Hướng về quê hương

Cộng đồng người Việt ở Ba Lan là cộng đồng người Việt đông thứ ba ở châu Âu, sau cộng đồng người Việt tại Pháp và cộng đồng người Việt tại Đức.
Quầy ẩm thực Việt tại khu thương mại Wólka Kosowska
Quầy ẩm thực Việt tại khu thương mại Wólka Kosowska
 Cộng đồng người Việt ở Ba Lan có thể tự hào là cộng đồng có nhiều đóng góp cho nền kinh tế quốc gia nước sở tại. 

Tại Ba Lan, từ năm 2013 đến nay, cộng đồng người Việt vẫn đang tích cực quyên góp để xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam (Centrum Kultury Wietnamskiej) tại Lazy, Lesznowola trên diện tích khoảng 8.000m2, trong đó có ngôi chùa Nhân Hòa. Đây là công trình văn hóa lớn nhất, là tài sản và ngôi nhà chung của cộng đồng người Việt tại Ba Lan, và đặc biệt nhận được sự ủng hộ của chính quyền Ba Lan, sự đồng lòng của cả cộng đồng người Việt tại châu Âu và trong nước. Tuy nhiên, có vẻ như sau giai đoạn buôn bán ăn nên làm ra, nhiều người Việt hiện nay rơi vào vết mòn trong tư duy kinh doanh và không năng động trong việc thay đổi hình thức kinh doanh phù hợp tình hình mới, ví dụ phát triển mạng lưới cửa hàng bán lẻ ở mọi nơi thay vì vẫn tập trung ở các trung tâm. 
Trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đang gặp rất nhiều khó khăn kinh doanh truyền thống, các chuyên gia, doanh nghiệp có kinh nghiệm của Ba Lan (cả người bản xứ lẫn người Việt Nam) đã tương trợ nhau trong hoạt động kinh doanh bằng cách tổ chức các buổi gặp gỡ thường kỳ, trao đổi thông tin, giới thiệu các dự án, các ý tưởng kinh doanh của các doanh nghiệp hay tổ chức các chương trình phổ biến kiến thức, pháp lý, hội nhập trong kinh doanh… Tại khu thương mại Wólka Kosowska, cộng đồng người Việt cũng hỗ trợ phương thức kinh doanh bán hàng trực tuyến, giao lưu khách hàng của các doanh nghiệp bán buôn và marketing cho khu thương mại Wólka Kosowska. Họ hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng, dịch vụ , xuất nhập khẩu cũng như liên kết trong hiệp hội chuyên ngành ẩm thực Việt. Các doanh nghiệp đã cùng hợp tác trong các dịch vụ chung để giảm chi phí trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, y tế, điện thoại, ô tô.... Tập trung đối ngoại với các tổ chức doanh nghiệp của Ba Lan, tận dụng các hỗ trợ từ các hiệp hội thông qua các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp của châu Âu, các chính sách sử dụng, ưu tiên thuế, đào tạo nhân lực, hội nhâp…
Ngày 19-3 tới, Trung tâm Nghiên cứu Ba Lan - châu Á (CSPA) phối hợp với Trường Đại học Collegium Civitas tổ chức Hội thảo “Biển Đông và an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương”. Hội thảo sẽ có sự tham gia của Giáo sư, TSKH Tadeusz Iwinski, chuyên gia về chính trị quốc tế Đại học Warmia Mazury, nguyên Nghị sĩ Ba Lan giai đoạn 1991-2015. Ông Pawel Behrendt, chuyên gia nghiên cứu về an ninh quốc tế, tác giả cuốn sách “Trung Quốc đang trỗi dậy và những căng thẳng ở châu Á”… Nội dung hội thảo nhằm để kiều bào ở Ba Lan tìm hiểu và thảo luận về những tranh chấp tại biển Đông, nhất là diễn biến gần đây xung quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoài ra, theo Đại sứ quan Việt Nam tại Ba Lan, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đang lên kế hoạch tổ chức  đoàn kiều bào Ba Lan ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa dự kiến vào trung tuần tháng 4 năm - 2018. Những người được chọn đi là những kiều bào tiêu biểu, có công, tích cực tham gia công tác hội đoàn, có ảnh hưởng trong xã hội sở tại. Mặc dù buôn bán làm ăn không còn thuận lợi như trước đây, nhưng nhân dịp này, kiều bào ở Ba Lan cũng phát động chương trình ủng hộ, chung tay nâng cao sức chiến đấu cho Trường Sa.

Tin cùng chuyên mục