Cách mạng công nghiệp 4.0: “Cơn bão” không chờ ai

Chỉ mới định hình trong khoảng 5 năm, nhưng giờ đây, cả thế giới và Việt Nam đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn gọi là công nghiệp 4.0, sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới.
Cách mạng công nghiệp 4.0: “Cơn bão” không chờ ai

Chỉ mới định hình trong khoảng 5 năm, nhưng giờ đây, cả thế giới và Việt Nam đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn gọi là công nghiệp 4.0, sẽ biến đổi cách sống, làm việc và giao tiếp của toàn nhân loại theo cách hoàn toàn mới.

Cần sự tiếp cận mới

Trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công nghệ thông tin (CNTT) và Internet kết nối vạn vật (IoT), không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà còn là con người giao tiếp với máy, con người giao tiếp với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Trên phạm vi toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp này đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trung tâm điều hành toàn cầu của Tập đoàn Viettel đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội)

Theo các chuyên gia, cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở giai đoạn đầu, nên các nước gần như “bình đẳng” về cơ hội khi bắt đầu đi vào cuộc cách mạng này. Một nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, từ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.

Theo GS Mike Gregory, nguyên Trưởng Bộ môn chế tạo và quản lý Đại học Cambridge, để Việt Nam đón thời cơ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thành công, Chính phủ cần thiết kế các chương trình phù hợp để tiếp thu những công nghệ mới, xây dựng các chính sách cho các ngành, lĩnh vực; cần có cách tiếp cận mới để xây dựng chính sách dựa trên hiểu biết về nền kinh tế truyền thống và phản ánh được xu hướng thay đổi KH-CN đang diễn ra.

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng cần có chương trình quốc gia về kết nối thông tin. Hạ tầng số đóng vai trò quan trọng, là bệ phóng cho mọi ngành nghề khác. Cần đẩy mạnh thương mại điện tử, thành phố thông minh. Cùng với đó, chú trọng đầu tư cho an toàn, an ninh thông tin; tập trung đào tạo chuyên sâu đẳng cấp quốc tế về trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ sinh học… 

15 năm để nắm bắt cơ hội

Theo khảo sát mới đây của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Harvard (Hoa Kỳ), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia “đột phá” (gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Philippines), đang cải thiện mức độ “sẵn sàng số hóa” nhanh chóng. Việt Nam có dân số đứng thứ 14 trên thế giới và đang ở độ tuổi vàng. Khoảng thời gian cơ hội còn lại cho chúng ta là 15 năm, khi dân số vẫn đang ở độ tuổi dân số vàng. Trong 15 năm đó, chúng ta cần những thế hệ, những người chủ tương lai mới của đất nước. Đây chính là những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra.

 PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TPHCM  nhận định, còn nhiều thách thức, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là cơ hội rất quý giá mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt, tranh thủ để tiến thẳng vào lĩnh vực công nghiệp mới, qua đó đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hẹp khoảng cách phát triển. Chiến lược công nghiệp của Việt Nam trong hơn 30 năm qua thể hiện rõ là chiến lược công nghiệp với 3 chương trình kinh tế lớn: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, tiếp tục duy trì sẽ không còn phù hợp với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chính phủ cần xây dựng các chương trình mục tiêu công nghiệp cho giai đoạn cất cánh nền kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.

Thông qua thực thi các hiệp định thương mại thế hệ mới, thể chế kinh tế thị trường ở nước ta ngày càng hoàn thiện, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, lao động, học tập, sức sáng tạo của doanh nghiệp và người dân. Đây là yếu tố rất quan trọng để thích ứng với tiến bộ công nghệ. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, trong cuộc cách mạng số, mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số; ngân sách trở thành ngân sách số; mỗi công dân đều có thể trở thành một công dân số. Có như vậy, Việt Nam -  một nước đi sau về công nghệ mới có thể bắt kịp chuyến tàu siêu tốc của cuộc cách mạng số.

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục