Hiện tượng thời tiết luôn bất ngờ, không được lơ là

Tại Hội nghị phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ của các hiện tượng thời tiết và chỉ đạo các cơ quan chức năng không được chủ quan, phải luôn trong tình trạng ứng phó, nhất là khi vào giai đoạn cao điểm. 
Hiện tượng thời tiết luôn bất ngờ, không được lơ là
* Nam bộ sắp vào giai đoạn mưa chuyển mùa
Tại Hội nghị phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh đến yếu tố bất ngờ của các hiện tượng thời tiết (bão, lũ, lốc xoáy, triều cường...) và chỉ đạo các cơ quan chức năng không được chủ quan, lơ là, phải luôn trong tình trạng ứng phó, nhất là khi vào giai đoạn cao điểm. Việc diễn tập, phối hợp thường xuyên sẽ hữu ích trong cơ chế vận hành thực tế. Khi xảy ra các sự cố do thiên tai, lãnh đạo địa phương là người chịu trách nhiệm, ứng phó kịp thời theo phương châm “3 sẵn sàng, 5 tại chỗ”. Các địa phương, sở ngành cần cập nhật lại trang thiết bị phục vụ phòng chống thiên tai, kiểm tra đê bao, xác định các điểm xung yếu, những địa điểm có thể di dời... cũng như phối hợp VNPT trang bị điện thoại vệ tinh.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, năm 2018 có khoảng 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có khoảng 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào những tháng cuối mùa (tháng 10, 11, 12), ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ. Trong khi đó, ở hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai, đỉnh triều cao hơn báo động 3 khoảng 0,15m - 0,20m, tại Phú An ở mức 1,65m - 1,70m.
Năm 2017, trong số 16 cơn bão ảnh hưởng nước ta (cao nhất từ trước đến nay), có 3 cơn bão đe dọa đến huyện Cần Giờ là bão số 12, 14 và 16. Có 3 đợt lốc xoáy (làm hư hỏng 3 nhà; tốc mái 288 căn, 12 trường học và 281 phòng trọ; hư hại 7 ô tô, ngã đổ 392 cây xanh và 30 trụ điện), 9 đợt triều cường (đợt triều cường đầu tháng 12 đạt mốc lịch sử 1,71m tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn), 14 vụ sạt lở bờ sông tại các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh và quận 12; làm thiệt hại hơn 5.500m2 đất, 215m kè đá, hư hỏng 11 căn nhà... 
* Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mưa chuyển mùa nhiều khả năng xuất hiện vào khoảng giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, với vài đợt mưa kéo dài trên diện rộng. Hầu hết các nơi có mùa mưa bắt đầu từ ngày 5 đến 15-5, nhưng một số nơi như Bắc khu vực Đông Nam bộ, vùng ven biển mùa mưa sớm hơn. Riêng TPHCM mùa mưa bắt đầu vào khoảng ngày 5 đến 15-5, nhưng huyện Cần Giờ có thể muộn hơn. 
Như vậy mùa mưa năm nay xấp xỉ hoặc muộn hơn ít ngày so với trung bình nhiều năm. Cần đề phòng hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa rất to xảy ra thời đoạn ngắn; dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá vào thời kỳ chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.  

Tin cùng chuyên mục