Huy Du với sự giao hòa thơ - nhạc

Huy Du với sự giao hòa thơ - nhạc

Sinh ra và lớn lên trên một vùng quan họ, cạnh dòng sông Đuống, nhạc sĩ Huy Du như được tắm mát trong bao làn điệu dân ca của quê hương. Từ Cách mạng Tháng Tám, chàng thanh niên 20 tuổi Huy Du trở thành bộ đội Cụ Hồ, rồi thành nhạc sĩ - chiến sĩ viết nhạc phục vụ bộ đội.

Trong hàng trăm ca khúc của ông, có lẽ những bài phổ thơ là có sức lay động mạnh mẽ hơn cả. Giai điệu trữ tình của ông vừa thiết tha mà hào hùng, vừa giản dị mà bay bổng giao hòa với thơ ca giàu hình tượng văn học tạo thành tác phẩm tuyệt đẹp.

Nhạc sĩ Huy Du (trái) và nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Nhạc sĩ Huy Du (trái) và nhạc sĩ Trương Quang Lục.

Năm 1962, một hôm nhạc sĩ Huy Du tình cờ đọc được bài thơ Tình em của Ngọc Sơn đăng trên báo Văn Nghệ. Là một nhạc sĩ quân đội, Huy Du thường phải xa gia đình thân yêu để công tác. Nên khi đọc bài thơ trên báo, ông đồng cảm ngay và cảm thấy như nhà thơ đã nói đúng suy nghĩ của mình về tình yêu gắn bó giữa người lính ở chiến trường và người thân yêu ở hậu phương. Chỉ trong một đêm, nhạc sĩ Huy Du đã hoàn thành ca khúc Tình em với lời thơ của Ngọc Sơn: “Khi chiếc lá xa cành, lá không còn màu xanh/ Mà sao anh xa em, đời vẫn xanh rời rợi…”. Giai điệu và ca từ thật thiết tha, sâu lắng. Khi ấy, ông vẫn chưa quen biết tác giả bài thơ. Mãi 35 năm sau, năm 1997, hai bên mới gặp nhau, thì ra đều là lính Cụ Hồ và là cán bộ quân đội lâu năm, nay đã về hưu.

Một ngày năm 1964, nhạc sĩ Huy Du tình cờ đọc được bài thơ Anh vẫn hành quân của nhà thơ Trần Hữu Thung đăng trên báo Văn Nghệ. Ông tìm thấy ý tứ cho một sáng tác mới về quân đội. Hồi đó, Huy Du chưa có dịp gặp mặt Trần Hữu Thung nhưng qua bài thơ, ông đã đồng cảm với tác giả để từ đó viết nên ca khúc Anh vẫn hành quân. Ông sáng tác khá nhanh, sau hai giờ hoàn thành tác phẩm. Đây là một hành khúc theo điệu thức La thứ, trầm hùng: “Anh vẫn hành quân trên đường ra chiến dịch/ Mé đồi quê anh bước, trăng non ló đỉnh rừng…”. Nhiều nhạc sĩ thường sử dụng điệu thứ tạo nên chất trữ tình, tha thiết, mềm mại, nhưng trong bài Anh vẫn hành quân, Huy Du lại dùng điệu thứ với nhịp đi hùng mạnh, giai điệu vui khỏe. Trong bài còn có bè phức điệu nghe như những đợt sóng cuồn cuộn nối tiếp, tạo nên hình ảnh những đoàn quân trùng trùng điệp điệp lên đường ra mặt trận.

Năm 1967, Trung ương Đoàn TNCS mở cuộc vận động sáng tác bài hát cho thanh niên nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn. Trong số những bài hát được ban tổ chức tuyển chọn để phổ biến rộng rãi trong thanh niên thời ấy có bài Cùng anh tiến quân trên đường dài, nhạc Huy Du, thơ Xuân Sách. Giai điệu vừa thiết tha vừa trầm hùng, thể hiện khá rõ nét tấm gương dũng cảm sáng chói của anh hùng Nguyễn Viết Xuân: “… Lời anh nói thiết tha như ngọn gió bay xa/ Như khúc ca giục giã, thôi thúc trong lòng tôi tiến quân trên đường dài…”. Nguyễn Viết Xuân quê ở Vĩnh Phúc, 18 tuổi vào bộ đội pháo binh, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thời chống Pháp, tham gia bảo vệ Quảng Bình thời chống Mỹ với cương vị chính trị viên đại đội pháo binh. Ngày 18-11-1964, trong một trận đánh ác liệt với không quân địch, Nguyễn Viết Xuân bị thương rất nặng nhưng vẫn tiếp tục chỉ huy chiến đấu, anh hô to: “Nhằm thẳng quân thù, bắn!”.

Trong một lần đi thực tế sáng tác ở mặt trận Trường Sơn, nhạc sĩ Huy Du cùng đoàn văn nghệ sĩ quân đội ghé vào một trạm giao liên lúc nửa đêm. Các cô gái ở trạm đã ngủ, nhưng khi nghe tiếng động, các cô bật dậy thấy đoàn văn nghệ quân đội đội mưa bước vào liền đi vét gạo, hái rau rừng, nổi lửa nấu một nồi cháo.

Một cô giao liên mạnh dạn đề nghị Huy Du sáng tác một bài hát về công việc nuôi quân của các cô, để các cô hát với nhau thôi cũng được. Ông cảm thấy lời yêu cầu ấy thật hồn nhiên, giản dị nhưng thiêng liêng trang trọng, nên vui vẻ hứa hẹn sẽ thực hiện yêu cầu này. Khi trở về Hà Nội, Huy Du vẫn không quên lời hứa ấy. Vào một ngày năm 1968, tình cờ bắt gặp bài thơ của Giang Lam rất hợp với cảm xúc của mình, ông tham khảo nội dung để sáng tác nên bài hát Nổi lửa lên em: “Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé/ Lá nếp rau rừng thêm ấm tình anh nuôi…”. Một thời gian sau, khi trở lại mặt trận, Huy Du tìm về trạm giao liên năm xưa để tặng cô gái nuôi quân sáng tác Nổi lửa lên em của mình như đã hứa. Và ông bàng hoàng, lặng người khi được biết cô gái ấy đã hy sinh trên đỉnh Trường Sơn.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục

Tin cùng chuyên mục