Việt Nam là một trong 30 quốc gia có mức độ ô nhiễm không khí cao trên thế giới

Đó là thông tin được TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, chia sẻ tại buổi giới thiệu các thiết bị công nghệ mới áp dụng tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, tổ chức tại TPHCM vừa qua.

TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ về chất lượng không khí ở các thành phố lớn
TS Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ về chất lượng không khí ở các thành phố lớn

Theo TS Nguyễn Hoàng Hiệp, ô nhiễm không khí đang trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng. Nhiều thời điểm, chất lượng không khí ở Hà Nội chạm ngưỡng nguy hại.

Báo cáo chất lượng không khí Thế giới 2023 của IQAir cũng chỉ rõ, năm 2023, Hà Nội và TPHCM thường xuyên nằm trong nhóm 20 thành phố ô nhiễm không khí nặng nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ người dân sống tại khu vực đô thị – nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải giao thông, công nghiệp và bụi xây dựng – ngày càng tăng cao. Ô nhiễm không khí là sát thủ vô hình. Những tác động không xảy ra ngay lập tức nhưng tích lũy lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.

Nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí vẫn là khí thải nhà kính, xuất phát từ các nhà máy công nghiệp, phương tiện giao thông, hệ thống tòa nhà và các khu dân cư sử dụng nhiều thiết bị tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, tình trạng kẹt xe kéo dài ở các đô thị lớn như TPHCM và TP Hà Nội cũng góp phần làm gia tăng lượng khí thải CO₂ vào môi trường.

Bên cạnh các nguồn khí thải từ bên ngoài, lượng khí thải cũng có phát sinh ngay trong môi trường làm việc như: người làm việc trong văn phòng có thể sử dụng máy tính, máy in, máy lạnh, sạc điện thoại…, đều tạo ra khí thải nhà kính và hệ thống điều hòa ở các tòa nhà văn phòng – vốn vận hành liên tục cũng góp phần làm nóng môi trường bên ngoài, dù mang lại sự dễ chịu bên trong…

“Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến việc hô hấp mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về tim mạch, hệ thần kinh, làm giảm tuổi thọ. Người già, trẻ nhỏ và người có bệnh nền là nhóm chịu tác động nặng nề nhất”, TS Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin.

Theo TS Nguyễn Hoàng Hiệp, trong 5 năm trở lại đây, lượng khí thải ở Việt Nam tăng chứ không giảm. Nếu tiếp tục phát triển công nghiệp mà không có giải pháp xử lý đồng bộ, chúng ta rất khó đạt được các mục tiêu giảm phát thải như đã cam kết. Để cải thiện cần khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm công nghệ thân thiện môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Nhiều tập đoàn quốc tế đang phát triển các thiết bị điện tử tiết kiệm năng lượng, trung hòa carbon, thậm chí có khả năng lọc không khí.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam hiện ghi nhận hơn 60.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí, phần lớn là do bụi mịn PM2.5 – loại hạt siêu nhỏ có thể xâm nhập sâu vào phổi và máu, gây nên các bệnh tim mạch, hô hấp và thậm chí là ung thư.

Tin cùng chuyên mục