Ngày 22-10-1963, INR (Phòng Nghiên cứu tình báo thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ) tung ra báo cáo Statistics on the War Effort in South Vietnam Show Unfavorable Trends (Thống kê về nỗ lực chiến tranh tại Nam Việt Nam cho thấy những khuynh hướng bất lợi). Báo cáo đã gây nên làn sóng chống đối dữ dội tại nhiều cơ quan Chính phủ Mỹ.
Ban tham mưu Lầu Năm Góc chỉ trích mạnh báo cáo, cho rằng chuyên gia INR không đủ kinh nghiệm để bàn về cuộc chiến “đang thắng lợi” tại Nam Việt Nam của Mỹ...
Nội bộ cộng đồng tình báo Mỹ mâu thuẫn
Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara tất nhiên “rủa” báo cáo của INR không tiếc lời. Ngoại trưởng Dean Rusk buộc phải gọi sếp INR Thomas L. Hughes vào văn phòng và đề nghị không tiếp tục làm nản lòng Lầu Năm Góc về viễn cảnh chiến thắng tại Nam Việt Nam (bản thân Rusk ủng hộ chính sách mạnh tay trong cuộc chiến chống cộng tại Đông Nam Á).
Đến thời Tổng thống Lyndon B. Johnson, tình hình Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp. INR đã sai khi đánh giá thấp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cho đến sự kiện Vịnh Bắc bộ vào tháng 8-1964, không có bất kỳ nhận định tình báo nào của Mỹ cho thấy Hà Nội sẽ đưa quân vào miền Nam.
Tình báo Mỹ tin rằng Bắc Việt không dám đụng độ trực tiếp với quân đội Mỹ (mà thay vào đó chỉ ủng hộ Mặt trận giải phóng miền Nam) và Washington cũng không dám mạnh tay với Hà Nội do e ngại Bắc Kinh và Moscow vào cuộc (trong khi sếp CIA John McCone liên tục yêu cầu Lyndon B. Johnson dội bom Hà Nội, INR cũng liên tiếp cảnh báo khả năng Trung Quốc chính thức đưa quân sang ủng hộ Bắc Việt Nam).
Trong một hội thảo năm 1991, nguyên Giám đốc INR Thomas L. Hughes đã nhắc lại mâu thuẫn trong nội bộ cộng đồng tình báo Mỹ về các phân tích tình hình chiến trường Việt Nam.
Năm 1966, tình báo Mỹ vẫn không nắm chính xác tỷ lệ quân đội Bắc Việt tại Nam Việt Nam cũng như lực lượng vũ trang Mặt trận giải phóng miền Nam.
Cựu viên chức INR Louis Sarris cho biết cơ quan mình thường xuyên bị “đe dọa” từ Lầu Năm Góc, đặc biệt xung đột với các ý kiến xung quanh đánh giá thực lực nội các Sài Gòn.
Cụ thể một trường hợp: Trong khi Ban cố vấn quân sự Hoa Kỳ (MACV) tin tưởng (thủ tướng chính quyền Sài Gòn) Nguyễn Cao Kỳ, báo cáo INR cho biết Kỳ đã dùng lực lượng cảnh sát quốc gia - nằm dưới chỉ huy của đồng minh Nguyễn Ngọc Loan, theo cách như Ngô Đình Diệm dùng đảng Cần lao - cốt để củng cố chiến thắng trong cuộc bầu cử 1966.
Trong khi tư lệnh trưởng MACV William C. Westmoreland có mặt tại Washington giục Nhà Trắng đổ thêm bom vào Việt Nam thì Louis Sarris trong chuyến kinh lý Sài Gòn đã được tướng Fred Weyand tâm sự: “Tôi chẳng thể hiểu cái mà ông Westmoreland nói về ánh sáng cuối đường hầm là cái quái quỷ gì. Chúng tôi có thể bị tấn công bất cứ lúc nào và chúng tôi không bao giờ biết kẻ thù xuất hiện từ đâu”.
Điều này cuối cùng đã xảy ra vào Tết Mậu Thân 1968. Như tất cả cơ quan tình báo Mỹ, INR hoàn toàn bất ngờ trước sự kiện “Việt cộng” tấn công Sài Gòn. INR đã rơi vào bẫy khi tin rằng Bắc Việt chỉ đột kích căn cứ quân sự Mỹ tại Khe Sanh.
10 ngày trước sự kiện Mậu Thân, INR thật ra đã phân tích một thông tin tình báo cho thấy loạt tấn công nhỏ của Bắc Việt nhằm lôi kéo sự chú ý và giãn độ tập trung của quân đội Mỹ tại các thành phố lớn…
Cuối cùng, với sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc chiến Việt Nam thời Nixon, INR dần bị bỏ rơi như một đứa con ghẻ trong làng tình báo Mỹ…
Thất bại “ngoạn mục” của quân báo Mỹ-ngụy
Đầu thập niên 1960, với chuẩn y của Tổng thống John F. Kennedy, CIA bắt đầu mở chiến dịch bí mật - phối hợp với đặc nhiệm Việt Nam Cộng hòa (VNCH) của chế độ Ngô Đình Diệm - tổ chức liên tiếp phá rối đường mòn Hồ Chí Minh.
Sẽ có những vụ cài mìn phá vỡ hàng loạt căn cứ của “cộng quân”, sẽ có những màn đặc nhiệm Mỹ “khứa cổ Việt cộng” lạnh xương sống như trong phim Hollywood, sẽ có những họng súng bắn tỉa đen ngòm chĩa từ bụi rậm khĩa phát nào trúng phát nấy? Hoàn toàn không!
Hai tác giả Ken Conboy và James Morrison trong bài viết trên nguyệt san Vietnam (của cựu binh Mỹ) đã tiết lộ thất bại “ngoạn mục” của quân báo Mỹ-ngụy trong những ngày đầu tổ chức đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh như thế nào…
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, biên giới Lào trở thành điểm quan trọng cho các cuộc vận chuyển binh lực bộ đội Việt Nam. Quân báo Mỹ lẫn tình báo VNCH biết rõ điều này.
Chính quyền Ngô Đình Diệm từng thương lượng với Chính phủ Hoàng gia Lào cho quân VNCH trà trộn vào vùng và cải trang làm lính Hoàng gia Lào. Đến cuối năm 1959, một đồn lính VNCH đã được lập tại làng Ban Houei Sane (Lào).
Tháng 8-1960, đại úy Kong Le đánh chiếm thủ đô Vientiene và tuyên bố Lào là quốc gia trung lập. Sự kiện này tạo ra tình huống khá phức tạp.
Lực lượng cánh hữu tập trung tại Nam Lào lập kế hoạch tái chiếm quyền lực (ủng hộ Hoàng gia Lào); trong khi thành phần cộng sản Lào (Pathet Lao) lại nghiêng về Kong Le.
Khi bạo động bùng lên khắp Lào vào tháng 1-1961, Tiểu đoàn 12 bộ binh Hoàng gia Lào - vốn cát cứ ở vài điểm phòng thủ tại Tchepone - bắt đầu chuyển sang phía Tây để đến thị trấn Thakhek nằm ở bờ Mekong và sau đó thành lập Tiểu đoàn tình nguyện 33 (BV 33).
Với loạt chiến dịch thành công của bộ đội Việt Nam tại khu vực giáp giới cũng như vùng Tây Nguyên, quân đội VNCH hối Diệm hỗ trợ lính Hoàng gia Lào tái chiếm Tchepone....
Bài 3: Thảm bại tại Lào!
Phúc Cẩm