Ngày Quốc tế không rác thải: Vì một thế giới sạch hơn

Nhân Ngày quốc tế không rác thải 30-3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng tương lai không rác thải cần phải có sự chung tay của cộng đồng quốc tế. Ông kêu gọi thế giới đoàn kết và nỗ lực đạt được một hiệp ước mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa để “kết thúc vòng đời của rác thải, một lần và mãi mãi”.

Cảnh báo mạnh mẽ

Mỗi năm, các gia đình, doanh nghiệp nhỏ và nhà cung cấp dịch vụ công cộng tạo ra 2,1-2,3 tỷ tấn chất thải rắn đô thị từ bao bì và đồ điện tử đến nhựa và thực phẩm. Tuy nhiên, các dịch vụ quản lý chất thải toàn cầu không được trang bị đầy đủ để giải quyết vấn đề này, với 2,7 tỷ người không được tiếp cận với dịch vụ thu gom chất thải rắn và chỉ 61%-62% chất thải rắn đô thị được xử lý.

#8a.jpg
Nhà máy năng lượng từ rác thải Copenhill ở Đan Mạch Ảnh: ARCH DAILY

Ở các nước thu nhập thấp, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn, ước tính có khoảng 90% lượng rác thải không được xử lý đúng cách. Ô nhiễm chất thải đe dọa đáng kể đến sức khỏe con người, sự thịnh vượng kinh tế và làm trầm trọng thêm “bộ ba” cuộc khủng hoảng của hành tinh gồm: biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020).

Theo giới chuyên gia, các sáng kiến “xanh” có thể giúp các chính phủ tiết kiệm 70 tỷ USD vào năm 2040 và tạo thêm 700.000 việc làm. Nếu có các biện pháp hiệu quả, chi phí do rác thải gây ra trên toàn cầu mỗi năm có thể giảm xuống còn 270 tỷ USD vào năm 2050.

Thậm chí, Liên hợp quốc lưu ý mục tiêu này có thể nâng cao hơn, bằng cách chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó phát triển kinh tế không đồng nghĩa là rác thải tăng. Có thể kể đến như việc áp dụng các thông lệ kinh doanh bền vững, quy trình xử lý rác thải hoàn thiện hơn, có thể mang về khoản thu ròng hơn 100 tỷ USD mỗi năm.

Huy động sức mạnh xã hội

Hiện nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực giảm rác thải thông qua các biện pháp thúc đẩy mô hình sản xuất - tiêu dùng bền vững và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn.

Chẳng hạn ở nước Anh, công ty quản lý chất thải SUEZ điều hành trung tâm tái sử dụng lớn nhất ở Anh với sự hợp tác của Cơ quan quản lý kết hợp Greater Manchester, nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người. Các thùng quyên góp cho phép cư dân quyên góp các mặt hàng như đồ nội thất, đồ gia dụng và đồ điện, sau đó tân trang lại và phân phối lại cho cộng đồng.

Dự án này giải quyết vấn đề giảm chất thải trực tiếp, xử lý hơn 500 tấn chất thải từ bãi chôn lấp mỗi năm, và cũng hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn bằng cách cung cấp đào tạo nghề xanh, hợp tác với các tổ chức từ thiện địa phương để cung cấp nhà ở cho những người có nhu cầu.

Tương tự, ở Chile, công ty quản lý chất thải hàng đầu TriCiclos trong 14 năm qua đã điều hành một trong những mạng lưới tái chế hiệu quả nhất ở Nam Mỹ theo mô hình quản lý dựa trên khả năng truy xuất nguồn gốc 100% và loại bỏ các vật liệu không thể tái chế. Bằng cách cung cấp các dịch vụ tái chế, giáo dục về tiêu dùng bền vững và cơ hội việc làm xứng đáng, TriCiclos đã tạo ra môi trường sống an toàn cho hơn 3 triệu người.

Tin cùng chuyên mục