Khẩn trương chống sạt lở

Trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện tập trung rà soát số hộ dân bị ảnh hưởng tại 40 vị trí sạt lở, đẩy nhanh tiến độ di dời dân ra khu vực sạt lở.
Nhiều dự án xây dựng kè kênh chống sạt lở đang được thi công khẩn trương
Nhiều dự án xây dựng kè kênh chống sạt lở đang được thi công khẩn trương

Vượt khó

Trở lại khu vực sạt lở ven rạch Giồng - sông Kinh Lộ (ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM) xảy ra vào cuối tháng 6-2017 làm 5 căn nhà bị hư hại nghiêm trọng, hàng chục người phải sơ tán khẩn cấp cho thấy hậu quả vẫn xảy ra dù nơi này đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Hiện tại khu vực hố xoáy sạt lở cơ bản đã khắc phục tạm, những hộ nằm trong vùng “nguy hiểm” đã di dời. Nhớ lại giây phút khi dòng nước xoáy cuồn cuộn “nuốt” dần 5 căn nhà vào rạng sáng 27-6, bà Huỳnh Thị Phải, ngụ số 18/1, tổ 4, ấp 3, vẫn chưa hết bàng hoàng nói: “Khi đó cả nhà đang ngủ thì bất ngờ nghe những tiếng động lớn phát ra từ phía bờ sông. Gia đình bà cùng nhiều nhà hàng xóm không kịp trở tay, chỉ vội thoát ra ngoài và đành bất lực nhìn nhà cửa, tài sản... bị dòng nước nhấn chìm”. Bà Phải cho biết thêm, ngay sau sự việc xảy ra lãnh đạo thành phố và địa phương cùng nhiều đơn vị đã giúp đỡ người dân bị nạn đến nơi an toàn và được bố trí nơi tạm ổn định cuộc sống. Hiện tại, việc khắc phục tạm ở điểm sạt lở này đã hoàn thành và 7 hộ dân đã trở lại sinh sống bình thường. Riêng điểm sạt lở ở rạch Giồng - sông Kinh Lộ, UBND huyện Nhà Bè phối hợp Khu Quản lý đường thủy nội địa (Sở Giao thông Vận tải - GTVT) để thực hiện dự án xây bờ kè.

Trước đây, vào mùa mưa hay thời điểm triều cường, khi nói đến bán đảo Thanh Đa quận Bình Thạnh thì người ta thường nói “sạt lở và ngập”, nhưng những ngày này, khu vực bờ kênh bán đảo này đã thấy một sự thay đổi khác hẳn. Dọc bờ sông Sài Gòn đoạn nhìn sang hướng quận 2 và Thủ Đức đã được xây kè kiên cố bằng bê tông. Vòng về hướng cầu Thanh Đa hai bên bờ kênh cùng tên với cây cầu này cũng đã được xây kè và taluy kiên cố. Trên bờ hai bên nhiều đoạn thiết kế công viên với những hàng cây xanh rợp bóng mát. Sáng, chiều tấp nập người tập thể dục, các cụ già ngồi hóng mát, các cháu thiếu nhi đạp xe vui đùa. Những hộ dân trước đây ở dọc ven kênh bị sạt lở đã được di dời tái định cư đến nơi ở mới. Để có được những hình ảnh đẹp như ngày hôm nay, thành phố đã rất nỗ lực trong việc di dời tái định cư cho hàng trăm hộ dân dọc hai bên ven kênh. 

Phải đẩy nhanh tiến độ

Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM hiện có 40 vị trí sạt lở. Ngoài các vị trí ở khu vực Thanh Đa đã được đầu tư xây dựng cơ bản hoàn chỉnh, các vị trí còn lại đang tiếp tục triển khai. Nhiều nhất là địa bàn huyện Nhà Bè có 16 vị trí sạt lở, trong đó 11 vị trí đặc biệt nguy hiểm, 5 vị trí nguy hiểm. UBND TP đã cho triển khai 17 dự án xây dựng kè với chiều dài 7.441m để xử lý 16 vị trí này. Trong đó, Khu Quản lý đường thủy nội địa thực hiện 13 dự án, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình huyện Nhà Bè làm chủ đầu tư 4 dự án. Theo ông Trần Văn Giàu, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, khó khăn nhất hiện nay hầu hết các dự án đều vướng giải phóng mặt bằng. Khu Quản lý đường thủy nội địa đang tiến hành rà soát chi tiết từng dự án, phối hợp chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Song song đó, chủ động vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công 8 dự án bàn giao mặt bằng chậm nhất trong tháng 2-2018 để kịp hoàn thành trong năm. Với 4 dự án do huyện Nhà Bè thực hiện cũng phấn đấu hoàn thành trong năm 2018. Tổng chiều dài các kè sẽ hoàn thiện trên huyện Nhà Bè là 5.843m. 

Nhận định về mức độ nguy hiểm của các vị trí sạt lở, theo Sở GTVT TPHCM qua khảo sát trực tiếp tại 40 vị trí sạt lở xuất hiện 2 đoạn có nguy cơ sạt lở tại bờ trái sông Sài Gòn khu vực nhà thờ Fatima (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) và bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng (ấp 1, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè). Cả 2 đoạn này đều tập trung rất đông dân cư, đặc biệt là khu vực bờ trái sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu 600m có 42 căn nhà nguy cơ sạt lở, trong đó 13 căn nhà nằm hoàn toàn trên sông, 14 căn nhà một nửa nằm trên sông, một nửa nằm trên bờ và 15 căn nhà nằm trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch. Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát thực địa để lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án trình thành phố xem xét, quyết định đầu tư xây dựng bờ kè tại 2 đoạn này. 

Cũng theo Sở GTVT, cái khó khi triển khai các dự án là công tác giải phóng mặt bằng phải qua nhiều thủ tục rất lâu, trong khi người dân ở sát bờ sông có thể bị sạt lở bất cứ lúc nào. Vì vậy, các đơn vị một mặt thực hiện các thủ tục triển khai dự án, song song đó vận động người dân bàn giao mặt bằng để thi công. Điểm nào có mặt bằng là tổ chức thi công ngay để không mất thời gian. Tuy nhiên, công tác bàn giao mặt bằng của các địa phương vẫn còn khá chậm, kéo dài như: dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố quận 2, xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi (Bình Chánh), xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở khu vực cầu Long Kiểng, xây dựng kè bảo vệ chống xói lở bờ sông khu vực khu dân cư xã Phước Kiển...

Trước thực trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã có văn bản yêu cầu Sở NN-PTNT và các sở ngành, UBND quận, huyện tập trung rà soát số hộ dân bị ảnh hưởng tại 40 vị trí sạt lở, đẩy nhanh tiến độ Đề án di dời dân ra khu vực sạt lở. Giao Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn vốn bố trí kịp thời để thực hiện các dự án xây dựng kè tại các vị trí sạt lở, đặc biệt ưu tiên các dự án tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm. Chấp thuận cơ chế thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu, khởi công ngay khi có điều kiện về mặt bằng, vốn…

Tin cùng chuyên mục