Sớm hoàn thiện khung pháp lý để tham gia thị trường carbon

Ngày 10-5, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Ngoại Thương phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Thị trường carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.

Thị trường carbon đang là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để tham gia thị trường này, đặc biệt là tài nguyên rừng. Tuy vậy, để có thể tham gia thị trường carbon một cách bền vững, hiệu quả thì chúng ta cần phải sớm xúc tiến triển khai các kế hoạch, giải pháp, khung pháp lý liên quan.

z6586456061932_e179ebd042381db0317de8deb81c7d73.jpg
GS-TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM chia sẻ thông tin tại hội thảo. Ảnh: MINH HẢI

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại Thương, thị trường carbon rừng đang nổi lên như một cơ chế tiềm năng để huy động nguồn lực tài chính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy quản lý rừng bền vững.

Với tiềm năng lớn về tài nguyên và khả năng hấp thụ carbon rừng, trong giai đoạn 2021-2030, ước tính Việt Nam có thể tạo ra từ 40-70 triệu tín chỉ carbon rừng tương đương với hàng chục nghìn tỷ đồng từ chuyển nhượng tín chỉ carbon. Trên thực tế Việt Nam đã ghi nhận một số kết quả tích cực bước đầu như việc chuyển nhượng thành công 10,3 triệu tấn CO2 giảm phát thải cho Ngân hàng Thế giới vào năm 2024. Tuy nhiên, thị trường carbon rừng trong nước vẫn đối mặt với nhiều rào cản mang tính hệ thống pháp lý, kỹ thuật và thể chế. Đặc biệt, việc thiếu cơ chế xác lập quyền sở hữu carbon rừng, hệ thống đo lường, báo cáo, xác minh chưa hoàn thiện và sự phụ thuộc vào hỗ trợ quốc tế khiến Việt Nam chưa thể tham gia sâu vào thị trường carbon toàn cầu một cách độc lập.

z6586456054127_acc2efb3cadc8a4936101a7b850d7da4.jpg
Quang cảnh hội thảo

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation cũng kiến nghị, các cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý đồng bộ cho thị trường carbon. Thực hiện soát xét và bổ sung các quy định liên quan đến tín chỉ carbon trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật về khí hậu cùng với các nghị định và thông tư hướng dẫn, nhằm tạo thành một khung pháp lý toàn diện và nhất quán.

TS Trần Nguyễn Thị Tâm Đan, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng cho rằng, dù cam kết Net Zero đã được Chính phủ cam kết từ COP 26, tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn chưa vận hành được thị trường carbon. Từ lâu Việt Nam đã thực hiện các dự án bảo vệ môi trường có bản chất của tín chỉ carbon thông qua các thỏa thuận song phương. Đơn cử dự án REDD ++ ở Việt Nam thu về 51,5 triệu USD tương đương 10,3 triệu tín chỉ carbon. Xét ở góc độ tích cực, chúng ta đang linh động trong việc hướng đến các hoạt động vì môi trường, và sau này khi tính toán chúng ta vẫn có thể được quy đổi sang tín chỉ carbon để bù trừ hạn ngạch của quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án song phương nói trên dẫn đến Việt Nam đã thất thoát một khoản thu lớn từ tín chỉ carbon.

TS Trần Nguyễn Thị Tâm Đan đề xuất, để có thể phát huy các tiềm năng và tham gia thị trường carbon một cách bền vững, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc phát triển thị trường carbon, cần xem nó là một tài sản đặc thù và phức tạp như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ. Khi có văn bản pháp lý điều chỉnh, cần luật hóa chính thức tín chỉ carbon theo hướng tín chỉ carbon là giấy tờ có giá trị để từ đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các chủ thể thực hiện thay vì “tự phát” như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục