Hội nghị SOM ARF: Tăng cường hợp tác trên biển

Ngày 8-5, trong khuôn khổ các cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Luang Prabang (Lào), đã diễn ra cuộc họp SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của 27 thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và nhiều đối tác lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU).
Hội nghị SOM ARF: Tăng cường hợp tác trên biển

Ngày 8-5, trong khuôn khổ các cuộc họp Quan chức Cao cấp (SOM) Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tổ chức tại Luang Prabang (Lào), đã diễn ra cuộc họp SOM Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) với sự tham dự của 27 thành viên, trong đó có 10 nước ASEAN và nhiều đối tác lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU).

Các đại biểu tham dự SOM Diễn đàn Khu vục ASEAN (ARF) chụp ảnh chung

Xây dựng lòng tin

Hội nghị SOM ARF lần này tập trung đánh giá triển khai các hoạt động hợp tác trong năm giữa kỳ 2015-2016, chuẩn bị các hoạt động hợp tác cho năm giữa kỳ tiếp theo và bàn cách thức tăng cường và định hướng tương lai ARF, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế. Dịp này, cuộc họp cũng bàn công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF lần thứ 23 sẽ diễn ra tại Lào vào cuối tháng 7-2016. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam làm trưởng đoàn đã tham dự.

Về định hướng tương lai của ARF, các bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy ARF chuyển sang giai đoạn ngoại giao phòng ngừa, trong khi tiếp tục các biện pháp xây dựng lòng tin để đóng góp thiết thực vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các tranh chấp; đồng thời nâng cao hiệu quả của ARF để tiếp tục đóng góp thực chất vào việc xử lý các thách thức an ninh ngày càng phức tạp ở khu vực, đồng thời tăng cường phối hợp và bổ trợ giữa ARF với các cơ chế khác do ASEAN dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF).  

Cuộc họp ghi nhận các hoạt động hợp tác đã được triển khai trong năm qua trong các lĩnh vực ưu tiên như an ninh hàng hải, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thiên tai, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị; đồng thời thông qua danh mục các hoạt động ARF về xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong giai đoạn 2016 - 2017 để trình lên các bộ trưởng thông qua.

Kêu gọi không sử dụng vũ lực trên biển Đông

Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF, các nước đã trao đổi về các dự thảo Tuyên bố ARF, trong đó có dự thảo tuyên bố do Việt Nam đề xuất về tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF. Đây là đề xuất dự thảo tuyên bố đầu tiên của Việt Nam trong ARF nhằm khuyến khích tăng cường hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển trong ARF. Qua đó giúp tăng cường lòng tin, giảm thiểu rủi ro va chạm do hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm trong khi thực thi nhiệm vụ trên biển. Dự thảo do Việt Nam đề xuất đã nhận được phản hồi và đóng góp tích cực của nhiều bên, trong đó EU và Australia đã nhận đồng bảo trợ.

Cuộc họp cũng dành nhiều thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình Triều Tiên, biển Đông, Ukraine, di cư, chống khủng bố. Về vấn đề biển Đông, nhiều nước chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); một số nước cũng trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng trọng tài quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp như giữa Ấn Độ và Bangladesh, Australia và Đông Timor.
 

Trong hai ngày 6 đến 7-5 tại Đại học Yale thuộc bang Connecticut, Đông Bắc Mỹ, đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Xung đột tại biển Đông”. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các học giả hàng đầu về vấn đề biển Đông đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học có uy tín có trụ sở tại Mỹ và các nước như Pháp, Đức, Australia, Anh, Canada...

Hội thảo chia làm 3 phiên thảo luận xoay quanh các chủ đề “Lịch sử tranh chấp ở biển Đông”, “Tình hình địa chính trị biển Đông” và “Vấn đề pháp lý cho tranh chấp ở biển Đông”. Điểm chung của 14 bài tham luận tại hội thảo đều tập trung phân tích những khía cạnh pháp lý của các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông để từ đó đưa ra những giải pháp giải quyết xung đột thông qua con đường ngoại giao và dựa trên luật pháp quốc tế.

Hội thảo do Hội đồng Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) ở Đại học Yale tổ chức. Hội đồng Nghiên cứu Đông Á và Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam đồng tham gia tài trợ.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục