Gỡ khó cho 2 khu công nghệ cao

Khu Công nghệ cao TPHCM và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) là 2 khu công nghệ cao lớn nhất nước, luôn được kỳ vọng tạo ra những giá trị lớn về kinh tế lẫn giá trị công nghệ. Năm 2018, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) lần đầu tiên gặp phải trở ngại khi kêu gọi đầu tư, trong khi đó Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc chỉ vừa vượt qua khó khăn… 

SHTP bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư 

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, năm 2018 khu đã nỗ lực kêu gọi đầu tư. SHTP tiếp xúc tại chỗ 81 trường hợp bao gồm nhà đầu tư, đơn vị tư vấn đầu tư và tổ chức xúc tiến đầu tư quốc tế đến tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư, hợp tác.

Trong đó, nhóm ngành sản xuất công nghệ cao được quan tâm nhiều nhất chiếm 49,38%, R&D chiếm 25,92% và còn lại là nhóm ngành thương mại - dịch vụ và phát triển hạ tầng. Các nhà đầu tư đa số tập trung ở Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… 

Song song đó, SHTP còn tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư chung của Trung ương và TPHCM, tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Gỡ khó cho 2 khu công nghệ cao ảnh 1 Một góc Khu Công nghệ cao TPHCM. ẢNH: T.BA
Đoàn đến Hàn Quốc để khảo sát Công ty Hanam Network, tham gia phát triển chương trình nguồn nhân lực Kitech và mời tham gia Mems Forum tại TPHCM.

Tại Malaysia, SHTP trao đổi với các đối tác, tổ chức từ châu Âu, Đài Loan về khả năng hợp tác xúc tiến đầu tư lĩnh vực vi mạch bán dẫn; tham gia Mems Forum tại sự kiện Semicon Southeast Asia 2018 và tham gia các diễn đàn về công nghệ, triển lãm công nghệ.

Tại Nhật Bản, làm việc với Công ty Allied Telesis, khảo sát mô hình Trung tâm thương mại Abeno Harukas (mô hình của Viện Nghiên cứu khoa học sự sống và Bệnh viện CNC), trao đổi khả năng hợp tác đào tạo cho các dự án Nidec.

Tại Hoa Kỳ, đoàn làm việc với Công ty Microchip, Công ty MD 24, Nhà đầu tư Quantus Biomed, Công ty Chungwa Telecom Group, Công ty American Portwell Technology và khảo sát địa điểm tại bang California để thực hiện đề án Trung tâm Kết nối khởi nghiệp sáng tạo và thu hút đầu tư trong lĩnh vực CNC tại thị trường Bắc Mỹ.

Mặc dù đã tiếp xúc và hoàn tác các hồ sơ, thủ tục cho khoảng 20 dự án trong nước (vốn thu hút khoảng 100 triệu USD), 15 dự án FDI (vốn đầu tư 600 triệu USD) và dự kiến sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2018 theo mục tiêu đề ra, nhưng do vướng mắc về việc chưa có giá thuê đất mới theo quy định tại Nghị định 35/2017, trong khi việc áp dụng tạm giá đất cũ cũng không thể thực hiện được vì phải báo cáo theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước, nên giá trị thu hút đầu tư trong năm sụt giảm đáng kể và chỉ đạt 25% - 30% chỉ tiêu kế hoạch.

“SHTP đã bỏ lỡ nhiều cơ hội thu hút đầu tư dự án có quy mô lớn do không còn quỹ đất và chưa kịp ban hành giá thuê đất mới trong SHTP, nên dự uớc tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả năm 2018 là 150 triệu USD, chỉ đạt 41,7% so với kế hoạch đề ra 600 triệu USD”, ông Lê Hoài Quốc cho biết.

Hòa Lạc vừa bước qua khó khăn

Năm 2019, cơ sở hạ tầng của Khu CNC Hòa Lạc (Hà Nội) mới được hoàn thành. Khu tập trung vào công tác thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư; đồng thời phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của khu.

Trong năm 2018 đã có 10 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 15.855 tỷ đồng trên diện tích 39ha. Như vậy, tính đến nay, đã có 87 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Khu CNC Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư đăng ký là 78.000 tỷ đồng trên diện tích 365ha. 

Sáng nhất trong năm có thể kể đến Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc và Tập đoàn Vingroup trong việc đầu tư và phát triển Khu CNC Hòa Lạc.

Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020 và tầm nhìn đến 2025, Tập đoàn Vingroup sẽ đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc để sản xuất các sản phẩm có hàm lượng CNC.

Ngay sau đó, Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã tổ chức trao quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Nghiên cứu và sản xuất VinSmart (Tập đoàn Vingroup) để thực hiện dự án “Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh tại Khu CNC Hòa Lạc”.

Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.200 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động vào quý 2-2019. Hay đầu tháng 12 vừa qua, tại Khu CNC Hòa Lạc, Nhà máy sản xuất động cơ máy bay Hanwha Aero Engines của Hàn Quốc đã khánh thành sau hơn 1 năm xây dựng với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD, dự kiến sẽ xuất xưởng sản phẩm đầu tiên vào tháng 1-2019…

Với Hòa Lạc, cũng cần nhìn thấy sau gần 20 năm đầu tư nhỏ giọt, giải phóng mặt bằng “da báo”... thì từ năm 2014-2015, Chính phủ, các bộ/ngành và UBND TP Hà Nội đã tập trung quyết liệt để giải quyết, hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 1.300ha/1.500ha ở Khu CNC Hòa Lạc.

Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản đã tài trợ khoảng 200 triệu USD từ nguồn vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu CNC Hòa Lạc. Có thể nói, “Khu CNC Hòa Lạc đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, tiến tới tương lai sẽ làm tốt”, theo nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Quỳnh, Phó Trưởng ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, trong năm 2018, Ban quản lý còn gặp nhiều khó khăn như thiếu nhân sự, vốn cho công tác giải phóng mặt bằng chưa được bố trí, chưa ban hành kịp thời một số văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Nghị định 74/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu CNC Hòa Lạc. 

Như vậy, SHTP thì vướng mắc về tình trạng chưa có giá thuê đất mới; còn Khu CNC Hòa Lạc thì cần những văn bản theo thẩm quyền để triển khai thực hiện Nghị định 74/2017. Những vấn đề này cần các bộ/ngành phải vào cuộc đồng bộ, giải quyết rốt ráo các kiến nghị của ban quản lý 2 khu CNC và các nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy nhanh các hoạt động đầu tư, sản xuất, sớm đưa các sản phẩm CNC ra thị trường; tạo cơ hội cho 2 khu CNC phát triển trong năm tới.

Tin cùng chuyên mục