
Vào Sài Gòn với hai bàn tay trắng, cuộc mưu sinh của Hồ Quốc Thống bắt đầu bằng chuỗi ngày lang thang trên mọi nẻo đường Sài Gòn, vấp ngã và đướng dậy...
- Gian nan “giấc mộng Sài Gòn”

Gia đình Hồ Quốc Thống ở Quảng Ngãi, nhà nghèo, làm ruộng quanh năm mà không đủ ăn nên lên lớp 6, Thống phải nghỉ học vì gia đình không lo nổi tiền đóng học phí. Phận làm anh lớn khiến Thống nghĩ đến trách nhiệm gánh vác gia đình nên cứ day dứt ý nghĩ tìm cách thoát khỏi cái nghèo khó đang đeo bám gia đình và những người dân ở quê. Thấy bạn bè lần lượt vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai, tuy làm nghề bán báo, bán vé số nhưng cũng kiếm được khoản tiền nhỏ giúp đỡ gia đình nên trong mắt Thống lúc bấy giờ, Sài Gòn như miền đất hứa.
Năm 2000, Thống theo người cậu ruột vào Sài Gòn và “em không ngờ kiếm sống ở đây khổ đến vậy vì mình chẳng có trình độ, chẳng có gì trong tay, cũng chẳng biết sẽ làm gì” - Thống kể. Thống ở chung với gia đình người cậu trong căn phòng trọ tồi tàn ở một xóm nghèo tại quận 3, người cậu làm nghề mua bán ve chai còn Thống lãnh vé số đi bán dạo. Nhưng một năm sau, vợ người cậu mất ở quê, thế là ông dẫn con cái trở về quê. Thống bắt đầu những ngày đơn thân ở Sài Gòn.
Không nhà, không nghề nghiệp, không tiền bạc, Thống gia nhập “đội quân” bán báo dạo với đa số là người miền Trung cho một đại lý báo trên đường Kỳ Đồng (Q3). Cậu được chủ bao chỗ ở, được trả công 20.000-30.000 đồng/ngày, tùy lúc bán đắt hay ế. Mùa mưa bán ế, Thống hay bị chủ cằn nhằn nên làm được 8 tháng, cậu ra ngoài thuê nhà chung với đám bạn đường phố và theo nghề “đụng”, nghĩa là đụng đâu làm đó, miễn có tiền.
Sau vài tháng đứng bán kính chiếu hậu trên đường Điện Biên Phủ, đến lúc việc buôn bán không có “ăn” như trước nữa, Thống theo một ông chú đồng hương đi phụ hồ ở các công trình xây dựng. Hết chuyền gạch đến trộn hồ rồi vác xi-măng, thân hình còm nhom của Thống có khi phải chất mấy bao xi-măng nặng đến 50kg lên tận lầu 4, lầu 5. Công việc quá cực nhọc so với tuổi 15 nên Thống đổ bệnh nhiều lần. Bám nghề phụ hồ khoảng 6 tháng, chịu hết xiết, Thống theo bạn bè chuyển sang đánh giày. Giao du với bạn bè là trẻ đường phố, thói tật của cuộc sống đường phố ngấm dần vào Thống, cậu cũng kết băng nhóm, đi trộm cắp, hít hàng trắng… Cuộc đời trước mắt Thống lúc bấy giờ được cậu gói gọn trong mười hai chữ: “Quá khứ đau buồn, hiện tại chán nản, tương lai mù mịt”.
- Studio của những giấc mơ
Cuộc sống đường phố xô đẩy Thống vào những cạm bẫy nhưng cũng chính nó đã run rủi dẫn cậu đến một lối thoát. Vào tháng 6-2003, Thống tình cờ gặp một thiếu niên đánh giày tên Long (quê ở Bắc Ninh) ngụ ở mái ấm Tre xanh, Long rủ cậu đi học nhiếp ảnh do Hội bảo trợ trẻ em đường phố mở ở Thị Nghè. Ham vui, Thống đăng ký học cho biết. Mỗi sáng, Thống đi xe buýt xuống Thị Nghè học nhiếp ảnh, chiều về đi đánh giày. Khóa học kéo dài 3 tháng, Thống càng học càng thấy nghề nhiếp ảnh thú vị, rồi cậu chứng kiến sự thành công của Long với khoản tiền kha khá nhờ làm việc tại các studio.
Ngay sau đó, Thống quyết định vào ở hẳn tại mái ấm trên đường Trần Bình Trọng (Q. Bình Thạnh) của dự án “Trẻ lớn hội nhập nghề nghiệp” (thuộc một tổ chức phi chính phủ của Thụy Sĩ) và toàn tâm toàn ý theo nghề nhiếp ảnh. Sau đó, Thống được gửi đến studio Cát Vàng (Q5) để học việc. Cậu miệt mài trong phòng studio 10 tiếng/ngày, học hỏi các kỹ thuật chụp ảnh, xử lý ảnh và chỉ trong 6 tháng, Thống đã thạo nghề, được nhận vào làm với mức lương 1.200.000 đồng/tháng, thay vì mất 2 năm học việc theo hợp đồng quy định. Kiếm được tiền, Thống ra khỏi dự án, cậu mua chiếc xe máy Trung Quốc và đi làm ở các studio khác với mức lương cao hơn.
Năm 2005, Thống về quê thăm gia đình sau 5 năm ở đất khách và tự hào gửi cho ba mẹ những đồng tiền lao động chính đáng của mình. Tháng 6-2005, Thống gom góp tiền mua một máy vi tính và quay về mái ấm trước đây. Thống thổ lộ: “Nhờ mái ấm này em đã trưởng thành, có nghề trong tay, có cuộc sống tương đối ổn nhưng còn gì hay hơn là mình được giúp nhiều người sống tốt như mình”. Thế là Thống nghiễm nhiên trở thành “anh giáo trẻ” truyền nghề nhiếp ảnh cho đàn em ở mái ấm này. 10 học viên ở mái ấm được Thống dạy nghề đã đi làm bên ngoài với mức lương khá và tự mình trang trải cuộc sống.
Năm 2006, Thống cùng một người bạn ở mái ấm thuê căn phòng trong hẻm đường Nơ Trang Long (Q. Bình Thạnh), mở xưởng nhận gia công hình ảnh cho các studio đồng thời cũng là nơi tiếp nhận trẻ từ mái ấm về học nghề và làm việc. Làm gia công mãi cũng chán nhưng số vốn ít ỏi không thể giúp Thống và bạn bè có một tiệm studio khang trang của riêng mình. Cứ tưởng điều đó chỉ là giấc mơ nhưng thật may mắn, sau lần nhận danh hiệu “Công dân trẻ TPHCM năm 2006”, Thống được một số anh chị Thành đoàn TPHCM gợi ý vay vốn của quỹ “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” thuộc Hội Liên hiệp thanh niên TPHCM. Thống mừng húm, hì hục viết dự án xin vay và đề án của cậu được chấp thuận cho vay 87 triệu đồng.
Tháng 4-2007, studio “Dreams” ra đời ở số 40H Nguyễn Ảnh Thủ (Q12) trong niềm vui hân hoan của Thống và những thanh niên mái ấm ngày nào với các dịch vụ: chụp ảnh cưới, chụp studio, gia công ảnh, ép gỗ, trang điểm nghệ thuật... Ngôi nhà được thuê nguyên căn, rộng rãi và sạch đẹp vừa đủ chỗ cho 12 con người đồng cảnh ngộ trú ngụ vừa là tiệm studio khang trang nhất nhì ở khu vực này. Với Thống, studio “Dreams” - studio “Những giấc mơ” sẽ là nơi mà những bạn trẻ chung cảnh ngộ như cậu bắt đầu thực hiện những giấc mơ đổi đời.
Năm nay, Thống chỉ 21 tuổi, thời gian còn dài để người bạn trẻ này đeo đuổi nhiều giấc mơ khác trong đời mình.
HỒNG LOAN