Hàng không tăng trưởng nóng

Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngành hàng không nước ta đã có tốc độ phát triển 2 con số trong suốt 10 năm qua.
Hành khách chờ cân hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hành khách chờ cân hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: THÀNH TRÍ

 Năm 2018, sản lượng hành khách đạt 106 triệu lượt, tăng 12,9% so với năm 2017. Dự kiến năm 2019, lượng hành khách qua 21 cảng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đang khai thác sẽ đạt hơn 112 triệu khách, nếu tính cả Cảng hàng không Vân Đồn (do tư nhân đầu tư) sẽ thêm khoảng 200.000 khách. 

Giá rẻ bứt phá

Sân bay Tân Sơn Nhất vào những ngày đầu tháng 6-2019 cực kỳ nhộn nhịp. Đây là những ngày hè đầu tiên và nhiều gia đình đã nhanh chóng đưa các con đi nghỉ. Khu làm thủ tục của hãng VietJet đông kín người. Với nhiều chương trình khuyến mãi như bay khắp châu Á với giá vé chỉ từ 0 đồng, được mua trả góp vé máy bay…, hãng hàng không này đang thu hút được lượng lớn khách là những gia đình có thu nhập trung bình. Khu làm thủ tục của Vietnam Airlines cũng đông đúc không kém.

Là hãng hàng không 4 sao nhưng Vietnam Airlines có chủ trương “giá bán phù hợp”, nên vẫn có nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, thu hút được nhiều hành khách có mức thu nhập khác nhau. Đặc biệt, một liên doanh của Vietnam Airlines với Jetstar là hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cũng đang có bứt phá mạnh với nhiều chương trình khuyến mãi. Mới đây nhất, hãng này khai trương chương trình ưu đãi trong mùa hè 2019 cho những hành khách đi cùng gia đình có từ 4 người trở lên, trong đó có trẻ em từ 2 - 12 tuổi, đi du lịch trên 2 đường bay mới giữa Thanh Hóa, Vinh và Đà Nẵng sẽ được hoàn lại tiền vé cho một hành khách, áp dụng cho cả hành trình một chiều hoặc khứ hồi. Hãng hàng không mới ra đời Bamboo Airways hiện khai thác được 14 tuyến bay với gần 40 chuyến bay/ngày, tỷ lệ hành khách lấp đầy chuyến bay đạt 80% -90%. 

Đáng nói, sự tăng trưởng này không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở thị trường nước ngoài. Riêng trong quý 1-2019, VietJet đã mở thêm 4 đường bay quốc tế và tỷ trọng doanh thu ở các đường bay này đã vượt qua doanh thu nội địa, đạt 55% trên tổng doanh thu vận tải hàng không. Bamboo đặt mục tiêu đến cuối năm 2019, hoặc chậm lắm đầu năm 2020, mở đường bay thẳng tới Mỹ.

Nỗi lo về hạ tầng

Theo ông Phạm Văn Hảo, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nếu so với tỷ lệ tăng trưởng chung của hàng không thế giới, tốc độ tăng trưởng của hàng không Việt Nam hiện nay có thể coi là nóng. Tuy nhiên, với đặc thù thị trường hơn 90 triệu dân, GDP tăng trưởng ổn định, mức tăng trưởng này hoàn toàn phù hợp với các đánh giá, dự báo của các tổ chức, doanh nghiệp hàng không lớn trên thế giới như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), Boeing… Đây là tín hiệu mừng cho ngành hàng không nói riêng và cho ngành giao thông Việt Nam nói chung. Hàng không giá rẻ tăng trưởng mạnh đã giúp nhiều người thu nhập trung bình có cơ hội được đi lại thuận tiện hơn. 

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của hạ tầng kỹ thuật đi kèm liệu có kịp tốc độ tăng trưởng về sản lượng hành khách của ngành hàng không? Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, tính chung toàn mạng thì chưa phải quá tải, nhưng có sự quá tải ở một số sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, nhất là vào giai đoạn cao điểm, khung giờ cao điểm. Đơn vị này cũng cho biết, Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương như Hà Nội, TPHCM đã có nhiều nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu ACV phân bổ giờ bay cho hài hòa, tăng cường bay đêm để giảm tải giờ cao điểm, trang bị thêm các thiết bị, ứng dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa hoạt động tại các cảng hàng không. Đồng thời, xúc tiến các dự án mở rộng, nâng cấp các cảng hàng không như xây mới Nhà ga T3, mở rộng và nâng cấp công suất sân bay Nội Bài lên 80 - 100 triệu hành khách/năm. 

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang tiếp tục rà soát toàn bộ quy định, quy trình, quy chế để đảm bảo cho nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư trong lĩnh vực hàng không. Cơ quan này xác định quan điểm, muốn phát triển bền vững phải đảm bảo an toàn, an ninh tốt nhất, không chỉ tuân thủ quy định trong nước mà còn phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về an ninh, an toàn không của ICAO và cả các nhà chức trách hàng không nước ngoài.

Để giải quyết quá tải giao thông cho sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM đã triển khai nhiều dự án mở rộng, cải tạo đường khu vực xung quanh sân bay. Cụ thể, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình); cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long; nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa). 

ACV cũng đang triển khai xây dựng Nhà ga T3 trong sân bay Tân Sơn Nhất cùng các công trình hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để phục vụ hành khách nội địa, đảm bảo đáp ứng công suất 20 triệu hành khách/năm, qua đó giúp nâng tổng công suất của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt 50 triệu hành khách/năm. Dự kiến, Nhà ga T3 với 2 cao trình được xây dựng cao 3 tầng, 10 cầu ống dẫn khách với tổng diện tích sàn khoảng 100.000m2, các hạng mục như một phần sân đậu máy bay, đường giao thông nội cảng, nhà để xe cao tầng, các công trình phụ trợ như nhà cơ điện, trạm cấp nước, trạm xử lý nước thải…

Tin cùng chuyên mục