Chỉ nhiệt huyết, chưa đủ!

Với hàng trăm ngàn sinh viên (SV) trên địa bàn thành phố, con số năm bảy đề tài nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng vào thực tế (số liệu từ giải Euréka 2006) giống như muối bỏ biển. Đến hẹn lại lên, năm nay, lại có 58 đề tài NCKH của SV tham dự vòng chung kết Euréka lần 9 để tìm và tôn vinh. Người ta tìm gì ở Euréka - “tìm ra rồi”?

Thiếu tiền, hổng kiến thức

“Em khẳng định đề tài này là nghiên cứu đầu tiên trong cả nước kết hợp hai công nghệ xử lý nước thải đúng không? Tôi đã từng đọc khá nhiều sách viết về công nghệ này rồi, của Việt Nam hẳn hoi, không phải của nước ngoài…”. Sinh viên Nguyễn Thị Quế Lâm, Trường Đại học Bách khoa đứng trân người, không tìm được câu trả lời thỏa đáng cho Hội đồng giám khảo khoa học trong buổi thi nhóm ngành nông – lâm – ngư – tài nguyên môi trường.

SV làm khoa học không thể tránh khỏi những lỗ hổng kiến thức trong từng lĩnh vực. “Thực tế cho thấy, áp lực học hành, thi cử trên lớp, hoạt động đoàn - hội đã hạn chế thời gian và công sức, SV không thể đầu tư đúng nghĩa cho NCKH. SV thiếu kiến thức, sách vở để nghiên cứu, thậm chí còn thiếu cả cán bộ hướng dẫn về chuyên môn, học thuật nên chất lượng của các công trình không cao”, SV Quế Lâm chia sẻ.

Phạm Thụy Hoàng Oanh, SV ngành môi trường ĐHBK cho biết: “Tiền mua hóa chất rất đắt, một lọ Natri Monidac nhỏ lên đến 1,6 triệu đồng, trong quá trình làm thí nghiệm, nếu pha trộn không đúng liều lượng thì hợp chất bị kết tủa, đi toi cả triệu đồng”. Theo Oanh, đề tài “Nghiên cứu khả năng xử lý nước thải tinh bột mì và tạo bùn hạt bằng mô hình Airlift Reactor” tốn hơn 5 triệu, nhà trường hỗ trợ chỉ 1 triệu, phần còn lại tự lo nên cũng qua loa nhiều thứ…

Câu chuyện SV NCKH thiếu tiền, thiếu kiến thức như trên là tình hình chung. Ngoài tiền, kiến thức, SV còn gặp khó khăn ngay từ va chạm thực tiễn. Chọn đề tài “Nghiên cứu mô hình phát triển khu phố Tây TPHCM, góp phần nâng cao hiệu quả du lịch VN hội nhập khu vực và thế giới, so sánh với khu Khao San - Thái Lan”, Đỗ Việt Hồng phải rong ruổi suốt hai tháng khắp các nhà hàng, khách sạn để phỏng vấn khách Tây.

Đồng cảm trước những khó khăn của SV, TS Phan Thu Nga – Trưởng phòng Quản lý Khoa học Sở Khoa học Công nghệ nhận định: Các đề tài nghiên cứu của SV không có tính ứng dụng thực tế vì chưa có một sự đầu tư, hỗ trợ đúng mức cho SV phát huy khả năng NCKH. Kinh phí và thời gian hạn hẹp đã “ép” SV lấy những mẫu chưa tiêu biểu, chọn kết quả thí nghiệm chưa thỏa đáng…

Câu lạc bộ Ứng dụng nghiên cứu khoa học

TPHCM có hơn 350.000 SV và chỉ có 500 SV tham gia NCKH. Không chỉ hạn chế về số lượng, chất lượng công trình vẫn chưa được đánh giá cao. Năm 2006, giải thưởng Euréka chỉ có 5/77 đề tài có thể ứng dụng thành công vào thực tế.

Nhận định vấn đề này, ThS Nguyễn Anh Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, cho biết: “Tôi đánh giá cao tính sáng tạo và nhạy bén thời sự của SV trong NCKH, cụ thể những đề tài tiếp thị hình ảnh quốc gia thông qua mô hình kinh doanh chuỗi hàng rong tại Việt Nam giai đoạn gia nhập WTO, nghiên cứu rủi ro trong đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư trong nước trên thị trường chứng khoán TPHCM… ý tưởng rất táo bạo và hừng hực tính thời sự. Tuy nhiên, những NCKH này chỉ mang tính học tập và tham khảo. Để ứng dụng vào thực tế cần phải có sự đầu tư để cải tạo đề tài, giữa sách vở và thực tiễn còn một khoảng cách khá xa mà SV chưa đủ sức để kết hợp cả hai”.

Tin tưởng hơn vào năng lực của SV, PGS-TS Phan Thị Yến Tuyết, Bộ môn Nhân học Trường ĐH KHXH-NV cho rằng: “Các đề tài của giải Euréka năm nay có tính đột phá, nhất là đề tài thuộc khối ngành KHXH như: thực trạng nhu cầu tư vấn học đường của học sinh THPT ở Thủ Đức; mô hình Trung tâm sau cai nghiện; tiềm năng và giải pháp khai thác du lịch sinh thái trên cung đường Hồ Chí Minh góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc sống dọc cung đường này… đều có thể ứng dụng được”.

Song thực tế, tìm “đầu ra” cho công trình của SV còn cần phải có sự đầu tư, hỗ trợ từ các nhà quản lý, doanh nghiệp. Trước mắt, Thành đoàn TPHCM thành lập Câu lạc bộ Ứng dụng nghiên cứu khoa học tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và SV, trao đổi nhu cầu, nguyện vọng để cung gặp được cầu, đáp ứng thực tiễn, vận động doanh nghiệp tài trợ và “làm quen” với nghiên cứu của SV.

Đây là cách kéo gần khoảng cách giữa nhà đầu tư và nhà khoa học trẻ, đồng thời khuyến khích mở rộng sân chơi NCKH cho SV.

TIÊU HÀ

Tin cùng chuyên mục