản lý của đơn vị để có phương án điều phối, cân bằng áp lực mạng. Tiến hành các biện pháp điều tiết, điều phối lượng nước nhằm tăng áp lực và lượng nước cho các khu vực có hiện tượng nước yếu, thiếu, đặc biệt là tại các khu vực cuối nguồn.

- Tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên mạng lưới cấp nước (áp lực, lưu lượng, chất lượng nước, …), tình hình hoạt động, chất lượng thiết bị trên mạng nhằm phát hiện và có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời khi có các sự cố xảy ra.

- Rà soát, kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị kỹ thuật trên mạng (như hệ thống van) nhằm phát hiện, sửa chữa kịp thời và lắp đặt bổ sung, đảm bảo các thiết bị kỹ thuật này luôn trong tình trạng hoạt động tốt.

- Phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy kiểm tra tình trạng hoạt động của các trụ cứu hỏa trên địa bàn quản lý của đơn vị nhằm đảm bảo tại tất cả các trụ cứu hỏa đều có nước để phục vụ chữa cháy.

- Đảm bảo vật tư, máy móc, thiết bị dự phòng nhằm ứng phó và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra trên mạng lưới, đặc biệt là các tuyến ống chuyển tải lớn nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng đưa mạng lưới hoạt động lại bình thường.

Ngoài ra, trong trường hợp cấp bách hoặc đối với những khu vực xa nguồn, Tổng Công ty có phương án  tăng cường cung cấp nước bằng bồn chứa cố định, xe bồn, xà lan,… để bổ sung thêm lượng nước phục vụ nhu cầu của người dân và các cơ sở sản xuất kinh doanh, các cơ quan trọng yếu…

Huỳnh Minh - Nam - - Bình Tân, TPHCM:  Hiện nay, việc cấp đồng hồ nuớc vẫn còn theo cơ chế xin-cho nên rất dễ xảy ra tiêu cực mà trên thực tế tiêu cực này hoàn toàn tồn tại khi nhân viên cấp nước sách nhiễu nguời dân với câu nói cửa miệng là "thiếu vật tư - chờ", ông TGĐ nghĩ như thế nào về việc này. Xin ông cũng cho biết Sawaco sẽ cải tiến như thế nào để việc cập đồng hồ nuớc trở thành quan hệ mua và bán, như thế nó sẽ sòng phẳng với nguời dân hơn. Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Đình Phú: Hiện nay việc gắn đồng hồ nước không còn cơ chế xin- cho. Các đơn vị cấp nước thuộc SAWACO đang đi tìm khách hàng để phục vụ. Thủ tục gắn mới đồng hồ nước đã được các đơn vị trong SAWACO cải tiến rất nhiều theo hướng thuận lợi nhất cho khách hàng.

Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, ngày 11/07/2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định: “Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thỏa thuận với các đơn vị cấp nước”. Theo đó, khách hàng không phải trả chi phí lắp đặt đồng hồ nước.

* Thủ tục gắn mới đồng hồ nước hiện nay:

Đơn vị cấp nước thực hiện việc lắp đặt đồng hồ nước theo yêu cầu của khách hàng đối với các địa điểm lắp đặt đồng hồ nước thuộc phạm vi đã có mạng lưới cấp nước và không có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng về địa điểm lắp đặt đồng hồ nước theo cam kết của khách hàng.

Khách hàng có yêu cầu gắn mới đồng hồ nước liên hệ Đơn vị cấp nước theo địa bàn quản lý. Hồ sơ khách hàng nộp khi yêu cầu gắn đồng hồ nước bao gồm:

1/. Phiếu lắp đặt đồng hồ nước (có mẫu sẵn tại các Đơn vị cấp nước).

2/. Một trong những giấy tờ liên quan đến địa điểm yêu cầu lắp đặt đồng hồ nước:

- Hộ khẩu thường trú.

- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

- Hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà lập tại cơ quan công chứng Nhà nước hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện nơi có căn nhà tọa lạc, đã nộp lệ phí trước bạ và đăng ký.

- Giấy cấp nhà trong nội bộ cơ quan hoặc quyết định cấp nhà của cơ quan có thẩm quyền.

- Hợp đồng của cá nhân, tổ chức thuê nhà của Nhà nước.

- Giấy phép xây dựng nhà.

- Giấy cấp số nhà của cơ quan thẩm quyền cấp quận - huyện.

- Giấy xác nhận tạm trú của Công an phường, xã.

- Quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc bản án có hiệu lực của Tòa án công nhận quyền sở hữu, sử dụng, thừa kế nhà.

- Quyết định giao đất của cơ quan chức năng cho chủ đầu tư xây dựng công trình (trường hợp chủ đầu tư đang xây dựng công trình chưa chuyển nhượng cho người sử dụng).

Thời gian thực hiện gắn đồng hồ nước: Không quá 20 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ yêu cầu của khách hàng (không tính thời gian xin phép đào đường hoặc trường hợp có trở ngại trong thi công do khách quan). Nếu có trở ngại, Đơn vị cấp nước phải thông báo đến khách hàng lý do trở ngại.

* Một số Cải tiến trong thời gian tới:

Hiện nay, thủ tục gắn mới đồng hồ nước đã hợp lý và thuận tiện hơn cho khách hàng. Tuy nhiên, cách thức đăng ký và thời gian thực hiện còn có thể cải tiến để thuận tiện hơn đối với khách hàng. Cụ thể như:

- Phối hợp với địa phương để đăng ký gắn đồng hồ nước tập trung theo từng khu vực song song với các dự án phát triển mạng lưới.

- Kết hợp việc gắn mới đồng hồ nước với các dự án nâng cấp đô thị, dự án cải thiện môi trường.

- Các Đơn vị cấp nước trong Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đang thử nghiệm triển khai việc giải quyết các yêu cầu của khách hàng thông qua website của các đơn vị, trong đó có việc gắn mới đồng hồ nước.

Với các cải tiến như trên, thời gian trung bình gắn mới đồng hồ nước tại các Đơn vị cấp nước hiện nay đều ngắn hơn 20 ngày và đang từng bước rút ngắn hơn nữa.

Nguyễn Vũ Anh - Nam - - 481/21 Lê Đức Thọ - phường 16 - Quận Gò Vấp:  Khu vực Phường 16, Quận Gò Vấp đã có dự án cung cấp nước sạch, nhưng không biết bao giờ mới được Công ty cấp nước triển khai. Người dân chúng tôi hiện phải sử dụng nguồn nước không được đảm bảo sức khỏe vì gần khu dân cư là nghĩa trang Hoàng Mai. Ông có thể cho chúng tôi biết đến khi nào dự án cấp nước được công ty thực hiện?

Ông Trần Đình Phú: Năm 2010 SAWACO có kế hoạch thực hiện 4 dự án phát triển mạng lưới cấp nước với tổng chiều dài gần 24km, tổng kinh phí đầu tư hơn 16 tỷ đồng do Xí nghiệp Cấp nước Trung An thực hiện. Các dự án hiện nay đang xét chọn nhà thầu thi công, dự kiến sẽ khởi công trong tháng 6 năm nay.

Thắng - Nam - Hiệp Bình Phước, Thủ Đức:  Cho hỏi, khu dân cư gần cầu Đúc phường Hiệp Bình Phuớc (Thủ Đức) hiện nay phải mua nước từ xe bồn với giá 15.000 đến 30.000 đồng/ khối. Khu vực này không khoan giếng xài được vì nước ngầm bị nhiễm phèn nặng. Xin cho hỏi bao giờ khu dân cư chúng tôi có đuờng ống cấp nuớc thủy cục để xài?

Ông Trần Đình Phú: Năm 2010 SAWACO đang chuẩn bị đầu tư 3 dự án phát triển mạng lưới cấp nước tại khu vực phường Hiệp Bình Phước (Thủ Đức) với tổng chiều dài 21,5km, tổng kinh phí đầu tư hơn 15 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức thực hiện. Các dự án này dự kiến sẽ khởi công vào quý 1 năm 2011.

Ngọc Nhi - Nữ - nhingoc@yahoo.com - Bình Thạnh:  Khi nào tiếp nhận thêm nguồn nước B.O.O Thủ Đức? Tình hình cung cấp nước sẽ được cải thiện như thế nào?

Ông Trần Đình Phú: Dự kiến đến đầu tháng 6/2010, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sẽ chính thức tiếp nhận và tiêu thụ nguồn nước BOO Thủ Đức giai đoạn 2.

Theo tính toán dự kiến tổng lượng nước tiếp BOO giai đoạn 2 khoảng từ 186.000 – 197.500 m³/ngày và tùy theo tình hình thực tế có thể điều tiết sản lượng tiếp nhận cho phù hợp trong biên độ tiếp nhận 200.000m³/ngày, trực tiếp giải quyết tình trạng thiếu nước, tăng áp lực cho các khu vực như:

+ Toàn bộ khu vực Quận 7 (áp lực dự kiến đạt: 1,5 – 3,0 bar).

+ Khu vực Phường 1, 2, 3 – Quận 8 (áp lực dự kiến đạt: 0,5 – 1,5 bar).

+ Khu vực Phường 4  - Quận 4 (áp lực dự kiến đạt: 1,0 – 2,0 bar).

+ Riêng khu vực Huyện Nhà Bè, áp lực nước sẽ cải thiện so với tình hình cấp nước hiện nay, t uy nhiên, vẫn còn phải tiếp tục cấp nước bằng xe bồn và xà lan. Tình trạng thiếu nước của khu vực huyện Nhà Bè sẽ được giải quyết căn cơ khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức phát nước giai đoạn 3 với tổng công suất 300.000 m³/ngày (dự kiến vào khoảng đầu tháng  7/2010).

Ngoài ra, việc tiếp nhận nguồn nước BOO Thủ Đức giai đoạn 2 cũng sẽ góp phần gián tiếp cải thiện được tình hình cung cấp nước chung trên địa bàn thành phố,  do nguồn nước của nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp trước đây cung cấp cho một số khu vực Quận 4, 7, 8, Huyện Nhà Bè nay sẽ được điều chuyển sang cung cấp thêm cho các khu vực cuối nguồn thuộc Quận 5, 6.

Giao lưu trực tuyến về cung ứng, sử dụng nước sạch ảnh 4

Thiếu nước sạch, người dân huyện Nhà Bè phải đi tìm mua về dùng. Ảnh: Cao Thăng

Minh Ngọc - Nữ - minhngoc69@yahoo.com - Nhà Bè: SAWACO đã có những biện pháp gì để khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm?

Ông Trần Đình Phú:  Do nước sạch là một tài nguyên hữu hạn nên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã ý thức được điều đó và chủ động khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm thông qua các chương trình như:

- Các hội thảo liên quan đến việc sử dụng nước hiệu quả.

- Hội nghị về giảm nước thất thoát thất thu được tổ chức trong năm 2009.

- Hội nghị về biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến ngành cấp nước vừa được tổ chức vào ngày 21 tháng 05 năm 2010.

- Tuyên truyền, vận động người dân tiết kiệm nước, phát hiện thất thoát nước thông qua các tờ bướm gửi đến trực tiếp người dân hoặc thông qua chính quyền địa phương.

- Việc xây dựng giá nước (lũy tiến với định mức: 4 m³/người/tháng) được dựa trên nguyên tắc khuyến khích người dân sử dụng nước tiết kiệm.

- Từng bước cải tiến vật tư, thiết bị ngành nước để góp phần giảm nước thất thoát thất thu.

- Tổng Công ty đã xây dựng đề án giảm nước không doanh thu đến năm 2025 và đang triển khai thực hiện như:  Chương trình phân vùng tách mạng sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới, Chương trình giảm nước thất thoát thất thu sử dụng vốn vay ADB, các chương trình kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước ...

Tuờng Hân - Nam - han09@yahoo.com - Nhà Bè:  Đơn vị cấp nước phải đảm bảo điều kiện áp lực đến đồng hồ khách hàng là bao nhiêu?

Ông Trần Đình Phú: - Theo Quy định cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn Tp.HCM ban hành kèm theo QĐ số 20/2007/QĐ-UBND – Điều 03.

- Bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch liên tục theo tiêu chuẩn chất lượng do Nhà nước quy định, bảo đảm áp lực nước cung cấp qua đồng hồ nước khách hàng đo được tại đồng hồ vào giờ cao điểm sử dụng nước với mức tối thiểu là 0,1 bar (1 mét), trừ trường hợp bị sự cố phải đóng van cô lập đường ống, hoặc nhà máy ngưng bơm để sửa chữa, khắc phục sự cố.

Hoài Nam - Nam - Namngu58@yahoo.com - Phú Nhuận: Trường hợp khách hàng sử dụng nước ở quá xa đường ống phân phối và nằm ngoài vùng phục vụ của đơn vị cấp nước thì giải quyết ra sao?

 Ông Trần Đình Phú: Theo nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 – Điều 39:

- Điểm đấu nối phải đặt ngay sát chỉ giới sử dụng đất hoặc chân tường rào công trình của khách hàng sử dụng nước trong điều kiện cho phép.

- Trường hợp khách hàng sử dụng nước ở quá xa đường ống phân phối và nằm ngoài vùng phục vụ của đơn vị cấp nước thì phải có sự thỏa thuận giữa hai bên nhằm bảo đảm quyền lợi kinh doanh của đơn vị cấp nước.

Ngọc Bích - Nữ - ngocbich@gmail.com - Bình Thạnh:  Điều kiện để hạn chế khai thác nước ngầm? Phạm vi hạn chế khai thác nước ngầm cho đến nay?

Ông Trần Đình Phú: Khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất : Các khu vực có đường ống có khả năng cấp nước với áp lực tối thiểu 0,2 kg/cm³, lưu lượng đáp ứng yêu cầu, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn sinh hoạt.

Thực hiện theo Quyết định số 69/2007/QĐ-UBND ngày 03 tháng 05 năm 2007 về việc hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM, định kỳ hàng năm (tháng 9) Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sau khi rà soát hệ thống cấp nước sẽ cung cấp cho Sở Tài nguyên & Môi trường TPHCM các khu vực đảm bảo cấp nước (đảm bảo lưu lượng và áp lực cung cấp theo quy định này).

Đến nay đã đảm bảo khả năng cấp nước 176/282 phường/xã thuộc 21/24 Quận/huyện và đã chuyển Sở Tài nguyên & Môi trường Tp.HCM để bổ sung vào danh mục hạn chế, cấm khai thác nước dưới đất.

Việt Tấn - Nam - vietnguyen@gmail.com - Tân Phú:  Khi có sự cố về nước (mất nước, đường ống bị bể, rò rỉ,…) tôi liên hệ những ai?

Ông
Trần Đình Phú: Vui lòng gọi theo các số điện thoại sau:

- Quận 1, Quận 3 (Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành) (trừ Phường 12, 13, 14): 38.256.022; 38.297.147; 38.268.600

- Quận 2, 9, Thủ Đức (Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức): 38.960.240; 38.972.604

- Quận 4, 7, Huyện Nhà Bè (Công ty Cổ phần Cấp nước Nhà Bè): 54.122.511

- Quận 5, 6, 8, Bình Tân, Huyện Bình Chánh (Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn): 38.556.169

- Quận 10, 11, Quận Tân Phú (Phường Phú Trung) (Công ty Cổ phần Cấp nước Phú Hòa Tân): 38.960.240; 38.972.604

- Quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp (Phường 1), Quận 3 (Phường 12, 13, 14) (Công ty Cổ phần Cấp nước Gia Định): 38.416.468

- Quận Tân Bình, Tân Phú (trừ Phường Phú Trung) (Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa): 39.555.840

- Quận 12, Gò Vấp (trừ Phường 1) (Xí nghiệp Cấp nước Trung An): 35.883.474

Nhứt Minh - Nam - minhhuynh@gmail.com - quận 8: Tổng Công ty có kế hoạch gì để đáp ứng nhu cầu về nước sạch của người dân thành phố trong năm 2010?

Ông Trần Đình Phú:Đến cuối năm 2009, có 1.034.156 hộ dân sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước của SAWACO, đạt  tỷ lệ 83,76%. Trong năm 2010, Tổng Công ty dự kiến nâng tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch lên 85%, tương ứng 1.100.000 hộ dân sử dụng nước sạch.

Để đạt tỷ lệ trên, Tổng Công ty có kế hoạch đầu tư phát triển gần 44km đường ống cấp 1, 2 và 373km đường ống cấp 3, phục vụ gắn mới hơn 60.000 đồng hồ nước, nhằm tiếp nhận và tiêu thụ hết công suất 300.000 m³/ngày của Nhà máy nước BOO Thủ Đức. Bên cạnh đó, Tổng Công ty cò đầu tư 42km tuyến ống truyền dẫn nước sạch cho huyện Cần Giờ và 44 km đường ống cấp 1, cấp 2 tiếp nhận nước Nhà máy nước Kênh Đông.

Ngô Dung - Nữ - Dungngo81@yahoo.com - Nhà Bè: Hiện nay người dân tại các khu vực quận 7, 8, Nhà Bè, tuy có được tiếp cận với nguồn nước của SAWACO nhưng lượng nước cấp còn quá thấp; SAWACO giải quyết vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Đình Phú: Tổng Công ty đã có kế hoạch cấp nước 5 năm tới (giai đoạn 2011-2015), phát triển thêm các nhà máy sản xuất nước để tăng nguồn nước sạch và phát triển thêm hệ thống đường ống cấp nước để đưa nước sạch đến người dân, đặc biệt là các khu vực chưa được cung cấp đầy đủ như quận 7, 8, 12, Tân Phú, Gò Vấp, Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh.

Theo đó, đến năm 2015 tổng công suất phát nước đạt 2.400.000 m³/ngày, tăng thêm 60% so công suất phát nước hiện nay. Nguồn nước này được bổ sung từ các nhà máy sau:

- Mua sỉ của Nhà máy nước Kênh Đông: công suất 150.000 m³/ngày, cung cấp nước cho khu vực Tân Phú, Bình Chánh, Quận 12, Hóc Môn và Long An.

- Nhà máy nước Thủ Đức giai đoạn III: công suất 300.000 m³/ngày, cung cấp nước cho khu vực Quận, 2, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Nhà Bè, Cần Giờ.

- Nhà máy nước Tân Hiệp giai đoạn 2: công suất 300.000 m³/ngày, cung cấp cho khu vực Bình Tân, Bình Chánh, Tân Bình, Tân Phú, Quận 12, Hóc Môn.

Về kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước, Tổng Công ty dự kiến phát triển 193km đường ống cấp 1, 2 và 1.200 km đường ống cấp 3. Tổng vốn đầu tư nguồn và mạng cấp nước dự kiến gần 12.000 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch đến cuối năm 2015, đạt 92% và lượng nước cấp sinh hoạt cũng được tăng lên bình quân 152 lít/người/ngày (tăng 25% so với 120 lít/người/ngày hiện nay). Cụ thể ở các khu vực nội thành, ngoại thành như sau:

- Nội thành cũ: 100% - 180 lít/người/ngày.

- Nội thành mới: 90% - 145 lít/người/ngày.

- Ngoại thành: 80% - 100 lít/người/ngày.

Giao lưu trực tuyến về cung ứng, sử dụng nước sạch ảnh 5

Quang cảnh buổi giao lưu sáng nay. Ảnh: Việt Dũng

Mạnh Cuờng - Nam - cuongnguyen@yahoo.com.vn - Nhà Bè:  SAWACO làm gì để nâng tầm phát triển ngành nước của thành phố ngang với các nước trong khu vực?

Ông Trần Đình Phú: Tổng Công ty đã xây dựng các chương trình mục tiêu, phấn đấu trong 5 năm tới đưa ngành nước thành phố là đơn vị dẫn đầu trong cả nước về cấp nước sạch, chia sẽ và trợ lực cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tiến đến ngang tầm với các nước trong khu vực.

Đó là: - Chương trình cấp nước an toàn, phát triển sản xuất, ổn định chất lượng nước và giảm nước thất thoát thất thu: cấp nước an toàn, liên tục; phát triển sản xuất đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng nước sạch; chất lượng nước đảm bảo tuyệt đối nước cung cấp sau xử lý đạt các chỉ tiêu quy định của Bộ Y tế, tiến đến uống nước trực tiếp tại vòi; nghiên cứu áp dụng công nghệ mới cùng với việc thay mới hầu hết đường ống cũ để nâng cao chất lượng nước với tiêu chuẩn cao hơn…

- Chương trình phát triển khách hàng, cải thiện chất lượng dịch vụ: tập trung phát triển khách hàng các khu vực đô thị mới, vùng ven: quận 2, 9, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp. Đẩy mạnh phát triển mạng và nâng cao một mức hộ dân được cấp nước sạch vùng xa như Hóc môn, Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, quận 12; chất lượng dịch vụ được cải thiện qua thủ tục, thời gian giải quyết khiếu nại, hồ sơ lắp đặt đồng hồ nước, sửa bể, khắc phục sai số đồng hồ, quy định về đọc số, cách thu tiền nước, đền bù thiệt hại do lỗi của ngành nước. Thực hiện đúng cam kết nước cấp không gián đoạn (trừ bất khả kháng và khách quan), đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo áp lực tối thiểu.

- Chương trình phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa ngành nước: Đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung đội ngũ cán bộ cho Tổng Công ty. Theo đó, các lĩnh vực chuyên môn cần tập trung đào tạo và tăng cường nhân lực trong 5 – 10 năm tới là:

+ Kỹ sư và chuyên viên công nghệ thông tin.

+ Kỹ sư và  chuyên viên điều khiển tự động.

+ Kỹ sư công nghệ hóa – sinh.

+ Kỹ sư cấp nước.

+ Quản trị doanh nghiệp.

+ Kỹ sư và nhân viên quản lý dự án.

+ Kế toán trưởng doanh nghiệp và chuyên viên kế toán – tài chánh.

+ Đặc biệt cần đào tạo nhanh và bố trí công việc cho đội ngũ Caretakers – là những người quản lý hệ thống cấp nước khu vực; giữ vai trò trọng yếu trong công tác, kiểm soát hệ thống mạng, duy tu, bảo trì, chống thất thoát nước.

Hiện đại hóa ngành nước:

+  Ứng dụng công nghệ và vật liệu mới trong xử lý nước và vận hành hệ thống mạng cấp nước cùng việc áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, phần mềm trong quản lý; thực hiện kế hoạch hiện đại hóa các nhà máy xử lý nước Thủ Đức, Tân Hiệp như sử dụng hệ thống SCADA điều hành sản xuất; vận hành các máy biến tần, đảm bảo chế độ bơm tiết kiệm điện, tự động hóa các khâu châm hóa chất; áp dụng các nguyên liệu hóa chất mới trong xử lý nước; trang bị các thiết bị mới cho phòng thí nghiệm đạt các chuẩn khu vực.

+  Đưa vào hoạt động trung tâm điều khiển tự động hệ thống cấp nước, khắc phục tình trạng áp lực thất thường, kiểm soát rò rỉ chống thất thoát nước, nâng cao khả năng ứng phó, xữ lý nhanh sự cố, đáp ứng yêu cầu khách hàng kịp thời hơn; nghiên cứu, áp dụng các vật liệu ống, nhất là mạng cấp 3, ống ngành vừa có tuổi thọ cao, vừa đảm bảo chất lượng nước và đặc biệt giảm nước thất thoát.

+  Nâng cấp hệ thống kiểm định đồng hồ đo nước đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chương trình hợp tác liên kết, nâng cao năng lực, tăng cường thể chế cho Tổng Công ty: tiếp tục duy trì, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế một cách thực chất, có hiệu quả, phát huy kết quả đã đạt được trong 5 năm qua và nâng lên mức cao hơn trong nhiệm kỳ. Chú trọng các chương trình, hợp tác, liên kết đầu tư; đào tạo nhân lực; nâng cao chất lượng nước; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chiến lược, phát triển Tổng Công ty. Vận hành thông suốt mô hình tổ chức mới công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với bộ máy được xây dựng, cấu trúc theo hướng “ tinh, chuyên, nhanh và hiệu quả”.

Thu Ha - Nam - donglamxanh@yahoo.com - TPHCM: Nhà máy nuớc BOO Thủ Đức đã cung cấp nước cả năm nay, nhưng đến nay nguời dân Nhà Bè chúng tôi vẫn chưa đuợc dùng nuớc sạch. Tôi nhớ trước đây lãnh đạo SAWACO hứa chậm nhất năm nay sẽ có nuớc cho chúng tôi. Tôi xin hỏi lại trong năm nay, nước sạch có thể phủ kín Nhà Bè được không?

Ông Trần Đình Phú: Dự kiến giữa tháng 6-2010, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sẽ chính thức tiếp nhận và tiêu thụ nguồn nước BOO Thủ Đức giai đoạn 2.

Theo tính toán dự kiến tổng lượng nước tiếp BOO giai đoạn 2 khoảng từ 186.000 - 197.500 m³/ngày và tùy theo tình hình thực tế có thể điều tiết sản lượng tiếp nhận cho phù hợp trong biên độ tiếp nhận 200.000m³/ngày, trực tiếp giải quyết tình trạng thiếu nước, tăng áp lực cho các khu vực như:

+ Toàn bộ khu vực quận 7 (áp lực dự kiến đạt: 1,5 - 3,0 bar).

+ Khu vực phường 1, 2, 3 - quận 8 (áp lực dự kiến đạt: 0,5 - 1,5 bar).

+ Khu vực phường 4 - quận 4 (áp lực dự kiến đạt: 1,0 - 2,0 bar).

+ Riêng khu vực huyện Nhà Bè, áp lực nước sẽ cải thiện so với tình hình cấp nước hiện nay, tuy nhiên, vẫn còn phải tiếp tục cấp nước bằng xe bồn và xà lan. Tình trạng thiếu nước của khu vực huyện Nhà Bè sẽ được giải quyết căn cơ khi Nhà máy nước BOO Thủ Đức phát nước giai đoạn 3 với tổng công suất 300.000m³/ngày.

Ngoài ra, việc tiếp nhận nguồn nước BOO Thủ Đức giai đoạn 2 cũng sẽ góp phần gián tiếp cải thiện được tình hình cung cấp nước chung trên địa bàn thành phố, do nguồn nước của Nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp trước đây cung cấp cho một số khu vực quận 4, 7, 8, huyện Nhà Bè nay sẽ được điều chuyển sang cung cấp thêm cho các khu vực cuối nguồn thuộc quận 5, 6.

Lực - Nam 30 tuổi - vongaluc@gmail.com - P15 Q8:  Xin cho hỏi : gần đây tại khu vực nhà em đang ở nuớc bị vàng, đục. Hiện tượng này xảy ra gần 2 tháng nay, có phải do nguồn nước không đủ? Xin cám ơn.

Ông Trần Đình Phú: Hiện tượng nước vàng đục cục bộ một thời gian ngắn và hết sau khi súc xả khoảng 15 phút do nhiều nguyên nhân khác nhau (như do xáo trộn thủy lực mạng lưới khi vận hành nhà máy trở lại sau khi ngưng nước, bể ống đường ống, bơm rút nước tại các khu vực áp lực thấp...) nhưng không phải do nguyên nhân không đủ nguồn nước.

Riêng vấn đề cụ thể của bạn, nếu hiện tượng nước vàng đục liên tục trong một thời gian dài nên liên hệ trực tiếp: Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn: Địa chỉ: 97 Phạm Hữu Chí - Quận 5; Điện thoại: 38.556.169 để được giải quyết.

Thu Ha - Nam - donglamxanh@yahoo.com - TPHCM:  Hiện nay tại Bình Tân, nước nhà tôi khoảng vài ngày lại bị đục vàng hoặc đen (khoảng 2- 4g ), cho tôi hỏi nguyên nhân vì sao và các biện pháp khắc phục?.


Ông Trần Đình Phú: Hiện tượng nước vàng đục cục bộ một thời gian ngắn và hết sau khi súc xả khoảng 15 phút do nhiều nguyên nhân khác nhau (như do xáo trộn thủy lực mạng lưới khi vận hành nhà máy trở lại sau khi ngưng nước, bể ống đường ống, bơm rút nước tại các khu vực áp lực thấp...).

Riêng vấn đề cụ thể của bạn, nếu hiện tượng nước vàng đục liên tục trong một thời gian dài nên liên hệ trực tiếp:


+ Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn:
Địa chỉ: 97 Phạm Hữu Chí - Quận 5; Điện thoại: 38.556.169... để được giải quyết.

Hồng Hạnh - Nữ - honghanh_75@yahoo.com:  Ông có thể cho biết khi nào thì dự án nuớc Cần Giờ phát nước?

Ông Trần Đình Phú: Theo tiến độ kế hoạch, dự kiến cuối năm 2010 dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ sẽ hoàn tất.

Thu Ha - Nam - donglamxanh@yahoo.com - TPHCM: Cho tôi hỏi: Tôi có hộ khẩu tại TPHCM, hiện đang thuê nhà ở Bình Tân, tôi phải làm những gì để được hưởng định mức nước?

Ông Trần Đình Phú: Các thủ tục để hưởng định mức nước sinh họat chúng tôi vừa trả lời bạn đọc. Riêng trường hợp của bạn, xin liên hệ Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn, số 97 Phạm Hữu Chí , quận 5. Số điện thọai 38556169 để được giải quyết.

NGUYỄN TUẤN - Nam 32 tuổi - tuanguyen_hcm@yahoo.com.vn - Q. Thủ Đức:  1. Thưa ông Trần Đình Phú, hiện tại nguồn cung cấp nước cho các Nhà máy nước bao gồm: Sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và nguồn nước ngầm - theo thông tin trên các phương tiện truyền thông thì nước sông Đồng nai, sông Sài Gòn đang bị ô nhiễm và nhiễm mặn. Còn nước ngầm bị hạn chế khai thác. Xin ông cho biết SAWACO đã có kế hoạch gì để cung cấp nước đảm bảo về chất lượng, số lượng nước cấp cho người dân TP?.

2. Theo thông tin thì hiện nay SAWACO đang thiếu vốn để đầu tư phát triển mạng và nguồn nước, trong khi Chính phủ và UBND TP. Hồ Chí Minh đã có chủ trương "xã hội hoá" cung cấp nước nước sạch. Vậy SAWACO có ủng hộ chủ trương kêu gọi các nguồn vốn và phương án cấp nước từ các nhà đầu tư khác?.

3. Hiện nay, theo báo cáo của SAWACO, tỷ lệ thất thoát nước là 30-40%, với công suất cấp là trên 1,2 triệu m³/ngày thì lượng nước thất thoát tương đượng với công suất của NMN BOO Thủ Đức. Vì sao SAWACO đến nay vấn đề này chưa được tập trung giải quyết vấn đề thất thoát nước để tăng lượng nước dùng và giảm thiệt hại ?

Ông Trần Đình Phú: Về các câu hỏi của anh tôi xin trả lời như sau:

1. Tổng công ty đã xây dựng chương trình và kế hoạch cấp nước an toàn. Theo đó, để quản lý chất lượng nước nguồn và nước cấp, một số biện pháp chính đã được triển khai như sau:

- Thiết lập các hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng nước, trong đó có chỉ số đo độ nhiễm mặn.

- Phối hợp với công ty Khai thác thủy lợi hồ Dầu Tiếng để xả nước đẩy mặn hàng năm.

- Xây dựng thêm bể chứa nước tại nhà máy nước Tân Hiệp để có thể tích trữ nước dự phòng trong khoảng thời gian 12 tiếng.

- Thực hiện kiểm tra mẫu nước theo tần suất:

 - Nước nguồn: 1 tháng/1 lần.

 - Nước tại nhà máy: Theo giờ.

 - Nước trên mạng phân phối: hàng tuần.

Công tác này được phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng thành phố và các quận - huyện.

- Tăng cường thực hiện công tác cải tạo, phát triển mạng lưới đường ống.

- Xây dựng hệ thống điều khiển tự động để kiểm soát áp lực và chất lượng nước.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường để thực hiện quyết định số 69/2007/QĐ-UBND ngày 03/05/2007 về việc ban hành quy định hạn chế và cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TPHCM.

- Kiến nghị với UBNDTP và các ban ngành có các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn và xử lý các  tác nhân gây ô nhiễm sông Đồng Nai và sông Sài gòn.

2. Theo kế hoạch phát triển cấp nước giai đoạn 2010-2015, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 12 ngàn tỷ đồng. Trong đó khả năng của Sawaco tự cân đối khoảng 23% (khoảng 2.800 tỷ đồng). Phần còn lại phải huy động từ các nguồn lực khác, trong đó, vốn liên doanh, liên kết khoảng 22% (2.570 tỷ đồng), vốn vay ODA và tín dụng khoảng 42% (gần 5 ngàn tỷ đồng).

Cũng cần nói thêm, hiện tại Tổng công ty đang thực hiện các hợp đồng mua bán sĩ nước sạch với các đối tác theo hình thức xã hội hóa: BOT Bình An, BOO nước Thủ Đức, một số công ty cấp nước tư nhân, chiếm gần 27% tổng lượng nước do Sawaco cung cấp cho thành phố. Dự kiến, Sawaco sẽ thực hiện hình thức liên doanh, liên kết để xây dựng nhà máy Thủ Đức 3, nhà máy Tân Hiệp 2 (300 ngàn m³/ngày/1 nhà máy), cùng một số dự án mạng đường ống cấp nước.

3. Sawaco khẳng định giảm nước thất thoát, thất thu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu phải tập trung thực hiện. Theo đó, chúng tôi đã xây dựng một đề án với mục tiêu và lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2025. Thực hiện đề án này cần kinh phí, nhân lực và thời gian. Chúng tôi xây dựng chương trình ngắn hạn hằng năm và các biện pháp cơ bản lâu dài. Dự kiến cần đến 5.700 tỷ đồng để thực hiện 3 giai đoạn giảm nước thất thoát, thất thu:

- Giai đoạn 2009-2010: kiềm hãm ở mức 39-40%.

- Giai đoạn 2010-2015: Hạ tỷ lệ nước thất thoát, thất thu còn 30-32%.

- Giai đoạn 2015-2025: Tỷ lệ nước thất thoát, thất thu còn 25%.

Tuy nhiên, nếu có điều kiện thuận lợi thì sẽ hạ thấp hơn các mức tỷ lệ trên, khoảng từ 1-2% nữa.

Sawaco đã tổ chức thí điểm tại phường 25 - quận Bình Thạnh; phường Thảo Điền - quận 2 đều cho kết quả giảm nước thất thoát, thất thu khả quan.

Riêng trong năm 2009, toàn Tổng công ty giảm được khoảng 1,4% so với năm 2008 và 4 tháng đầu năm 2010 giảm được 1,7% so với cuối năm 2009. Nếu duy trì được kết quả này thì có thể thực hiện được các mục tiêu đã đề ra trong các giai đoạn nói trên.

Thu Ha - Nam - donglamxanh@yahoo.com - TPHCM: Xin cho tôi hỏi, hiện nay do thiếu nước, nhiều nơi người dân phải khoan nước ngầm để dùng, công ty CN có làm tham mưu (trên website của CTCN) các khu vực tầng nước tốt xấu, độ sâu, chất lượng nước để người dân tham khảo không?

Ông Trần Đình Phú: Hiện nay Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh chuyên ngành cấp nước nên không quản lý và có số liệu về các tầng nước tốt xấu, độ sâu, chất lượng nước để cung cấp cho bạn tham khảo như yêu cầu.

Vấn đề bạn quan tâm có thể liên hệ Sở Tài Nguyên Môi trường (Địa chỉ 63 Lý Tự Trọng) để được hướng dẫn

Thu Ha - Nam - donglamxanh@yahoo.com - TPHCM: Thưa ông, việc lắp đồng hồ nước là miễn phí cho người dân, nhưng mới đây một nguời hàng xóm của tôi lắp chi phí hết 1,5 triệu đồng. Xin hỏi việc thu như vậy đúng hay không?

Ông Trần Đình Phú: Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11- 7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định: "Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ nước do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thỏa thuận với các đơn vị cấp nước".

Trường hợp của bạn nêu cần cụ thể hơn về địa chỉ và điều kiện lắp đặt để chúng tôi trả lời thỏa đáng.

linh dan - Nữ - honghiep0592@yahoo.com:  Khu vực nhà tôi ở là hẻm 110, Phường13, Quận Gò Vấp, nhiều năm nay chưa có nước sạch, Sawaco dự kiến năm 2010 sẽ gắn bao nhiêu đồng hồ, cụ thể những khu vực nào để người dân chúng tôi biết không phải mỏi cổ chờ nữa?.

Ông Trần Đình Phú: Xí nghiệp Cấp nước Trung An đã chuẩn bị đầu tư dự án phát triển mạng lưới cấp nước tại phường 13, quận Gò Vấp. Dự kiến lắp đặt 2,7km đường ống, gắn mới khoảng 500 đồng hồ nước trong năm 2011.

Nguyễn Vũ Anh - Nam -Quangtrungle29@yahoo.com - 481/21 Lê Đức Thọ Phường 16, quận Gò Vấp: - SAWACO để thất thoát tỷ lệ nước rất lớn, làm thiệt hại ngân sách NN và thiệt hại cho nhu cầu tiêu dùng xã hội, nhưng lại tăng giá nước, bắt người tiêu dùng phải trả nợ thay, làm như vậy có đúng không?.

Ông Trần Đình Phú: Với hệ thống đường ống cấp nước đã quá cũ, nhiều năm qua Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã có nhiều giải pháp nỗ lực kiềm hãm và kiểm soát thất thoát nước. Thất thoát nước luôn là vấn đề song hành với doanh nghiệp cấp nước, để giảm thất thoát nước cần hội đủ các điều kiện về tài chính, về nhân lực và thời gian. Ngay cả khi có nguồn lực tài chính và đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm cũng không thể giảm ngay lập tức thất thoát nước. Đồng thời, khi đã đạt được kết quả giảm thất thoát nước hiệu quả, nếu không tiếp tục đầu tư thì tỷ lệ thất thoát nước lập tức sẽ tăng trở lại.

Theo Thông tư liên tịch số 95/2009/TTLT-BTC-BXD-BNN, ngày 19/05/2009 của Liên bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn, tỷ lệ thất thoát nước được đưa vào giá nước như sau:

– Đối với toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng dưới 10 năm: 25%

– Đối với toàn bộ mạng cấp nước để tiêu thụ đã đưa vào sử dụng từ 10 năm trở lên: 33%

– Trường hợp mạng cấp nước để tiêu thụ được đưa vào sử dụng có thời gian xen lẫn (gồm cả mạng cấp nước dưới 10 năm và mạng cấp nước từ 10 năm trở lên): 29%

Mạng tiêu thụ cấp nước thành phố được đưa vào sử dụng có thời gian xen lẫn dưới 10 năm và từ 10 trở lên, theo quy định nêu trên thì tỷ lệ thất thoát nước được đưa vào giá nước là 29% nhưng tỷ lệ thất thoát nước mà Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đưa vào tính giá bán nước sạch cho năm 2010 là 28% (thấp hơn so với mức cho phép nêu trên).

Phần chênh lệch với tỷ lệ thất thoát nước thực tế, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn phải có biện pháp để khắc phục. Cần nói thêm, phương án giá nước của Sawaco đề xuất dựa trên các quy định hiện hành và được các Sở ngành chức năng do UBNDTP giao nhiệm vụ thẩm định và trình duyệt.

Như vậy, tỷ lệ nước thất thoát, thất thu được đưa vào giá bán hiện nay còn thấp hơn mức cho phép 1%.

Quang - Nam - quận Tân Bình: Hộ ghép có xin được đồng hồ nuớc riêng theo cùng một địa chỉ nhà không?.

Ông Trần Đình Phú: Theo quy định của Nhà nước đối với đối tượng sử dụng nước sinh họat mỗi địa chỉ nhà khách hàng đơn vị cấp nước chỉ gắn đặt 01 đồng hồ nước. Trường hợp nhiều hộ sử dụng chung một đồng hồ nước vẫn đuợc tính định mức cho tất cả các nhân khẩu sử dụng chung.

Thanh Hoa - Nam - phamthanhhop@yahoo.com: Giá nước đã tăng nhưng chất lượng nước tại khu vực tôi ở đường Lê Đức Thọ, Gò Vấp hay bị vàng đục, nhưng Sawaco vẫn thu tiền như quy định. Vậy có công bằng và hợp lý không? nếu Sawaco không đảm bảo chất lượng nước tốt, liệu Sawaco có bị chế tài gì?.

Ông Trần Đình Phú:  Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn luôn quan tâm đảm bảo chất lượng nước sạch đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, do hệ thống đường ống cũ, khi xảy ra sự cố dẫn đến mất nước, làm áp lực nước thay đổi, các mảng bám trong đường ống bong tróc, gây nước đục. Khi phát hiện hiện tượng nước đục, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn sẽ tiến hành súc xả ngay và xác định khối lượng nước đục cần phải xả bỏ để trừ vào lượng tiêu thụ của khách hàng trong kỳ hoá đơn, nếu việc xả bỏ này được thực hiện sau đồng hồ nước khách hàng. 

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn xác định không tính tiền đối với lượng nước đục. Nếu xảy ra hiện tượng nước đục, Tổng Công ty sẽ phối hợp với địa phương để xác định khu vực và số ngày nước bị đục để khấu trừ lượng nước đục cho khách hàng theo nguyên tắc trung bình tiêu thụ trong kỳ hoá đơn xảy ra hiện tượng nước đục. Nếu hiện tượng nước đục xảy ra tại từng địa chỉ riêng lẻ, Quý khách hàng thông báo đến Đơn vị phân phối nước để phối hợp cùng Đơn vị phân phối nước xác định số ngày nước đục làm cơ sở khấu trừ tiền nước theo nguyên tắc nêu trên.

Truơng Thanh Nghị - Nam 61 tuổi - truongthanhnghi@gmail.com - 66/13 Đuờng 26/3 - P Bình hưng Hoà - Q. Bình Tân: Xin ông vui lòng cho chúng tôi đuợc biết: Bao giờ dân ở đuờng 26/3 - Phuờng Bình hưng Hoà - Quận Bình Tân đuợc dùng nuớc của quý Công ty. Cám ơn ông.

Ông Trần Đình Phú: Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn đang tiến hành mời thầu chọn đơn vị thi công lắp đặt hệ thống cấp nước tại khu vực này, dự kiến sẽ khởi công vào quý 3 năm 2010.

Lạc Thủy - Nữ - nguoibuongio_79@yahoo.com:  Nguồn nuớc sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm, đặc biệt tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh huởng đáng kể đến nhà máy nước Tân Hiệp (dự án Sông Sài Gòn giai đoạn 1), Sawaco có nên tìm nguồn nước khác (thay vì phải mở rộng Nhà máy nuớc Tân Hiệp lên giai đoạn 2, 3) hay có biện pháp gì để khử ô nhiễm?

Ông Trần Đình Phú: Mời bạn tham khảo phần trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Tuấn ở trên.

Ngoài ra, chúng tôi thông tin thêm, hiện nay theo quy hoạch SAWACO dự kiến sẽ tổ chức nghiên cứu khai thác bổ sung thêm 2 nguồn nước mới từ:

+ Hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh).

+ Hồ Trị An (Đồng Nai).

Thanh Phuơng - Nam - phuong88426@yahoo.com.vn - quận Tân Phú: Vì sao đuờng Nguyễn Sơn và hẻm nhà tôi chỉ cách nhau có một dãy nhà mặt tiền mà đuờng cấp nuớc cũng không đi tới đuợc?

Ông Trần Đình Phú: Do câu hỏi của bạn chưa đầy đủ thông tin về địa chỉ cụ thể nên chúng tôi chưa thể trả lời ngay được.

Vấn đề bạn quan tâm vui lòng liên hệ: Chi nhánh Cấp nước Tân Hòa; Địa chỉ: 95 Phạm Hữu Chí-Quận 5; Điện thoại: 39.555.840 để được giải quyết.

Ảnh: Việt Dũng

Ảnh: Việt Dũng

Ông Trần Đình Phú: Chương trình giao lưu trực tuyến về "Cung ứng, sử dụng nước sạch" trong buổi sáng nay đã nhận được hàng trăm câu hỏi của bạn đọc liên quan đến nhiều vấn đề, từ những vấn đề cụ thể đến những vấn đề chung liên quan đến quy hoạch và phát triển cấp nước. Vì thời gian có hạn nên những câu hỏi chưa trả lời được trong chương trình chúng tôi sẽ trả lời trên website của sawaco theo địa chỉ www.sawaco.com.vn.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, Sawaco xác định nhiệm vụ của mình là phát triển để phục vụ tốt hơn. Chúng tôi trân trọng cảm ơn tất cả bạn đọc đã quan tâm theo dõi và tham gia giao lưu trực tuyến hôm nay. Mong các bạn luôn đồng hành cùng Sawaco.

Báo SGGP: Xin chân thành cảm ơn ông Trần Đình Phú và các chuyên viên Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã tham gia trả lời bạn đọc. Chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi của bạn đọc.

SGGPO

Tin cùng chuyên mục