Ba nhà lãnh đạo này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố sự gắn kết trong châu lục để ứng phó với những yếu tố có thể làm lung lay khối thống nhất của “ngôi nhà chung”châu Âu.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh xu hướng cực hữu dân tộc chủ nghĩa đang ngày một mở rộng trên chính trường châu Âu, khi các đảng cực hữu đã lên nắm quyền tại Hungary và Italy, tham gia chính phủ tại Phần Lan và Slovakia. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận một tháng trước cuộc bầu cử EP cho thấy, làn sóng cực hữu sẽ trỗi dậy, qua đó mở rộng ảnh hưởng trên chính trường châu Âu.
Cụ thể, tại Italy, đảng cực hữu Anh em đang đứng đầu với 27% số ý kiến ủng hộ, trong khi tại Đức, đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) đứng thứ hai với 15% số ý kiến. Tại Áo, đảng Tự do (FPO) cũng được dự đoán sẽ giành được nhiều lợi thế.
Cuộc bầu cử tại 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) này sẽ quyết định thành phần của nghị viện khoảng 700 ghế, có nhiệm vụ giám sát tiến trình lập pháp của châu Âu. Với khoảng 400 triệu người có thể bỏ phiếu, bầu cử EP không chỉ là một trong những cuộc bầu cử có số cử tri lớn nhất thế giới mà còn được đặc biệt chú ý khi châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.
Bên cạnh việc chứng kiến một sự chuyển dịch mạnh mẽ hơn sang cánh hữu ở nhiều quốc gia, với các đảng cánh hữu theo chủ nghĩa dân túy giành được lợi thế trên khắp EU, vấn đề lạm phát và môi trường tiếp tục là các chủ đề chính được cử tri quan tâm. Đây cũng là các chủ đề có lợi cho xu hướng cực hữu.