“Đùa dai” với phóng xạ

Lại một vụ “sơ ý” nữa đối với nguyên liệu phóng xạ khi sự cố “hy hữu” đã xảy ra tại Công ty TNHH Dịch vụ Kỹ thuật cơ khí hàng hải (Vũng Tàu) ngày 28-12 vừa qua. Một công nhân đang làm việc trên giàn khoan tại cảng Hạ Lưu làm rơi thỏi nguyên liệu phóng xạ dùng để chụp cắt lớp các mối hàn nối giàn khoan.

Sau khi sự cố xảy ra tới hơn 3 giờ đồng hồ, người ta mới phát hiện ra cục phóng xạ bị… biến mất. Hiển nhiên là chủ thầu đảm nhận chụp phóng xạ của công trình hiểu rất rõ về tác hại của loại nguyên liệu này và việc sơ tán khẩn cấp hơn 400 công nhân ra khỏi hiện trường là đương nhiên…

Từ vụ “sơ ý” trên, khiến người ta liên tưởng đến những vụ nguyên liệu phóng xạ bị “chạy lung tung” đã diễn ra không lâu trước đó khiến không ít người sửng sốt vì sự… bất cẩn đến quá thể. Đó là vụ mất phóng xạ tại Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà (tỉnh Hòa Bình) hồi tháng 7-2006.

Qua ghi nhận của cơ quan điều tra, khi công ty này đang tiến hành sửa chữa lớn thiết bị các dây chuyền sản xuất thì phát hiện cục phóng xạ “không cánh mà bay”. Đó là hộp chứa nguồn phóng xạ phát tia Gamma dùng điều khiển xả clinke đáy lò được tháo khỏi vị trí điều khiển để kiểm tra nhưng khi bộ phận chuyên môn tiến hành lắp vào vị trí vận hành thì phát hiện bị mất.

Trước đó nữa, các cơ quan chức năng cũng đã ghi nhận một số vụ thất thoát phóng xạ mà nói ra người ta tưởng như đùa. Đó là năm 2003, Công ty cổ phần Xi măng Việt Trung (tỉnh Hà Nam) đã bị mất nguồn phóng xạ Cs-137 để đo mức phục vụ việc xả tự động clinke.

Thậm chí sau sự cố này, người ta vẫn chưa có thông tin công bố tìm lại được nguồn phóng xạ này hay chưa. Rồi một vụ mất phóng xạ tương tự cũng xảy ra tại Viện Công nghệ xạ hiếm khi người ta phát hiện 54,8 mg chất phóng xạ tại viện này bỗng dưng biến mất. Tá hỏa, các cơ quan chức năng tiến hành truy tìm thì phát hiện người lấy cắp đã đem hộp phóng xạ bán cho một điểm thu mua phế liệu…

Những sự cố nói trên đối với nguồn phóng xạ tuy chưa để xảy ra những hậu quả nghiêm trọng trước mắt nhưng các chuyên gia về hạt nhân vẫn cảnh báo rằng nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người là luôn tiềm ẩn. Khi nguồn phóng xạ không được che chắn bảo vệ, nó đủ khả năng chiếu xạ vào những người ở khoảng cách gần nguồn với tần suất lớn, nguy hiểm cho sức khỏe. Còn khi nguồn phóng xạ đã thất thoát ra môi trường thì càng gây nên nguy hại khó lường cho con người và hệ sinh thái…

Vẫn biết rằng Bộ KH-CN có hẳn một Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân được giao chức năng, nhiệm vụ tầm soát và đảm bảo an toàn bức xạ. Tuy nhiên, liệu những tầm soát của cục hiện nay đã hiệu quả? Sau những “sự cố” mất phóng xạ liên tiếp những năm qua, năm 2006, Bộ KH-CN đã ra Chỉ thị số 13/2006/CT-BKHCN về việc tăng cường công tác quản lý an toàn bức xạ và an ninh các nguồn phóng xạ.

Theo đó, Bộ KH-CN yêu cầu tổ chức chặt chẽ công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ hạt nhân, đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về khai báo, đăng ký, cấp phép đối với các tổ chức sử dụng nguồn bức xạ, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tiến tới xây dựng đề án hình thành hệ thống ứng phó quốc gia đối với các tai nạn, sự cố bức xạ, hạt nhân…

Không dừng lại ở đó, Bộ KH-CN đã yêu cầu Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Thanh tra bộ, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân…

Những chỉ thị, yêu cầu của Bộ KH-CN như trên nghiêm túc là thế nhưng liệu các nguồn phóng xạ từ hàng ngàn máy X-quang chẩn đoán bệnh trong y tế, xạ trị và cả ngàn nguồn phóng xạ sử dụng trong công nghiệp hiện nay đã được kiểm soát chặt chẽ? Người ta nghi ngại rằng, đến một lúc nào đó nếu sự “bất cẩn” với phóng xạ lại xảy ra một lần nữa và nếu không may mắn như những lần trước, nguồn phóng xạ phát tán ra môi trường thì ai bảo đảm rằng tính mạng người dân không bị đe dọa!

VIỆT LÂM

Tin cùng chuyên mục