Để thành phố sạch, ý thức mỗi người là cốt lõi

“Bỏ đại vỏ chai ở đây nha chị ba”. “Sao lại bỏ rác ra đường!”. “Hôm trước má cũng bỏ vậy, má bảo chỗ này sẵn có rác, mình bỏ để người ta hốt luôn”...

Chúng tôi tình cờ nghe được 2 đứa trẻ tranh luận về việc xả rác ra đường và thầm nghĩ, trong trường học, chắc chắn các cháu đều được dạy cách bỏ rác đúng nơi quy định. Song đâu đó trong cuộc sống, khi người lớn không làm gương, vô hình trung sẽ khiến con trẻ bắt chước những hành vi chưa đúng.

Khi Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, được ban hành, ở đâu cũng nhắc đến việc xả rác đúng nơi quy định, khuyến khích sử dụng sản phẩm tái chế, thậm chí các phong trào tặng thùng rác, tặng túi rác để phân loại rác tại nguồn... được triển khai rầm rộ. Nhưng rồi, tất cả đều “hụt hơi”...

Từ cuối năm 2019, UBND TPHCM yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp tại TPHCM phải hạn chế dùng nước uống đóng chai, sử dụng các vật dụng có thể dùng nhiều lần, thân thiện môi trường. Các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, trường học, cơ sở y tế trên địa bàn được yêu cầu không dùng ly nhựa, ống hút nhựa... trong tất cả hoạt động hàng ngày. Từ năm 2020, Sở Tài chính TPHCM đã không bố trí kinh phí cho các khoản chi trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp để mua những sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, việc dùng nước uống đóng chai tại một số cơ quan nhà nước đang có dấu hiệu trở lại. Ở nhiều hội nghị tại một số quận, huyện, nước uống đóng chai được đặt trên mặt bàn đại biểu hoặc bàn phía ngoài hội trường.

Tại một số hội chợ, lễ hội tổ chức mới đây tại TPHCM, các đại biểu, khách mời cũng được cung cấp nước uống đóng chai... Đặc biệt, sau dịch Covid-19, các sản phẩm dùng một lần càng bùng phát mạnh hơn. Theo Nghị định 45 của Chính phủ, chỉ với hành vi bỏ đầu, tàn thuốc không đúng nơi quy định đã bị xử phạt từ 100.000-150.000 đồng. Còn hành vi vứt rác trên vỉa hè, lòng đường; thải bỏ chất thải nhựa vào kênh rạch bị phạt từ 1-2 triệu đồng. Mức phạt là không nhỏ, song vì việc xử phạt chưa quyết liệt nên hiệu quả đạt được vẫn chưa cao.

Có ý kiến cho rằng, cần mở rộng hơn nữa lực lượng xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường đến tận cơ sở, ứng dụng mạnh mẽ hệ thống camera an ninh để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm, cán bộ công chức, viên chức phải nêu gương... Chỉ khi mọi người thượng tôn pháp luật, mỗi người tự nâng cao ý thức và trách nhiệm thì một thành phố xanh - sạch mới có kỳ vọng thành hiện thực!

Tin cùng chuyên mục