Hướng tới phát triển kinh tế xanh

Trong bối cảnh tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn “Kinh tế xanh” là mô hình phát triển mới để giải quyết những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. 
Một góc hồ xử lý nước thải tại một doanh nghiệp sản xuất xanh ở huyện Củ Chi. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Một góc hồ xử lý nước thải tại một doanh nghiệp sản xuất xanh ở huyện Củ Chi. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. 

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy phát triển quá trình xanh hóa sản xuất và phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam. Các nội dung cơ bản của phát triển kinh tế xanh bao gồm thúc đẩy các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng các nguồn năng lượng sạch; phát triển công nghệ ít phát thải; các sản phẩm thân thiện với môi trường; ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường. 
Để phát triển đất nước bền vững, công nghệ xanh sẽ là nhân tố quyết định cho việc tăng trưởng kinh tế, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch. Thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị đảm bảo nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm. Những chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong giai đoạn tới bao gồm sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42% - 45%; tỷ lệ các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường 80%, áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3% - 4% GDP. 

Nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của doanh nghiệp hiện nay, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang lại hiệu quả của nền kinh tế xét trong dài hạn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong bối cảnh Việt Nam  hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nếu doanh nghiệp sớm đổi mới công nghệ phù hợp với các tiêu chuẩn cao của thế giới, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường  khu vực và toàn cầu.
Trao đổi về vấn đề này, PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ môi trường, (ENTEC), cho biết trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan đến Internet kết nối vạn vật thì con người, máy móc, thiết bị, công việc... được kết nối mọi nơi để sinh ra sản phẩm hay dịch vụ mới. Trong khái niệm mới này, nhà ở, trường học, cơ quan, nhà máy, doanh nghiệp, hệ thống logistics, cơ quan công quyền được chuyển thành đối tượng thông minh hơn. Đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là dùng công nghệ thay thế dần sự có mặt của con người trong mọi hoạt động. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo, mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), người máy làm việc càng thông minh, có khả  năng ghi nhớ, học hỏi vô biên; trong khi khả năng đó ở con người càng già càng giảm. Nhờ công nghệ in 3D, chúng ta đạt được bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực như kiến trúc, xây dựng, thời trang, mỹ phẩm, y học... nên tăng trưởng xanh là xu hướng phát triển nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm, rủi ro môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gây BĐKH, góp phần phát triển bền vững.

Để khuyến khích phát triển kinh tế xanh,  PGS-TS Phùng Chí Sỹ kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam đến năm 2030 định hướng đến năm 2050. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế, hướng đến phát triển bền vững.
Để nắm bắt cơ hội đổi mới công nghệ, doanh nghiệp cần nắm được các chủ trương, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chính phủ dành cho doanh nghiệp nhằm thực hiện các chương trình, mục tiêu thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi mô hình sang kinh tế xanh; mở rộng giao lưu, học hỏi... từ đó nắm bắt được xu hướng chung toàn cầu, những công nghệ xanh thế giới đang thực hiện và hướng tới, lựa chọn những công nghệ phù hợp với mình; chuẩn bị đầu tư bài bản để đổi mới công nghệ theo các tiêu chí xanh của sản phẩm, tận dụng các nguồn vốn sẵn có và ưu đãi đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao thân thiện môi trường; sẵn sàng loại bỏ các công nghệ cũ, lỗi thời không đảm bảo chất lượng sản phẩm và gây tổn hại cho môi trường.

Tin cùng chuyên mục